Là một phần trong chương trình hiện đại hóa quân sự, Philippines có kế hoạch mua các hệ thống tên lửa tiên tiến để tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ.
Trong một sự kiện gần đây tại Pháo đài Magsaysay ở Nueva Ecija, Tư lệnh Lục quân Philippines, Trung tướng Romeo Brawner đã tiết lộ kế hoạch mua hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS do Mỹ sản xuất và tên lửa hành trình BrahMos của Ấn Độ. Đây là một phần của quá trình hiện đại hóa quân sự đang diễn ra của đất nước.
HIMARS đã được giới thiệu trong các cuộc tập trận quân sự chung giữa Washington và Manila. Brawner nói rằng, binh sĩ của Philippines đã được các đối tác Mỹ đào tạo về cách sử dụng thiết bị hiện đại này ngay cả khi chúng chưa có trong kho của quân đội. Điều này nhằm đảm bảo rằng một khi Philippines nhận được các hệ thống vũ khí mới này sẽ sẵn sàng trong mọi nhiệm vụ.
Việc Philippines mua tên lửa hành trình BrahMos từ Ấn Độ là một phần trong thỏa thuận trị giá 375 triệu USD được đề xuất vào tháng 1/2022. Thỏa thuận đã được ký kết một năm trước đó, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ của tổng thống khi đó là Rodrigo Duterte. Tuy nhiên, thỏa thuận đã không được hoàn tất vì đại dịch COVID-19.
Với việc nối lại mua sắm, Philippines sẵn sàng trở thành quốc gia nước ngoài đầu tiên mua tên lửa BrahMos.
BrahMos được coi là tên lửa hành trình siêu thanh, do Tập đoàn liên doanh hàng không BrahMos giữa tổ hợp DRDO của Ấn Độ và NPO Mashinostroyenia (NPOM) của Nga nghiên cứu, phát triển. Là tên lửa siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình, BrahMos có thể phóng từ tàu nổi, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất.
BrahMos được tuyên bố là có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt nước với độ cao thấp hơn 10 m. Tên lửa di chuyển với tốc độ từ 2 Mach đến 3 Mach (tương đương 3.675 km/giờ). Với vận tốc nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh, BrahMos có thể dễ dàng đâm xuyên qua các mục tiêu.
Tên lửa BrahMos có chiều dài 8.4 m, đường kính 0.6 m, trọng lượng 3 tấn (với biến thể phóng từ tàu chiến, bệ phóng mặt đất), 2.5 tấn (với biến thể phóng từ trên không). Khả năng mang theo các đầu đạn nặng 200-300 kg, với tầm bắn 290 km. Với bản nâng cấp tầm bắn mở rộng, BrahMos có thể diệt mục tiêu ở khoảng cách 400 km.
Trong khi đó, HIMARS là hệ thống pháo phản lực tầm trung, do tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin phát triển vào những năm 1990. Bệ phóng HIMARS có thể sử dụng để phóng tất cả loại đạn của pháo phản lực đa nòng đang có trong biên chế quân đội Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
HIMARS nặng gần 18 tấn và có thể phóng 6 tên lửa dẫn đường chính xác cùng lúc. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành 3 người, được trang bị 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227mm với tầm bắn 70-80km.