Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngLý do Philippines liên tiếp vạch trần hành động hung hăng của...

Lý do Philippines liên tiếp vạch trần hành động hung hăng của TQ ở Biển Đông?

Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Marcos ngay đầu tháng 1/2023, người ta tưởng rằng quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc sẽ suôn sẻ bởi trong chuyến thăm hai bên đã đạt Philippines đã nhất trí thiết lập các kênh liên lạc trực tiếp về vấn đề Biển Đông và xử lý mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; ông Tập Cận Bình đã nói với ông Marcos rằng Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các tranh chấp hàng hải với Philippines thông qua tham vấn một cách “thân thiện”.

Tuy nhiên, trên thực tế tình hình lại không phải vậy, từ đầu năm tới nay trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng, bất chấp các thỏa thuận nêu trên buộc Philippines có nhiều động thái thể hiện sự cứng rắn trên vấn đề Biển Đông, liên tiếp công khai vạch trần các vi phạm của Trung Quốc.

Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Duterte, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Trung Quốc chỉ những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng mới được đưa tin công khai, chẳng hạn như vụ chìm tàu đánh cá Gimver 1, sự hiện diện của 220 tàu dân quân biển tại Đá Ba Đầu và việc tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng một cách hung hăng chống lại một tàu tiếp tế cho binh lính đóng của Philippines đóng tại Bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo hiện tại của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., đã có một sự thay đổi đáng kể, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines liên tiếp công khai hóa những vụ việc vi phạm của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đáng chú ý là quyết định của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đưa các nhà báo và phóng viên truyền thông lên các chuyến bay Nhận thức về Lĩnh vực Hàng hải (MDA) của họ để phổ biến thông tin chính xác tới cả cộng đồng toàn cầu.

Mới đây nhất, trong cuộc tuần tra từ ngày 18-24/4/2023 ở Trường Sa và các thực thể do Philippines nắm giữ, Lực lượng tuần duyên Philippines đã phát hiện hơn 100 chiếc thuyền của dân quân biển cùng các tàu hải cảnh và một tàu hộ tống thuộc hải quân Trung Quốc. Một cuộc đối đầu giữa tàu tuần tra Philippines với tàu Trung Quốc đã xảy ra hôm 23/4 khi tàu hải cảnh của Trung Quốc chặn đầu tàu tuần duyên của Philippines. Sự việc đã được phóng viên hãng tin AP, có mặt trên tàu tuần tra của Philippines, tường thuật trong bài viết có tiêu đề “Trên boong tàu tuần tra Philippines ở Biển Đông tranh chấp”.

Trong bài viết, các phóng viên đã kể lại Khi 2 tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines đến gần Bãi Cỏ Mây (hiện do Philippines kiểm soát), tàu hải cảnh Trung Quốc phát loa yêu cầu 2 tàu Philippines rời khỏi khu vực mà họ khẳng định là “vùng lãnh thổ không thể tranh cãi” của Bắc Kinh. Tàu Trung Quốc sau đó bám sát và chặn tàu của Philippines cho đến khi 2 tàu chỉ cách nhau khoảng 45 mét. Thuyền trưởng Rodel Hernandez, chỉ huy tàu Malapascua, nói với các phóng viên rằng tàu hải cảnh Trung Quốc đã có “hành động bất ngờ và rất nguy hiểm”, “phớt lờ những quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm”.

Ba phóng viên của hãng tin Mỹ được mời tham gia chuyến tuần tra với lộ trình dài 1.670 km của tàu Malapascua, cùng với một tầu tuần duyên khác là BRP Malabrigo của Philippines, trong khuôn khổ chiến lược truyền thông mới của chính quyền Manila nhằm phơi bày thái độ hung hăng của hải quân Trung Quốc ở vùng Biển Đông. Các phóng viên đánh giá: “Báo giới đã có cơ hội tham gia một chuyến đi để có được phần nào cái nhìn về những gì các thành viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines phải đối mặt trên tuyến đầu của cuộc xung đột địa chính trị tại một trong những vùng biển tranh chấp khốc liệt nhất thế giới”.

Ngày 28/4/2023, Lực lượng tuần duyên Philippines đã lên tiếng về sự cố ngày 23/4, cáo buộc hải cảnh Trung Quốc “có hành động nguy hiểm” và lên án “chiến thuật gây hấn” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza nói Trung Quốc đã can thiệp vào một cuộc tuần tra thường lệ, và họ nên “kiềm chế các hành động có thể gây ra sự cố không đáng có”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đổ lỗi cho Manila “cố tình” gây sự cố để “khuấy động truyền thông”, vì 2 tàu tuần duyên Philippines chở nhiều nhà báo nước ngoài. Quan chức nước này khẳng định các tàu Trung Quốc đã hành động một cách chuyên nghiệp và kiềm chế.

Trong một thông cáo báo chí với lời lẽ cứng rắn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tái khẳng định việc Mỹ sát cánh với Philippines trước các vụ hải cảnh Trung Quốc tiếp tục vi phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Thông cáo nêu rõ: “Hình ảnh và video được các phương tiện truyền thông công bố gần đây là lời nhắc nhở rõ ràng về hành vi sách nhiễu và hù dọa của Trung Quốc nhắm vào tàu thuyền của Philippines khi các chiếc tàu này thực hiện các cuộc tuần tra định kỳ trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt các hành vi khiêu khích, thiếu an toàn”. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ không ngần ngại nhắc nhở Trung Quốc rằng “một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines, bao gồm cả các phương tiện của lực lượng tuần duyên Philippines, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ ghi trong Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951”. Giới quan sát nhận định đây được coi là phản ứng mạnh mẽ nhất của Mỹ đối với hành vi gây hấn của Trung Quốc đối với tàu tuần duyên Philippines, đây được xem là kết quả của việc Manila nỗ lực tăng cường quan hệ quân sự với Washington thời gian qần đây.

Với những động thái kể trên, giới phân tích cho rằng chính quyền của Tổng thống Marcos đã có sự thay đổi về chính sách trên vấn đề Biển Đông. Cùng với việc tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ, chính quyền Manila đẩy mạnh công khai hóa, phơi bày các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nhà quan sát đang quan tâm theo dõi những chuyển biến trong chính sách Biển Đông của Philippines và bước đầu chỉ ra một số lý do  những chính quyền Manila đẩy mạnh công khai hóa những diễn biến liên quan ở Biển Đông thời gian gần đây, cụ thể là:

Trước hết, sự thay đổi chính sách này phản ánh cam kết của chính phủ dưới thời Tổng thống Marcos về tính minh bạch và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước. Trong Thông điệp quốc gia đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Marcos đã thề sẽ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của Philippines trước các thế lực ngoại bang. Chính quyền của ông đã nỗ lực phối hợp để thông báo cho người dân Philippines về những diễn biến ở Biển Đông, mà không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm lừa dối hoặc che đậy sự thật. Cam kết của Marcos đã khuyến khích ông có lập trường cứng rắn, thậm chí triệu đại sứ Trung Quốc tại Malacañang sau sự cố chiếu tia laser gần đây.

Thứ hai, những nỗ lực của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines nhằm vạch trần các hoạt động phi pháp ở Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thu hút sự ủng hộ đối với lập trường của Philippines. Với thông tin hạn chế về tình hình ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh huy động cả hệ thống chính trị của họ đưa tin sai lệch về thực tế tình hình Biển Đông, tin tức sai sự thật tràn ngập các nền tảng truyền thông xã hội, tạo ra một câu chuyện bị bóp méo. Thông tin sai lệch này khiến nhiều người tin rằng Trung Quốc là “đối tác vì hòa bình và phát triển” mà không nhận thấy chủ nghĩa bá quyền hiếu chiến trong giới cầm quyền ở Bắc Kinh.

Thứ ba, là giành được sự ủng hộ và đoàn kết từ các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Mặc dù đúng là các đồng minh phương Tây và các quốc gia có cùng chí hướng khác đã liên tục lên án các hành động thù địch của Bắc Kinh, nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng đây không phải là mục tiêu cuối cùng. Điều quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực là phải nhận ra hành vi hung hăng và đáng sợ của Bắc Kinh, vì điều đó sẽ cho phép họ xích lại gần nhau và cùng lên án hành vi đó là vi phạm luật pháp quốc tế.

Bằng cách đoàn kết, các quốc gia này có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng những hành động chèn ép như vậy sẽ không được chấp nhận và họ cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Quan trọng nhất, nhận thức của họ cũng có thể khuyến khích việc nhận ra nhu cầu gây sức ép tập thể đối với Trung Quốc để hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Thứ tư, việc phơi bày các hành động thù địch của Trung Quốc ở Biển Đông có thể buộc nước này phải hành động có trách nhiệm hơn và tôn trọng luật pháp quốc tế. Bằng cách lên án hành vi của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế có thể buộc nước này phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình và có khả năng gây áp lực buộc họ phải thay đổi cách tiếp cận. Trong khi Trung Quốc có thể không thoải mái với sự chú ý như vậy mỗi khi xảy ra sự cố ở Biển Đông, các quan chức Trung Quốc luôn phủ nhận hoặc giảm nhẹ sự liên quan của họ. Ví dụ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã phủ nhận cả sự hiện diện của các tàu dân quân biển tại Đá Ba Đầu vào năm 2021 và việc sử dụng tia laser cấp độ quân sự vào tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, bằng cách tiếp tục lưu lại bằng chứng và công khai những sự cố này, cộng đồng quốc tế có thể xây dựng một lập trường mạnh mẽ chống lại các hành động của Trung Quốc và có khả năng buộc nước này phải thay đổi hành vi của mình.

Thứ năm, một điểm quan trọng cần xem xét là việc công khai các nỗ lực của Philippines ở Biển Đông sẽ tạo ra một khuôn mẫu, thể hiện các hành động hợp pháp của nước này như một thông lệ. Nếu không được thể hiện đầy đủ, các sáng kiến do Philippines thực hiện có thể được mô tả là bất thường, tạo cơ hội cho Trung Quốc gán mác là “mới” và “khiêu khích” trong tương lai. Điều bắt buộc là phải thừa nhận rằng các nhiệm vụ này là tiêu chuẩn, có thể chấp nhận được và hợp pháp. Việc phớt lờ các hoạt động của Philippines trong khu vực này có thể giúp Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong việc định hình câu chuyện và thao túng tình hình theo hướng có lợi cho họ. Do đó, điều cần thiết là thúc đẩy các hoạt động của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Lực lượng Vũ trang Philippines chống lại bất kỳ luận điệu không chính xác nào mà Trung Quốc có thể cố gắng bịa đặt sau này.         

Cuối cùng, bằng cách làm sáng tỏ các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines đang truyền tải một thông điệp rằng họ sẽ không bị khuất phục hoặc bị ép buộc phải khuất phục. Mặc dù quốc gia này có thể không sánh được với sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, nhưng họ sẽ không ngồi yên và để Trung Quốc bắt nạt khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bằng cách làm sáng tỏ hành vi hung hăng của Trung Quốc, Philippines hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ từ các quốc gia khác tin tưởng vào một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và các quốc gia có cùng quan điểm khác có thể không chỉ lên án bằng lời nói mà còn hỗ trợ hữu hình như xây dựng năng lực để gây áp lực buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.

Một số ý kiến còn cho rằng trong bối cảnh Philippines không ngừng tăng cường quan hệ liên minh với Mỹ, việc công khai hóa các hành động hung hăng của Trung Quốc còn là căn cứ để cho Mỹ và các nước công khai phản đối hành vi của Trung Quốc, tạo cơ sở cho Mỹ và đồng minh có thể gia tăng sự can dự và hiện diện ở Biển Đông, thậm chí viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines 1951 để hành động khi cần thiết bảo vệ Philippines, duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

Việc cho các nhà báo, phóng viên lên tàu để làm rõ các hành vi hung hăng của Trung Quốc đã từng được chính quyền Hà Nội thực hiện trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung Việt Nam năm 2014. Những hình ảnh về hành vi hung hăng của các tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam, trên đó có cả các phóng viên nước ngoài đã được đưa tin trên các trang mạng quốc tế khiến dư luận hết sức phẫn nộ và giàn khoan Hải Dương 981 phải rút sớm so với kế hoạch. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp do sự hiếu chiến gia tăng của Bắc Kinh, việc làm rõ và công khai hóa các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông là hết sức cần thiết nhằm phơi bày bộ mặt thật của giới cầm quyền Bắc Kinh, giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng sự thật để cùng chung tay ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới