Trong phiên xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” sáng nay, tại phần thủ tục một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xin xét xử vắng mặt. Có 105 luật sư tham gia phiên tòa.
Sáng 11/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
54 bị cáo có mặt đầy đủ tại tòa, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo ở 4 bộ và nhiều tỉnh thành, nhiều cựu lãnh đạo của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng phải hầu tòa. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong một tháng (kể cả thứ 7 và chủ nhật).
Tại phần thủ tục, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xin xét xử vắng mặt.
Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội thấy rằng sự vắng mặt của những người này không ảnh hưởng đến phiên tòa và sẽ tiếp tục triệu tập nếu cần thiết.
Các bị cáo cho biết, họ đều đã nhận được cáo trạng trước phiên xét xử và không có ý kiến gì về thành phần tố tụng và HĐXX.
Để phục vụ xét xử, tòa án triệu tập 16 công ty thương mại du lịch, dịch vụ với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Phần lớn trong số này là các pháp nhân có liên quan trực tiếp đến hành vi đưa và nhận hối lộ.
Phiên xét xử có tổng cộng 105 luật sư đăng ký tham gia bào chữa, một số luật sư cùng lúc bào chữa cho 2 bị cáo.
Sau đó, đại diện Viện kiểm sát bắt đầu công bố bản cáo trạng dài 102 trang.
Theo cáo buộc, 21 cựu quan chức, cán bộ bị truy tố Tội nhận hối lộ với hơn 500 lần nhận tiền từ doanh nghiệp, tổng cộng gần 165 tỷ đồng.
Trong đó, bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận hối lộ 37 lần với tổng số 21,5 tỷ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao nhận 32 lần với tổng số hơn 25 tỷ đồng; Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận 7 lần với tổng số hơn 2 tỷ đồng; Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận 9 lần với tổng số 5 tỷ đồng…
Đến nay, nhiều bị cáo đã nộp lại một phần số tiền nhận hối lộ như bị cáo Tô Anh Dũng và gia đình đã khắc phục được 16,2 tỷ đồng; bị cáo Chử Xuân Dũng và gia đình đã khắc phục được 1,7 tỷ đồng; bị can Trần Văn Tân cùng gia đình nộp 4 tỷ đồng; bị cáo Vũ Hồng Nam cùng gia đình nộp 1,84 tỷ đồng, bằng số tiền nhận hối lộ…
Nhóm bị cáo có nhiều luật sư nhất là Vũ Hồng Quang, cựu cán bộ Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, cùng có 6 người bào chữa; ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, có 3 người bào chữa; Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng, có 2 người bào chữa.
Cáo trạng xác định, từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly.
Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).
Từ đầu năm 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.
Trong đó, Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt hơn 770 chuyến bay đưa công dân về nước (400 chuyến bay giải cứu, hơn 370 chuyến bay combo).
Ngoài hành vi đưa nhận hối lộ để thực hiện chuyến bay giải cứu, Viện kiểm sát xác định còn có nhóm bị cáo đã móc ngoặc để chạy án cho doanh nghiệp.
T.P