Biến đổi khí hậu và El Nino đang khiến thế giới nóng lên, kéo theo tình trạng thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến.
Cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/7 cho biết, thế giới đã trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử. Biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino được dự đoán sẽ tiếp tục khiến mùa hè năm nay thêm khắc nghiệt.
Thông tin này được đưa ra sau khi thế giới chứng kiến hàng loạt kỷ lục nhiệt độ bị xô đổ ở nhiều khu vực. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã được ghi nhận như hạn hán ở Tây Ban Nha, sóng nhiệt khắc nghiệt gây chết người ở Mỹ và Trung Quốc.
“Thế giới đã trải qua tháng 6 nóng kỷ lục, với nhiệt độ trung bình cao hơn 0,5 độ C so với mức ghi nhận từ năm 1991 tới 2020 và vượt qua chỉ số tháng 6/2019 với biên độ đáng kể”, thông báo viết.
Nhiệt độ đạt mức kỷ lục trong tháng 6 trên khắp tây bắc châu Âu, trong khi một số vùng của Canada, Mỹ, Mexico, châu Á và đông Australia “ấm hơn đáng kể so với bình thường”.
Ngày 5/7, các nhà khí tượng học Mỹ chỉ ra rằng ngày 4/7 là ngày nóng nhất từng được ghi nhận, dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.
Nhà khoa học Julien Nicolas cho biết kỷ lục nhiệt độ tháng 6 chủ yếu là do “nhiệt độ bề mặt đại dương rất ấm” ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương do El Nino, một hiện tượng nóng lên định kỳ.
Ông Nicolas nói thêm: “Hơn nữa, xu hướng nóng lên của đại dương là vì hấp thụ 90% nhiệt lượng do hoạt động của con người thải ra”.
Ông tính toán, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm nay là 16,51 độ C, cao hơn 0,53 độ C so với mức trung bình trong 30 năm qua. Ông cho rằng, đây là diễn biến bất thường.
Ông Petteri Taalas, tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc, hồi đầu tuần cảnh báo El Nino “sẽ làm tăng đáng kể khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ và gây ra nhiệt độ cực đoan hơn ở nhiều nơi trên thế giới và trong đại dương”.
Ông kêu gọi các chính phủ “huy động các biện pháp chuẩn bị để hạn chế các tác động đối với sức khỏe, hệ sinh thái và nền kinh tế của chúng ta”.
Hoạt động của con người – chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch – đang tiếp tục thải ra khoảng 40 tỷ tấn CO2 làm nóng hành tinh vào bầu khí quyển mỗi năm.
Cùng với rủi ro gia tăng nguy cơ hạn hán mất mùa, sông băng tan chảy và cháy rừng, nhiệt độ cao hơn bình thường cũng gây ra các vấn đề sức khỏe từ say nắng, mất nước đến bệnh tim mạch.
T.P