Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiẤn Độ - Philippines: “đồng khi tương cầu”

Ấn Độ – Philippines: “đồng khi tương cầu”

Ấn Độ và Philippines đã cam kết tăng cường hợp tác song phương trong bối cảnh 2 nước cùng tìm thấy mục tiêu chung là chống lại các yêu sách lãnh thổ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hải quân Ấn Độ và hải quân Philppines trong một cuộc tập trận ở Biển Đông.

Thông tin được đưa ra sau cuộc gặp ngoại trường Philippines Enrique Manalo với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại New Delhi – thủ đô Ấn Độ – trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 27-30/6, và đồng chủ trì kỳ họp thứ năm của Ủy ban Hỗn hợp Ấn Độ-Philippines về hợp tác song phương – một kỳ họp quan trọng bàn về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm “trên diện rộng và thực chất”.

Trong cái “trên diện rộng và thực chất đó”, cả hai quốc gia châu Á láng giềng của Trung Quốc không hề che dấu việc họ tìm thấy mục tiêu chung là chống lại các yêu sách lãnh thổ bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Philippines thì rõ rồi, là một trong những quốc gia liên quan trực tiếp vấn đề Biển Đông, cũng như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines thường xuyên bị Trung Quốc gây hấn và bắt nạt. Ngay cả khi Manila chủ trương “thoát Mỹ” ngả về Trung Quốc, sự thân thiện Bắc Kinh dành cho Manila chỉ trên bàn tiệc hoặc trong các cuộc làm việc cấp cao hai bên trong phòng họp.

Còn ngoài thực địa, những hành động khiêu khích, quấy nhiễu của Trung Quốc đối với Philippines vẫn diễn ra không ngừng. Chính điều đó khiến Philippines thất vọng, buộc phải phục hồi chính sách ngoại giao của một đồng minh thân cận Mỹ trong khu vực. Cuối năm 2021, Manila đã đồng ý khôi phục Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) vốn bị hủy bỏ từ tháng 02/2020, là một thí dụ. Thực tế đó cũng là cơ sở để ông Manalo nói với người đồng cấp Ấn Độ rằng: các tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines với Trung Quốc là “thách thức lớn”.

Cho dù ông Manalo có câu “vuốt đuôi”: “những khác biệt mà chúng tôi có với Trung Quốc không phải là tổng thể mối quan hệ”, thì hẳn ngoại trưởng Ấn Độ – ông Jaishankar vẫn lấy làm hài lòng khi nhận ra giữa Philippines và Trung Quốc, “gương” đã vỡ rồi, chẳng thể lành lại được.

Còn Ấn Độ? Không có tranh chấp trực tiếp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng là một quốc gia có vùng biển rộng lớn, Ấn Độ không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự bành trướng của Trung Quốc trên tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này. Các cuộc ẩu đả giữa lực lượng quân sự hai bên tại biên giới trên bộ vài năm qua càng khiến hai bên “gườm” nhau nhiều hơn. Căng thẳng cũng đồng thời cho thấy, những xung đột biên giới giữa hai cường quốc láng giềng vẫn âm ỉ như thùng thuốc súng, chỉ cần đụng vào là phát nổ, còn lâu mới có thể hóa giải triệt để.

Sự mặn nồng trong quan hệ giữa Philippines và Ấn Độ cho thấy cả hai đều cần nhau. Sự cần nhau đó giúp cho chuyến đi tới Ấn Độ của ông Manalo cũng như cuộc gặp của ông với người đồng cấp chủ nhà hanh thông, suôn sẻ, hiệu quả, trong đó điểm nhấn là cam kết đi sâu hợp tác hàng hải.

Hàng hải là khái niệm rộng. Chừng như phòng sự hiểu nhầm nên trong khuôn khổ kỳ họp, cả hai đã cụ thể hóa cái khái niệm mênh mông này thành các vấn đề liên quan như hạn mức tín dụng ưu đãi để đáp ứng “các yêu cầu về quốc phòng, mua sắm khí tài hải quân, mở rộng hoạt động huấn luyện và diễn tập chung về an ninh hàng hải và ứng phó thảm họa”…

Tóm lại, đáng để ý nhất vẫn là liên quan quân sự. Nên nhớ, trước đó, vào cuối năm 2022, Philippines đã ký thỏa thuận trị giá 375 triệu USD với Ấn Độ để mua 3 khẩu đội tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos – loại tên lửa được tích hợp công nghệ tàng hình và hệ thống dẫn đường tiên tiến để tăng cường khả năng phòng thủ, khiến Trung Quốc hậm hực.

Bình luận về những thỏa thuận đạt được giữa hai ngoại trưởng, nhiều chuyên gia quốc tế nói, sự gia tăng quan hệ Philippines với cường quốc châu Á như Ấn Độ, trong thời điểm này, chắc chắn có tác động từ kêt quả chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – chuyến đi mà nhà lãnh đạo Ấn Độ được tổng thống Mỹ Joe Biden dành cho các nghi thức đón tiếp long trọng nhất, thể hiện sự coi trọng của Washington về vai trò của New Delhi không chỉ trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Vậy nên, có người mới nhận định: quan hệ giữa Ấn Độ và Philippines thời điểm này có thể ví như quan hệ của hai quốc gia “đồng khí tương cầu” vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới