Sunday, April 28, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaPhân tích chiến thuật bành trướng lãnh thổ của TQ

Phân tích chiến thuật bành trướng lãnh thổ của TQ

Với tư tưởng bá quyền Đại Hán, Trung Quốc không những đang triển khai bành trướng ở Biển Đông mà còn đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng và sự bành trướng ra nhiều khu vực trên thế giới với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số một, thành trung tâm của thế giới theo tư tưởng “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình. Theo dõi những hoạt động của Bắc Kinh đang triển khai ở nhiều khu vực trên thế giới, các nhà quan sát nhận định Trung Quốc dường như đang triển khai cùng một kiểu chiến thuật gây hấn và bành trướng ảnh hưởng ở các khu vực khác nhau.

Thời gian gần đây, bên cạnh các hoạt động hung hăng ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, Trung Quốc không ngần ngại thể hiện tham vọng, nỗ lực triển khai các hoạt động mở rộng vùng ảnh hưởng tới các quốc đảo Nam Thái Bình Dương nhằm tìm chỗ trú chân tại khu vực này. Theo Tiến sỹ Nagao Satoru, có thể có hai lý do chủ yếu thôi thúc Bắc Kinh bành trướng ra khu vực này: một là, các đảo ở Nam Thái Bình Dương nhạy cảm về mặt địa quân sự với Mỹ và đồng minh Úc, New Zealand; hai là, Bắc Kinh muốn phá vỡ “không gian sinh tồn của Đài Loan”. Một số quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương có quan hệ Ngoại giao với Đài Loan, Bắc Kinh muốn lôi kéo các nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao Đài Loan. Về vai trò địa chiến lược, các đảo ở Nam Thái Bình Dương và các đảo trên Biển Đông có mối liên hệ trong chiến lược phòng thủ bằng các chuỗi đảo trên biển của Trung Quốc. Các quan niệm về chuỗi đảo này được chiến lược gia Mỹ John Foster Dulles xây dựng vào năm 1951 trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Quan niệm này được Trung Quốc tiếp thu và phát triển. Các đảo trên Biển Đông là một phần của chuỗi đảo thứ nhất, còn các đảo ở Nam Thái Bình Dương thuộc về chuỗi đảo thứ hai và thứ ba. Nếu Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương, mối đe dọa của Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn đối với Mỹ và Úc.

Bình luận về mưu đồ bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, Tiến sỹ Nagao Satoru, làm việc tại Viện Hudson của Mỹ, chỉ ra rằng: “Hoạt động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, vùng biển Nam Thái Bình Dương, khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương có nhiều điểm tương đồng với những gì nước này đã làm ở vùng biển xung quanh Nhật Bản và Đài Loan”.

Điểm tương đồng đầu tiên của chiến thuật bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên cả 3 vùng biển gồm Biển Đông, biển Hoa Đông là “coi thường và diễn giải sai lệch luật pháp quốc tế hiện hành” nhằm phục vụ mưu đồ của mình khi đưa ra yêu sách đối với lãnh thổ mới. 

Là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), song Trung Quốc luôn bóp méo, dẫn chứng sai lệch những nội dung của UNCLOS để biện hộ cho những yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông và các vùng biển khác; Bắc Kinh cũng viện dẫn sai lệch các điều khoản của UNCLOS để lấp liếm cho các hành vi sai trái của họ trên các vùng biển. Bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, Bắc Kinh thường xuyên có các hoạt động gây hấn, xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng dù ở Biển Đông hay biển Hoa Đông để thực hiện mưu đồ bành trướng. Đồng thời, Trung Quốc luôn tìm cách biến “không tranh chấp thành “tranh chấp” trong các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ với các nước có liên quan, sử dụng luật pháp quốc tế theo cách của mình để thực hiện chiến lược này.

Đặc điểm thứ hai của chiến lược mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc là chiến thuật lợi dụng tính thời điểm để hành động. Bắc Kinh luôn lợi dụng tình thế mà đối phương gặp khó khăn hoặc Mỹ và các đồng minh sao nhãng, thiếu tập trung để lộ ra những “khoảng trống quyền lực”. Bắc kinh triệt để khai thác thời điểm cụ thể bất cứ khi nào họ tìm thấy “khoảng trống quyền lực”. Một ví dụ điển hình về việc lợi dụng thời điểm của Bắc Kinh là họ đã lợi dụng lúc chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Miền Nam Việt Nam gặp khó khăn khi phải đối phó với các cuộc tấn công từ Bắc Việt và bị Mỹ sao nhãng, bỏ rơi để dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông năm 1974….

Tranh thủ lúc Mỹ và các đồng minh bận tâm cho cuộc chiến ở Ukraine khó có thể tập trung vào mặt trận ở Nam Thái Bình Duơng, Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh các hoạt động mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này. 2 tháng sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Ngày 19/4/2022, Trung Quốc và Solomon công bố Hiệp ước An ninh khiến Mỹ và các đồng minh bất ngờ. Giới phân tích nhận định từ lâu Solomon nằm trong chiến lược bành trướng lâu dài của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Bắc Kinh đã chọn lúc Mỹ và đồng minh phải tập trung cao độ cho cuộc chiến ở Ukraine để thực hiện ý đồ này.

Tiếp đó, từ 26/5 đến 4/6/2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện chuyến công du qua gần một chục đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương để thuyết phục các nước này ký kết một thỏa thuận an ninh chung theo kiểu hiệp ước mà Trung Quốc đã có với quần đảo Solomon nhằm tăng cường vai trò của Trung Quốc đối với an ninh của các đảo ở Thái Bình Dương, mở rộng sự bành trướng của Bắc Kinh vào khu Nam Thái Bình Dương, song do các nước này đều hết sức cảnh giác trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh nên chuyến đi của ông Vương Nghị đã thất bại.

Chiến thuật thứ ba được Trung Quốc áp dụng là kiểm soát phi quân sự. Trung Quốc kết hợp chặt chẽ các quân bài kinh tế với mục tiêu mở rộng bành trướng ảnh hưởng. Trong những năm qua Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) với việc sử dụng các dự án cơ sở hạ tầng nước ngoài để mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Các quốc gia nhận khoản đầu tư và vay nợ đáng kể từ Trung Quốc ngần ngại chỉ trích Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh vi phạm các quy tắc quốc tế. Trung Quốc cũng sử dụng “ngoại giao vaccine” trong dịch COVID-19 để thúc đẩy thiện chí với các nước nhận viện trợ. Do đó, đối với Trung Quốc, các phương pháp phi quân sự như các dự án cơ sở hạ tầng, sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và vaccine là nhằm mở rộng ảnh hưởng và quyền lực của họ.

Năm 2017, với chính sách “ngoại giao bẫy nợ” Trung Quốc đã thôn tính cảng biển chiến lược của Srilanka ở khu vực Ấn Độ Dương. Sau một thời gian chật vật vì nợ tiền doanh nghiệp Trung Quốc, chính phủ Srilanka phải ký thỏa thuận trị giá 1,12 tỷ USD gán nợ cảng biển Hambantota cho Trung Quốc sử dụng trong 99 năm. Việc kiểm soát cảng biển này tạo điều kiện cho Trung Quốc bành trướng ở Ấn Độ Dương, đánh vào sân sau của Ấn Độ. Điển hình ở khu vực Đông Nam Á là việc Trung Quốc dùng con bài kinh tế để mua chuộc, lôi kéo Campuchia vào quỹ đạo của Trung Quốc, thậm chí Bắc Kinh còn mưu toan thiết lập căn cứ quân sự ở Ream tỉnh Sihanoukvill, Campuchia để mở rộng bành trướng ở khu vực.

Đặc điểm thứ 4 là, Trung Quốc luôn tìm cách vu cáo, đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh “can thiệp vào các khu vực gây ra tình hình căng thăng để đẩy Mỹ và các đồng minh ra khỏi các khu vực mà Bắc Kinh đang có kế hoạch xâm lấn, bành trướng. Nhưng trên thực tế thì chính Trung Quốc là nguyên nhân gây căng thẳng ở các khu vực khi họ mưu toan phá vỡ nguyên trạng hiện có, phá bỏ trật tự dựa trên pháp luật. Đây là một chiến thuật được Trung Quốc áp dụng ở những khu vực nhằm tạo cho họ thế độc quyền, dễ dàng bắt nạt các nước nhỏ trong khu vực thực hiện mưu đồ bành trướng.

Ở Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan hay cả khu vực Nam Thái Bình Dương, Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã hoạt động hết công suất để rêu rao về cái gọi là “Mỹ là kẻ gây rối”, tìm cách bóp méo các sự kiện như việc ngăn cản các hoạt động của tàu chiến, máy bay Mỹ ở cự ly nguy hiểm song lại cho rằng Mỹ hành xử thiếu chuyên nghiệp… Sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng bành trướng ở Biển Đông nói riêng và trên các khu vực ở khắp nơi trên thế giới đang gây mối lo ngại chung cho cộng đồng quốc tế bất chấp việc Trung Quốc sử dụng những chiến thuật hết sức tinh vi. Để tạo tiếng nói chung trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh, cần tiếp tục vạch trần những âm mưu thâm độc trong các chiến thuật bành trướng của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới