Sunday, December 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCác nước châu Âu phản đối Mỹ cho sử dụng bom, đạn...

Các nước châu Âu phản đối Mỹ cho sử dụng bom, đạn chùm

Anh và Tây Ban Nha nhấn mạnh họ là những nước tham gia công ước cấm sử dụng bom, đạn chùm, sau khi Mỹ thông báo viện trợ vũ khí này cho Ukraine.

“Anh đã ký công ước cấm sản xuất hoặc sử dụng bom chùm, đạn chùm và cũng không khuyến khích bên khác sử dụng chúng”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu trên truyền hình ngày 8/7.

Bình luận của ông Sunak được đưa ra một ngày sau khi Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự thứ 42 cho Ukraine với các tổ hợp pháo và đạn dược, trong đó có Đạn Thông thường Cải tiến Đa dụng (DPICM). DPICM là đạn pháo hoặc đầu đạn tên lửa được thiết kế nhằm phát tán bom con, đạn con để phát nổ trên khu vực rộng lớn, phá hủy xe tăng, thiết giáp và gây thương vong với lính bộ binh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm phần việc của mình để hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc chiến bất hợp pháp và vô cớ của Nga. Nhưng chúng tôi làm điều đó bằng cách cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng và gần đây nhất là vũ khí tầm xa. Hy vọng tất cả các nước có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine”, Thủ tướng Anh nói thêm.
Ông Sunak cũng chỉ trích chiến dịch của Nga ở Ukraine “đang gây đau khổ không kể xiết cho hàng triệu người” và “việc chúng ta cùng nhau đứng lên chống lại điều đó là đúng đắn”.
Advertisement

123 quốc gia đã ký Công ước Oslo cấm sản xuất, tàng trữ, bán và sử dụng bom, đạn chùm vào năm 2008. Mỹ, Nga và Ukraine không tham gia ký kết.

Tây Ban Nha, quốc gia tham gia công ước, cũng phản đối quyết định của Mỹ. “Tây Ban Nha có cam kết chắc chắn rằng một số loại vũ khí và bom nhất định sẽ không được chuyển giao trong bất kỳ trường hợp nào”, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles nói với phóng viên tại Madrid hôm 8/7.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và ít nhất 38 tổ chức nhân quyền công khai phản đối việc chuyển giao đạn chùm cho Ukraine. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng Berlin ủng hộ công ước cấm sử dụng bom, đạn chùm.

Cho đến nay, cả Nga và Ukraine đều bị cáo buộc sử dụng bom, đạn chùm trong chiến sự. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nhận định đạn chùm mà Mỹ viện trợ có thể giúp đẩy nhanh quá trình giành lại khu vực Nga đang kiểm soát. Ông Reznikov cũng cam kết sẽ không nã đạn chùm vào “lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận”.

Giới chuyên gia phương Tây đánh giá DPICM có thể giúp Ukraine đối phó hiệu quả hơn với mạng lưới hầm hào và bãi mìn dày đặc của Nga, vốn đang gây thiệt hại nặng nề và cản bước chiến dịch phản công được chờ đợi từ lâu của Kiev. Điều này đặc biệt có lợi cho Kiev, trong bối cảnh tổng tư lệnh quân đội Valery Zaluzhny hôm 1/7 thừa nhận nguồn cung hạn chế khiến hỏa lực pháo binh Ukraine trong chiến dịch phản công chỉ tương đương 10% quân đội Nga.

Trong khi đó, Nga nhận định quyết định viện trợ đạn chùm cho Ukraine là “hành động tuyệt vọng và thể hiện sự yếu đuối của Mỹ”, trong bối cảnh “cuộc phản công của Ukraine trên thực tế đang thất bại dù được quảng bá rầm rộ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới