Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngXung đột trên biểnCách thức Malaysia và Indonesia đối phó với TQ xâm phạm chủ...

Cách thức Malaysia và Indonesia đối phó với TQ xâm phạm chủ quyền của họ ở Biển Đông

Theo dõi tình hình Biển Đông và an ninh khu vực Biển Đông trong 5 năm gần đây, có thể nhận thấy các hoạt động và hành động của lực lượng Trung Quốc bao gồm Hải quân, Hải cảnh, Hải giám, dân binh và ngư dân thường xuyên gây ra những phức tạp và sự vụ căng thẳng trên biển, khiến cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Biển Đông cũng gần như không thể thuận lợi tiến hành việc thăm dò dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Bởi hầu như mọi dự án mới về thăm dò, khai thác dầu khí của các nước trên nếu không nằm trong phạm vi “đường chín đoạn” vô lý do Trung Quốc tuyên bố thì cũng ở giáp ranh, thậm chí ở hẳn bên ngoài “đường chín đoạn”, nhưng cũng đều ngay lập tức bị thách thức bởi lực lượng nêu trên của Trung Quốc, dù đó là Malaysia, Việt Nam, Philippines hay là Indonesia. Điều này làm cho Biển Đông luôn là “điểm nóng” của an ninh khu vực và việc khoan thăm dò dầu khí ở Biển Đông của các nước nói trên ngày càng trở nên nguy hiểm, rủi ro và tốn kém nếu như các nước này không có sự tính toán kỹ lưỡng và kiềm chế tránh để xảy ra xung đột. Nhưng như vậy không có nghĩa là các nước phải “bó tay” trước những hành động xâm nhập trái phép của Trung Quốc. Hãy xem cách thức hai nước Malaysia và Indonesia đối phó ra sao. 

CMalaysia và Indonesia đều áp dụng chiến thuật giám sát chặt trên thực địa để đối phó với những hoạt động xâm nhập trái phép của Trung Quốc vào các vùng biển thuộc chủ quyền của hai nước trên Biển Đông

Mấy năm gần đây, cả Malaysia và Indonesia đã phải đối mặt với không ít cuộc xâm nhập liên tục, trái phép của lực lượng tàu Hải cảnh (CCG), tàu dân binh và tàu ngư dân Trung Quốc vào các khu vực biển thuộc chủ quyền của họ theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), bao gồm vùng biển ngoài khơi bang Sabah và bang Sarawak của Malaysia và vùng biển phía bắc quần đảo Natuna thuộc Indonesia. Đây là hai khu vực bị Bắc Kinh khoanh vào nằm trong phạm vi “đường chín đoạn” phi lý được họ tuyên bố công khai trên thế giới từ năm 2009 để xác định một vùng có quyền tài phán chiếm hơn 80% diện tích trên Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền các nước trong khu vực này.

Đáng chú ý là, từ khi Malaysia phát hiện ra các mỏ dầu có trữ lượng lớn ở Kawasari (năm 2011) nằm ở khu vực giữa bãi Luconia, ngoài khơi bờ biển bang Sarawak của nước này và Indonesia phát hiện ra trữ lượng lớn dầu khí ở lô Cá Ngừ nằm về phía Bắc quần đảo Natuna, thì ngay lập tức, phía Trung Quốc đã yêu cầu cả Malaysia và Indonesia ngừng thăm dò và khai thác dầu tại các vùng biển trên vì Bắc Kinh cho là “đang có tranh chấp chủ quyền”. Đi đôi với đó là các hành động xâm nhập trái phép hòng đe dọa của lực lượng CCG và tàu cá dân binh, tàu ngư dân Trung Quốc tại các vùng biển trên ngày càng được gia tăng và thúc đẩy.

Để đối phó với các vụ xâm nhập từ lực lượng CCG của Trung Quốc, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) và Hải quân Indonesia (TNI-AL) đã sử dụng chiến thuật giám sát chặt trên thực địa theo dõi các tàu CCG khi các tàu này đi vào vùng biển của họ, thay vì đối đầu quyết liệt và buộc các tàu này phải rời đi. Cách làm này cho thấy cả Kuala Lumpur và Jakarta đều có sự tính toán đến những rủi ro liên quan đến sự “quyết đoán” của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Theo đó, các tàu của Malaysia và Indonesa thực hiện giám sát chặt trên thực địa đối với các tàu CCG của Trung Quốc theo cách như những cặp đôi vũ công nhảy điệu waltz: Khi các tàu CCG của Trung Quốc tiến về phía trước thì tàu của RMN và TNI-AL sẽ lùi lại, và ngược lại khi tàu của CCG lùi lại, thì tàu của hai lực lượng kia sẽ tiến lên. Cứ thế, tàu của mỗi bên cứ bám đuổi nhau dài dài trên biển mà không để xảy ra va chạm. Chiến thuật của cuộc chơi này dẫn tới một hiện trạng mà như một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Indonesia gần đây đã nhận xét là, với việc cả hai bên đều kiềm chế, không chủ động leo thang trước, do vậy các tàu CCG sẽ không phải lo đối đầu trực diện với các tàu của RMN và TNI-AL, tàu của Trung Quốc vẫn có thể “loanh quanh” ở các khu vực tranh chấp mà không phải rời đi.

