Thursday, December 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgười Mỹ thừa nhận họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, để...

Người Mỹ thừa nhận họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, để TQ “đẩy” dần ra khỏi Biển Đông

Là một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế, Biển Đông luôn là đối tượng mà Trung Quốc mong muốn kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên,  trở ngại lớn nhất của Trung Quốc chính là Mỹ và đồng minh do tầm quan trọng của vùng biển này đối với Mỹ và đồng minh.

Do đó, Trung Quốc tìm mọi cách loại bỏ Mỹ và đồng minh ra khỏi khu vực Biển Đông cũng quan trọng không kém phần việc củng cố yêu sách trên thực địa. Trong những năm qua, Trung Quốc đã kiên trì thực hiện chủ trương này và giành được nhiều kết quả và có phần chiếm ưu thế.

Nguyên nhân của tình trạng trên được chỉ ra như sau:

Thứ nhất, do chính quyền Mỹ đã thiếu sự quyết đoán, bỏ lỡ rất nhiều thời cơ, đồng thời cũng quá tin tưởng vào lời hứa của Bắc Kinh nên đã tạo cơ hội thuận lợi cho Trung Quốc từng bước xây dựng các tiền đồn quân sự và đang dần trở thành cường quốc thống trị ở Biển Đông. Minh chứng cho điều này được khẳng định bởi hai sự kiện, vấn đề đáng chú ý sau: 1/ Sự kiện Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012. Như đã biết, sau 10 tuần đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Philipines ở bãi cạn Scarborough, ngày 15/6/2012, Manila đã buộc phải rút toàn bộ số tàu của mình ra khỏi vùng biển tranh chấp xung quanh bãi cạn này. Có nhiều nguyên nhân khiến Philipines phải hành động như vậy mà trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là Mỹ đã chần chừ, mập mờ trong việc trợ giúp Manila bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, trong khi đảo quốc này đang ở vào “thế cùng, lực kiệt”. Vào lúc đó, khi cuộc xung đột ở Biển Đông vẫn đang còn nóng, Tổng thống Philippines là Benigno Aquino III đã “thăm” Mỹ và gửi đi tín hiệu về sự thống nhất của liên minh Mỹ – Phi, hy vọng chính quyền ở Washington sẽ nhanh chóng ra tay “cứu giúp” song Mỹ vẫn giữ lập trường “mơ hồ chiến lược”đối với Hiệp ước phòng thủ chung đã ký với Philippines năm 1951. Chính vì thế nên sau này, khi xem xét lại nguyên nhân thất bại trong sự kiện ở bãi cạn Scarborough, Chính phủ Philippines cho rằng, chính quyền Tổng thống B.Obama lúc đó đã không ra tay ngăn chặn kịp thời, để cho Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này. Chính điều này đã kích thích Trung Quốc tiến hành voecej cải tạo và bồi đắp rồi quân sự hóa trên 7 cấu trúc mà nước này dùng vũ lực để chiếm đóng trái phép trong những năm 1980 mà không vấp phải bất kỳ một sự can thiệp đáng kể nào của Mỹ. Cũng vì thế mà sau thành công ở bãi cạn Scarborough, giờ đây Trung Quốc đang có ý đồ dùng mô hình này áp dụng vào khu vực Bãi Đá Ba Đầu ở Trường Sa để thử phản ứng của chính quyền Tổng thống J.Biden, từ đó tính toán cho các bước đi tiếp theo. 2/ Mỹ thiếu sự tập trung vào vấn đề Biển Đông và quá tin tưởng vào những lời “hứa hẹn” của Bắc Kinh trong vấn đề này, chủ quan lơ là để cho Trung Quốc có cơ hội ngày càng lấn lướt hơn. Mặc dù, Mỹ đã sớm có chủ trương, mục tiêu rất cụ thể ở Biển Đông trong chiến lược “tái cân bằng” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, song một phần vì Washington vẫn còn “vướng” vào chuyện hợp tác với Bắc Kinh trong giải quyết các vấn đề lớn khác như Bắc Triều Tiên và Iran, một phần lại dồn lực can dự rất nhiều vào các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, khiến cho các hoạt động ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông bị sao nhãng. Ngoài ra, sau khi phát hiện ra Trung Quốc có các động thái đẩy mạnh việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông trong hai năm 2014 – 2015, trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015, Tổng thống Mỹ B.Obama đã chất vấn vấn đề này và được ông Tập tuyên bố, Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông. Nhiều quan chức Mỹ đã “tưởng bở”, coi cam kết công khai này là một bước ngoặt và cho rằng, những người theo đường lối cứng rắn trong Quân đội Trung Quốc sẽ không dám hành động trái với ý ông Tập. Tuy nhiên, thực tế đã sớm chứng minh điều ngược lại. Đến đầu năm 2016, bảy hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa do Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp đã cơ bản hoàn thành. Tiếp đó, họ biến các đảo này thành các cơ sở quân sự, bao gồm 72 nhà chứa máy bay, bến tàu, thiết bị liên lạc vệ tinh, ăng ten, radar, bệ tên lửa và hầm trú ẩn.

Theo nhận xét của ông Daniel Russel – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2013 – 2017, vào thời điểm Trung Quốc bắt đầu xây dựng trái phép những hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông, ông và các các đồng nghiệp của ông trong quân đội không tin rằng những hòn đảo nhân tạo đó sẽ là mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Ở giai đoạn đó, các tiền đồn của Trung Quốc chỉ được ví như “một vài chiếc tàu chiến bất động nằm rải rác trong khu vực”. Còn Đô đốc nghỉ hưu Harry B. Harris Jr – người trước đây từng là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ từ năm 2015 – 2018, thì cho biết, vào thời điểm đó, ông biết rõ là Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở quân sự ở Biển Đông và đã đề nghị chính quyền Mỹ gửi tàu chiến đến gần một trong những hòn đảo đó để chứng tỏ rằng Mỹ nghiêm túc trong việc thực thi luật pháp quốc tế, nhưng cấp trên của ông đã bác bỏ đề nghị này. Ông Gregory Poling – một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ còn lo lắng và kinh ngạc hơn khi cho biết: “Các quan chức Mỹ không thể tin được rằng, Trung Quốc lại làm một việc cứng rắn và liều lĩnh như vậy. Khi Mỹ nhận ra tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, dự đoán được những hòn đảo mà Trung Quốc xây dựng trái phép có thể sẽ được mở rộng ra sao và có thể triển khai được bao nhiêu cơ sở quân sự, thì mọi việc đã trở nên quá muộn”.

Thứ hai, bằng việc thực hiện các bước di dần dần trong một thập kỷ qua để tránh kích động xung đột với Mỹ, Trung Quốc đã dần thay đổi địa lý và cán cân quyền lực tại Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa thương mại trị giá hàng nghìn tỷ USD đi qua mỗi năm, trở thành quốc gia chiếm ưu thế ở vùng biển quan trọng vào loại bậc nhất thế giới. Ưu thế này được thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó có hai hoạt động rất đáng quan tâm.

Một là, Bắc Kinh đã từng bước biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình. Bởi khi nói về sức mạnh và ưu thế của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay, nhiều cựu quan chức Mỹ và Đông Nam Á, cũng như các nhà phân tích an ninh, đã phải thừa nhận là Mỹ khó có thể đảo ngược được quyền kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc hiện nay nếu không xảy ra xung đột quân sự. Tuy nhiên, giải pháp đó cũng chưa chắc đã mang lại thắng lợi cho Mỹ. Ông Gregory Poling cho rằng: “Sự thật là Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng bộ Biển Đông ngay từ giai đoạn khởi đầu của bất kỳ một cuộc xung đột nào nếu xảy ra với Trung Quốc”. Trong một bài báo gần đây trên trang Foreign Affairs, ông Gregory Poling đã chỉ rõ, các máy bay chiến đấu của Mỹ được triển khai tại căn cứ gần Biển Đông nhất cũng là ở Okinawa và Guam, cách quần đảo Trường Sa lần lượt 1.300 và 1.500 hải lý, trong khi Trung Quốc có tới 4 căn cứ không quân ở khu vực đó, chưa kể đến các căn cứ nhỏ hơn hoặc các cơ sở ven bờ. Với cơ cấu và thế bố trí lực lượng lợi hại như vậy, Bắc Kinh có thể kiểm soát toàn bộ không phận Biển Đông trong giai đoạn đầu của bất kỳ cuộc xung đột nào. Hơn nữa, ưu thế lớn về sức mạnh tên lửa đạn đạo của họ cũng sẽ biến Biển Đông thành một “trường bắn”, và tình thế sẽ sớm trở nên rõ ràng là Mỹ sẽ không thể bảo vệ các tàu Hải quân Mỹ trong khu vực này.

Sự phát triển và khả năng kiểm soát Biển Đông ngày càng tăng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được các tướng lĩnh cấp cao của Quân đội Mỹ nhiều lần cảnh báo. Ngay từ năm 2018, Đô đốc Philip Davidson, khi đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đã từng đưa ra chứng cứ tại Thượng viện Mỹ rằng, Trung Quốc giờ đây có thể kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống ngoại trừ chiến tranh với Mỹ. Năm 2021, tướng Mark Kelly – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến đường không thuộc Không quân Mỹ khi phát biểu tại hội thảo thường niên của Hiệp hội Không quân Hoa Kỳ đã đánh giá, vì Mỹ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối phó với các thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông, nên Bắc Kinh có thể tuyên bố chủ quyền ở một số khu vực trên vùng biển này mà “không cần dùng đến một viên đạn nào”. Gần đây, Phó Đô đốc Karl Thomas – Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết, hầu hết các cơ sở hạ tầng quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép ở Biển Đông đều có đầy đủ công năng với tên lửa, đường băng lớn, nhà chứa máy bay, radar và trạm nghe lén, chúng được bảo vệ bằng các boong ke rất kiên cố. Để làm tê liệt các căn cứ này, có thể cần đến hàng trăm tên lửa, trong khi Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ không có nhiều đạn dược như vậy. Hơn nữa, nếu xảy các cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc thì nó không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Trung Quốc càng mạnh thì càng khó hình dung Quân đội Mỹ sẽ hành động như thế nào trong các cuộc xung đột ở Biển Đông.

Ông Lyle Morris – nhà phân tích chính sách cao cấp của Rand Corporation (Mỹ) cho rằng: “Trung Quốc đã chứng tỏ đầy đủ khả năng có thể duy trì sức mạnh quân sự ở Biển Đông, khiến các nước trong khu vực e ngại, không dám đưa ra phản ứng mạnh mẽ”. Các học giả và tướng lĩnh Quân đội Mỹ cũng nhấn mạnh, không còn nhiều thời gian để bảo vệ lợi ích thiết thực của Mỹ ở Biển Đông vì tình hình ở khu vực này đang diễn biến nhanh đến mức các nước Đông Nam Á ngày càng gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm hoặc tốn kém trong việc theo đuổi quyền lợi ở đây. Thực tế nếu đúng như vậy thì cho dù Hải quân Mỹ có tiếp tục tuần tra ở Biển Đông cũng không gây được ảnh hưởng lớn, vì Trung Quốc đã có đủ nhiều yếu tố để biến vùng biển này thành “ao nhà” của mình.

Theo đánh giá của ông Thomas Shugart – một chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc gia, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh quốc gia Mỹ, các tiền đồn quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa sẽ là “nguồn cung cấp khổng lồ cho Trung Quốc nhiều thông tin về khu vực”. Trước đây, khi Trung Quốc lần đầu tiên mới xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, rất nhiều người khá coi thường, thậm chí cho rằng “Mỹ có thể dọn sạch chúng bằng tên lửa Tomahawk ngay lần đầu tiên xảy ra xung đột”. Tuy nhiên, đến nay không ai dám nói như vậy nữa. Người Trung Quốc đã làm rất tốt việc xây dựng một hệ thống phòng không tích hợp và Mỹ không dễ dàng gì khiến cho các cơ sở này trở nên vô dụng.

Hai là, những gì Trung Quốc đã làm được ở Biển Đông không những tạo ra các thách thức đối với sự thống trị lâu nay của Mỹ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà còn đe dọa trực tiếp đối với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Đài Loan và Philippines. Đặc biệt, chính sức mạnh vật chất mà Trung Quốc đã có được ở Biển Đông đã tạo ra được một loại sức mạnh khác, sức mạnh về tâm lý để trấn áp đối thủ.

Nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc không muốn xung đột quân sự với Mỹ ở Biển Đông vì cho dù có thể đánh bại Quân đội Mỹ, thì cái giá phải trả sẽ lớn hơn lợi ích. Theo ông Gregory Polling, đứng trên góc nhìn của Bắc Kinh, mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông lúc này chưa phải là chiến đấu với Hạm đội 7 của Mỹ. Những gì mà Trung Quốc làm ở Biển Đông ở một khía cạnh nào đó còn là một đòn tâm lý để cho các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực tin rằng, các lực lượng của Mỹ sẽ bị đánh bại ngay trước khi trận chiến bắt đầu, do đó không thể trông chờ Mỹ sẽ bảo vệ quyền lợi và tài nguyên của các đối tác. Thực tế cho thấy, trong hơn 5 năm qua, Trung Quốc đã khiến cho bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với họ cũng gần như không thể tiến hành việc thăm dò, khai thác dầu khí. Nếu nhìn vào các dự án dầu khí kể từ cuối năm 2018, thì mọi dự án thăm dò dầu khí mới nằm bất kỳ ở đâu trên Biển Đông, nhất là trong phạm vi “đường chín khúc” cũng ngay lập tức bị thách thức bởi lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc, dù đó là Malaysia hay Việt Nam, thậm chí hiện tại là Indonesia. Do đó, việc khoan thăm dò dầu khí ở Biển Đông ngày càng trở nên nguy hiểm, rủi ro và tốn kém, kể cả ở những vùng biển rõ ràng là không có tranh chấp về mặt pháp lý. Vị chuyên gia về Đông Nam Á này cho rằng, nếu Quân đội Mỹ không thể giúp các nước Đông Nam Á bảo vệ lợi ích, cũng như không giúp được ngư dân và các công ty dầu khí của các nước này, thì họ sẽ đặt câu hỏi tại sao lại phải phụ thuộc vào Mỹ. Và khi không phụ thuộc vào Mỹ, lại bị Trung Quốc đe dọa, gây sức ép thì họ sẽ tính sao đây. Theo Martin Meiners – Người phát ngôn Lầu Năm Góc, việc Trung Quốc xây dựng tiền đồn và quân sự hóa các hoạt động ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông không những gây bất ổn sâu sắc, mà còn cho phép nước này “sử dụng nó để ép buộc và trấn áp đối thủ bằng đòn tâm lý nhằm thay đổi thực tế theo hướng có lợi cho mình ngày càng rõ ràng hơn”.

Trong cuộc tập trận xung quanh Đài Loan diễn ra hồi tháng 4/2023 vừa qua, Trung Quốc đã vạch ra 6 khu vực xung quanh Đài Loan để tiến hành bắn đạn thật, hai trong số đó nằm ở phía Nam, canh giữ eo biển Bashi – cửa ngõ ra vào Biển Đông. Theo nhận xét của Dean Cheng – nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation (Mỹ), cuộc tập trận này đã gửi đi tín hiệu rõ ràng: Trung Quốc đang chiếm ưu thế ở Biển Đông. Ông cũng chỉ rõ, động thái này của Bắc Kinh đồng nghĩa với việc Trung Quốc trên thực tế hoàn toàn có khả năng đóng cửa eo biển Bashi. Mặc dù điều này đối với Hải quân Mỹ là hơi cường điệu, nhưng nó có thể gây lo ngại cho các nước nhỏ hơn xung quanh Biển Đông như Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam vì đây đều là những nước không có lực lượng hải quân lớn mạnh, cũng không có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Emirza Syailendra – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang Singapore nhận xét, đứng trước sự xâm nhập thường xuyên của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc, Malaysia và Indonesia đã lựa chọn thái độ hòa nhã. Hải quân hai nước chỉ đơn thuần là “bám theo” chứ không phải đối đầu và áp sát, giống như điệu nhảy Waltz, nghĩa là khi tàu Hải cảnh Trung Quốc tiến lên thì tàu hải quân hai nước lùi lại và ngược lại. Trong một bài viết trên The Diplomat gần đây, ông Emirza Syailendra đã nói về quy tắc giao chiến rất đơn giản, đó là không chủ động để tình hình leo thang. Trong bối cảnh các bên đều giữ kiềm chế, nguyên tắc không leo thang chẳng khác nào là một sự đảm bảo cho lực lượng Hải cảnh Trung Quốc rằng sẽ không có đối đầu giữa hai bên, do đó Trung Quốc có thể yên tâm ở lại khu vực tranh chấp. Đối với Philippines, năm 2018 nước này đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc. Tuy nhiên, tháng 6/2022, Tổng thống Duterte đã quyết định chấm dứt hoàn toàn các cuộc đàm phán về dầu khí với Bắc Kinh. Có rất nhiều lý do để ông Duterte đưa ra quyết định này, trong đó có một nguyên nhân là nếu Manila đồng ý với các điều kiện do phía Bắc Kinh đưa ra thì họ rất có thể sẽ mất chủ quyền trước cạm bẫy “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” của Trung Quốc. Theo ông Rommel Ong – cựu Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh Hải quân Philippines, các hoạt động kinh tế của Philippines ở Biển Đông trong những năm qua trở nên nguy hiểm hơn do có thể xảy ra xung đột với tàu Trung Quốc, đồng thời ông còn nhấn mạnh rằng, các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm xói mòn uy tín của Mỹ và đang từng bước làm thay đổi cán cân lực lượng ở khu vực. Hiện nay chưa thể kết luận chính xác Trung Quốc hay Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối ở Biển Đông, nhưng những nhận xét và sự thừa nhận của các tướng lĩnh, chuyên gia, học giả của Mỹ và các nước trong khu vực như đã nêu trên là vấn đề các nước trong khu vực, nhất là những quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông phải hết sức lưu tâm để tìm kiếm biện pháp đấu tranh phù hợp, góp phần xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác, các bên cùng phát triển và cùng thắng.

                                                                                   Huy Hoàng

RELATED ARTICLES

Tin mới