Trong khoảng thời gian từ giữa năm đến cuối năm 2021, ba nước đã ở thế giằng co như vậy xung quanh các mỏ và giàn khoan dầu khí trong hơn 4 tháng. Cuộc giằng co bắt đầu khi sà lan Sapura 2000 do công ty Sapura Energy của Malaysia sở hữu và điều hành, tới mỏ khí Kasawari vào ngày 04/6/2021. Phía Malaysia đã dự đoán trước sự xuất hiện của các tàu CCG và sau đó đã cử lực lượng RMN tiến hành theo sát các tàu này cho đến khi hoàn thành hoạt động thăm dò khai thác vào tháng 11/2021. Mục đích hành động của phía Malaysia là nhằm khẳng định sự hiện diện của lực lượng RMN là một biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn trong trường hợp CCG quyết định can thiệp trực tiếp vào hoạt động thăm dò khai thác dầu của Malaysia.

Bắc Kinh cũng triển khai tàu khảo sát Da Yang Hao ở Tây Capella ngoài khơi bờ biển bang Sabah khi Malaysia tiến hành khoan ở mỏ dầu Siakap North Petai từ tháng 9 đến tháng 10/2021. Tàu Da Yang Hao được hộ tống bởi hai tàu nghiên cứu phụ trợ, một tàu dân quân biển (tàu Qiong Sansha Yu 318) và tàu Hải cảnh 6307. Bất chấp việc tàu khảo sát Trung Quốc có sự hộ tống của tàu quân sự và tàu dân binh, lực lượng RMN vẫn để yên cho các tàu này tiến hành các hoạt động mà không có bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào ngoài việc kiên trì giám sát chặt trên thực địa chúng.

Tại lô Cá Ngừ của Indonesia, khi giàn khoan nửa chìm nửa nổi Noble Clyde Boudreaux tiến hành khoan hai giếng thăm dò vào ngày 30/6/2021, các tàu CCG đã thay phiên nhau theo dõi cho đến khi hoạt động khoan thăm dò được hoàn thành vào tháng 11/2021. Tàu Hải cảnh 5202 hoạt động tại lô Cá Ngừ từ ngày 3/7 đến ngày 8/8/2021 trước khi được thay thế bằng tàu Hải cảnh 5305, hoạt động cho đến đầu tháng 10 và tiếp tục được thay bằng tàu Hải cảnh 6305, bắt đầu hoạt động gần giàn khoan Noble Clyde Boudreaux vào giữa tháng 10/2021. Phản ứng trước sự hiện diện của tàu CCG tại lô Cá Ngừ nói trên, TNI-AL đã tiến hành theo sát những con tàu này, thường là từng chiếc một. Đôi khi TNI-AL truy đuổi các tàu CCG trong khoảng cách gần, ở cự ly dưới 1 hải lý, nhưng hạn chế nổ súng cảnh cáo, như họ từng làm vào tháng 6/2016. Do đó, các tàu CCG vẫn không “lo ngại” lắm để ở lại trong khu vực tranh chấp.

Chiến thuật giám sát chặt trên thực địa các tàu Trung Quốc của Hải quân Malaysia và Indonesia dường như có lợi hơn là cách thức đối đầu quyết liệt

Thứ nhất, có lẽ cả Malaysia và Indonesia đã có sự tính toán rất kỹ trong trường hợp phải đương đầu với những hành động “quyết đoán” của Trung Quốc một khi họ đối đầu quyết liệt để xua đuổi các tàu Trung Quốc, nên chọn giải pháp giằng co như trên. Vì giải pháp giám sát sẽ khiến không bên nào dám “nổ súng” trước và do đó khó có thể gây ra xung đột. Điều này có lẽ đúng, vì cả Malaysia và Indonesia không phải là không có sự lựa chọn trong cách thức đối phó với các cuộc xâm nhập trái phép trên biển của Trung Quốc. Ví dụ, họ có thể tận dụng mối quan tâm của các cường quốc lớn bên ngoài khu vực để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc ở Biển Đông. Vì xét về mặt sức mạnh và quyền lực thì Malaysia rất bất cân xứng với Trung Quốc, nên lẽ ra họ phải nhiệt tình mời gọi các cường quốc ngoài khu vực can thiệp để bảo vệ nước này trước hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc. Thế nhưng, thay vào việc khuyến khích Mỹ và Australia can thiệp khi các tàu của CCG và RMN đương đầu với nhau ở khu vực Tây Capella vào tháng 4/2020, Malaysia đã sử dụng chiến thuật giám sát. Chiến thuật này được áp dụng ngay sau khi chính quyền của Thủ tướng Najib Razak nhậm chức vào năm 2009, nó cho thấy đây là một biện pháp kiềm chế, mang lại ít hậu quả tồi tệ khi đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, vì Kuala Lumpur thừa hiểu, mọi nỗ lực để cân bằng sức mạnh với Bắc Kinh là điều vô ích do năng lực răn đe hạn chế, hơn thế là sự không sẵn sàng của nước này trong việc đầu tư mạnh vào việc bảo vệ an ninh biên giới.

Nếu theo một tầm nhìn rộng lớn hơn thì thấy rằng, mặc dù “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý quốc tế nào, nhưng bao năm qua cuộc chiến pháp lý của quốc tế, thậm chí đã có sự phán xét rất rõ ràng của tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển (PCA), nhưng Trung Quốc vẫn không từ bỏ lập trường của mình về yêu sách vô lý này. Hơn nữa, theo tính toán của các nhà hoạch định chính sách của Malaysai, do Malaysia coi trọng hợp tác kinh tế với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng coi nước này là một đối tác quan trọng của họ tại khu vực Đông Nam Á, nên Kuala Lumpur cần có một số hình thức thích nghi phù hợp trong quan hệ với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Dựa trên những lập luận này, Malaysia cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông nên được chấp nhận và “ranh giới đỏ” mà Kuala Lumpur đặt ra ở đây là phản đối bất kỳ sự “can thiệp trực tiếp” nào vào các hoạt động khai thác của nước này.

Chiến thuật “giám sát – ứng xử linh hoạt” của Indonesia được thực hiện từ năm 2017 khi nước này có sự tính toán thận trọng hơn trước các hành động xâm nhập trái phép của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna. Chiến thuật này trái ngược hẳn với một loạt cuộc tuần tra quyết đoán hồi năm 2016 của Hải quân Indonesia nhằm truy lùng các tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc và sau đó công khai đánh chìm chúng. Sở dĩ Indonesia sử dụng chiến thuật này là vì: 1) Xét trên lĩnh vực kinh tế, Bắc Kinh và Jakarta có sự trao đổi lớn về đầu tư và thương mại, cũng như hợp tác chặt chẽ trong việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19. Những yếu tố thực dụng này đã khiến giới hoạch định chính sách của Tổng thống Joko Widodo, đặc biệt là Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Panjaitan, đã kiềm chế được cả Bộ Ngoại giao và Hải quân Indonesia, khiến hai cơ quan này phải có thái độ hòa nhã hơn, phải từ bỏ thông lệ truyền thống của TNI-AL là đâm va và nổ súng cảnh cáo đối với các tàu không muốn bị hộ tống ra khỏi EEZ của Indonesia. 2) Giới lãnh đạo Jakarta cũng bắt đầu nhìn nhận Trung Quốc theo hướng tin rằng Bắc Kinh không chỉ là một bên liên quan có trách nhiệm trong việc giữ gìn sự ổn định ở Biển Đông để các bên cùng phát triển, mà còn coi Indonesia là một đối tác quan trọng. Nhiều nhà hoạch định chính sách ở Jakarta đã coi quyết định của Bắc Kinh không triển khai các tàu hộ tống quân sự để bảo vệ tàu khảo sát Haiyang Dizhi trước Hải quân Indonesia từ tháng 8 đến tháng 9/2021 là một biện pháp kiềm chế. Jakarta cũng cảm thấy đủ an toàn với vị thế pháp lý về chủ quyền của mình ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc có rất ít cơ hội đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với các tuyên bố chủ quyền của mình. Sự kết hợp của hai yếu tố trên khiến Indonesia tin tưởng và nhún nhường trước hành động các tàu của Trung  Quốc xâm nhập vào vùng biển phía bắc Biển Natuna, miễn là hành vi xâm nhập đó vẫn mang tính chất phi quân sự và hạn chế can thiệp trực tiếp vào các hoạt động thăm dò dầu khí của Indonesia.

Thứ hai, ở đây có thể có cả tâm lý là nạn nhân nên cả Malaysia và Indonesia chấp nhận hành vi “bắt nạt” của Bắc Kinh đối với hai nước như một phần của một thỏa thuận trọn gói nhằm duy trì các mối quan hệ với Trung Quốc. Giới tinh hoa của Kuala Lumpur và Jakarta không ngây thơ đến mức nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ không gia tăng hành vi “quyết đoán” trong tương lai. Nhưng qua những gì mà họ làm cho thấy, họ đang có xu hướng giải thích sự “quyết đoán” của Bắc Kinh là các tình huống chứ không phải là khuynh hướng trong tầm nhìn lớn hơn về Biển Đông. Điều này có nghĩa là Malaysia và Indonesia tin rằng, Bắc Kinh chỉ leo thang khi bị khiêu khích. Nếu càng khiêu khích Bắc Kinh và mời phương Tây can dự vào các tranh chấp thì sẽ có nguy cơ dẫn tới leo thang căng thẳng. Hơn nữa, Malaysia và Indonesa cũng nghĩ rằng, để đảm bảo mối quan hệ kinh tế sinh lợi trong quan hệ với hai nước này nên Bắc Kinh chỉ thể hiện thái độ thù địch trong những ranh giới tương ứng có thể chấp nhận được. Đây là một niềm tin khác thường và ít người tin như vậy, vì nó bắt nguồn từ suy nghĩ và tính toán của hai nước rằng, các hành động “quyết đoán” của Trung Quốc là sự phản ứng tức thì thay vì một phần trong tầm nhìn chiến lược lớn hơn về Biển Đông.

Thứ ba, điều quan trọng hơn cả của việc chấp nhận giằng co và áp dụng chiến thuật giám sát là tính hiệu quả của mục đích mà hai nước đặt ra. Vì dù rằng đã có sự cọ sát, bám đuổi nhau dài ngày trên biển giữa lực lượng Hải quân của Malaysia và Indonesia với lực lượng của Trung Quốc, nhưng cuối cùng thì cả Malaysia và Indonesia vẫn hoàn thành được việc thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình mà không để xảy ra xung đột, chiến tranh. Trung Quốc vẫn phải chấp nhận dầu khí từ ngoài khơi được chuyển vào bờ hai nước và vẫn phải quan hệ với cả hai chứ không thể “cạch mặt”. Trong khi cũng không có một nước thứ ba bên ngoài nào khác có thể “đục nước béo cò” mà hưởng lợi. Đây mới là ưu điểm vượt trội của chiến thuật này.

Chấp nhận thế giằng co, không để xảy ra xung đột, nhưng nếu Trung Quốc vượt qua “ranh giới đỏ” do Malaysia và Indonesia đặt ra thì đương nhiên hai nước sẽ phản ứng quyết liệt. Một ví dụ rất cụ thể, đó là: Vào tháng 4/2021, sau khi 16 máy bay quân sự của Trung Quốc bay qua vùng biển tranh chấp ngoài khơi bang Sarawak phía Đông Malaysia, ngoài việc cho lực lượng không quân xuất kích để ngăn chặn, Bộ Ngoại giao Malaysia đã ra công hàm phản đối, đồng thời triệu đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đến để yêu cầu giải thích về việc vi phạm không phận và chủ quyền của Malaysia. Căng thẳng đã được giải quyết êm thấm bằng các động tác “sau hậu trường” của cả hai bên sau đó, nhưng qua đây cho thấy, Malaysia vẫn rất cảnh giác với Trung Quốc. Hành vi xâm phạm không phận của Malaysia nói trên được coi là vượt qua “ranh giới đỏ”.

Cuối cùng, điểm mấu chốt ở đây là chừng nào Kuala Lumpur và Jakarta còn tin rằng họ có lợi khi tiếp tục giao dịch với Bắc Kinh, thì chừng đó họ sẽ tiếp tục áp dụng cách tiếp cận kiềm chế hơn. Cuộc giằng co này vẫn tiếp diễn và các quy tắc của nó sẽ liên tục được thương lượng. Trung Quốc chưa dừng lại mà còn tiếp tục lấn tới và cả Malaysia và Indonesia sẽ tiếp tục phản đối. Đây là điều mà hai quốc gia này dường như đã chấp nhận như một thực tế của việc “làm hàng xóm bên cạnh một người khổng lồ”.

Việt Nam cũng có hoàn cảnh khá tương đồng với hai nước Malaysia và Indonesia cùng khu vực, thậm chí còn gần gũi Trung Quốc hơn cả về khoảng cách địa lý và mối quan hệ, nhưng đồng thời cũng có tranh chấp chủ quyền biển, đảo gay gắt hơn với Trung Quốc. Việt Nam cũng đã từng huy động lực lượng và áp dụng chiến thuật giám sát chặt trên thực địa trong đấu tranh với vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép vào vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam năm 2014 mà kết cục là Trung Quốc đã phải cho rút giàn khoan này về nước. Song xem ra, những cách thức mà hai nước Malaysia và Indonesia sử dụng để đối phó với hành động Trung Quốc xâm nhập trái phép chủ quyền biển của họ cũng vẫn không phải là không hữu ích vào những thời điểm hoặc giai đoạn mà bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động trong khi quan hệ Việt – Trung vẫn đang có nhiều dư địa phát triển.

Minh Sáng

RELATED ARTICLES

Tin mới