Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiToàn cảnh quần đảo Thổ Chu

Toàn cảnh quần đảo Thổ Chu

Quần đảo Thổ Chu, còn có tên gọi khác là quần đảo Thổ Châu, gồm 8 đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Thái Lan. Toàn bộ quần đảo này cấu thành xã Đảo Thổ Châu thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang của Việt Nam.

Tên Thổ Châu được cho là Chúa Nguyễn Ánh đặt trong thời kỳ bôn tẩu. Ông đặt tên là Thổ Chu vì kỵ uý tổ tiên của mình là Nguyễn Phúc Chu. Mặc dù trong Hán tự “chu” và “châu” vốn được viết cùng một tự dạ nhưng vẫn được gọi là “châu”. Sau năm 1975, tên Thổ Chu mới có và dần phổ biến như ngày nay.

Quần đảo này nằm cách mũi Cà Mau khoảng 160km về phía Tây Bắc, cách đầu mút phía Nam Đảo Phú Quốc khoảng 100km về phía Tây Nam và cách quần đảo Poulo Wai của Campuchia khoảng 89 km về phía Đông Nam. Cùng với nhà giàn DK1 ở Bãi Cà Mau, các đảo thuộc quần đảo Thổ Chu cũng án ngữ tại vị trí cửa ngõ giữa đất liền với vịnh Thái Lan. Quần đảo Thổ Chu cũng nằm sát sườn với đường hàng hải Quốc tế, là tuyến vận tải biển quan trọng kết nối Bangkok, Sihanoukville, TP Hồ Chí Minh, HongKong nên có vị trí chiến lược rất quan trọng.

Từ đây Việt Nam có thể lập các căn cứ để kiểm soát phong tỏa vùng biển và vùng trời, đồng thời kiểm soát hoạt động của các tàu thuyền ra vào Vịnh Thái Lan nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hơn nữa là việc sở hữu quần đảo này cũng giúp Việt Nam tăng yêu sách chủ quyền và quyền tài phán ở Vịnh Thái Lan cũng như thiết lập vùng nước lịch sử với Campuchia.

Trước đây giữa Việt Nam và Thái Lan có một vùng chồng lấn rộng khoảng 6.000km2 do Việt Nam có tính đến hiệu lực của đảo Thổ Chu còn Thái Lan thì phủ nhận hiệu lực của đảo này.

Ngày 9/8/1997 Việt Nam và Thái Lan đã ký hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước. Theo hiệp định, Việt Nam được 32,5% diện tích vùng chồng lấn.

Do nằm ở cuối lớp đảo phía ngoài xa bờ nằm cạnh các ngư trường lớn và vùng dầu khí ở phía Tây Nam nên quần đảo Thổ Chu rất thuận lợi để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, dầu khí, hàng hải thương mại…

Quần đảo Thổ Chu có tổng diện tích là 13,98 km2 đảo lớn nhất của quần đảo này cũng mang tên là Thổ Chu với diện tích là 12,402 km2. Ngoài đảo lớn Thổ Chu, quần đảo có 7 hòn đảo khác là Hòn Khô, Hòn Nhạn, Hòn Kèo Ngựa (hay còn gọi là Hòn Xanh), Hòn Từ (còn gọi là Hòn Vọng), Hòn Cao Cát, Hòn Mô (hay còn gọi là Hòn Cái Bàn) và Hòn Cao. Trong số này Hòn Nhạn có diện tích khoảng 2.000m2 với điểm cao nhất đạt độ cao 40m so với mực nước biển. Tuy là một đảo nhỏ nhưng đây lại là một hòn đảo có ý nghĩa quan trọng khi nó được biết đến là điểm A1 trên đường cơ sở để tính lãnh hải Việt Nam.

Việt Nam có chuỗi đảo chạy dọc theo bờ biển được vận dụng để xác định đường cơ sở thẳng. Năm 1982, chính phủ Việt Nam tuyên bố xác định được cơ sở thẳng ven bờ lục địa Việt Nam gồm 10 đoạn nối 11 điểm; Hòn Nhạn là điểm đầu tiên nằm trên đường cơ sở để tính lãnh hải Việt Nam; tính từ Hòn Nhạn trở vào thì đều thuộc vùng nội thủy, trở ra chính là vùng đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam.

Vào năm 2017, sau hơn một năm xây dựng mốc chủ quyền quốc gia ghi tọa độ điểm A1 trên Hòn Nhạn đã được khánh thành và bàn giao cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang quản lý và bảo vệ.

Quần đảo Thổ Chu – nơi cuối cùng của Việt Nam được giải phóng

Cuối tháng 4/1975, trước sự tấn công của quân Việt Nam dân chủ cộng hòa, lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đóng quân trên quần đảo Thổ Chu tháo chạy. Lúc bấy giờ ước tính có khoảng 500 dân đa số là người Kinh gốc Rạch Giá và chỉ có 4 gia đình gốc Khmer.

Ngày 10/5/1975 chính quyền Khmer Đỏ cho một tiểu đoàn đổ bộ lên trên đảo đóng chiếm và bắt 500 người dân đưa sang quần đảo Poulo Wai tàn sát (nay thuộc tỉnh Camp Post, Campuchia) và lập bộ máy chính quyền mới đào hầm hào công sự lập tuyến phòng thủ.

Đêm ngày 23/5/1975, hải quân Việt Nam giải phóng đảo Thổ Chu. Năm 1977, Khmer Đỏ lại một lần nữa tập kích vào đảo Thổ Chu nhưng cuối cùng cũng bị lực lượng Việt Nam tiêu diệt toàn bộ. Ngày 25/4/2014 Trung đoàn đảo Thổ Chu chính thức về Quân khu 9 và đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 152.

Cuộc sống trên đảo

Tháng 5/1973 chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thành lập xã Thổ Châu thuộc quận Kiên Thành, tỉnh Kiên Giang trên cơ sở bao quát quần đảo Thổ Chu và các đảo lân cận. Năm 1974 xã Thổ Châu sáp nhập vào quận Phú Quốc.

Sau năm 1975, xã Thổ Châu giải thể và sáp nhập vào xã An Thới thuộc huyện Phú Quốc. Năm 1992, tỉnh Kiên Giang đưa những hộ dân đầu tiên ra đảo sống.

Ngày 24/04/1993, xã Thổ Châu tái lập trực thuộc huyện Phú Quốc, hiện là thành phố Phú Quốc. Xã Thổ Châu cũng chỉ có một ấp là ấp Bãi Ngự với 8 tổ tự quản. Bãi Ngự là nơi năm 1782 trên đường chạy trốn sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã đến lánh nạn hầu hết các đảo trên vùng biển Tây Nam trong đó có đảo Thổ Chu. Vì vậy hầu như đảo nào cũng có bãi biển được đặt tên là “Bãi Ngự” tức là nơi vua đến, điều này khẳng định rằng ông cha ta đã xác lập chủ quyền ở đảo Thổ Chu từ rất sớm.

Trong số 8 đảo thuộc quần đảo Thổ Chu thì chỉ có đảo lớn Thổ Chu là có đủ điều kiện thổ nhưỡng và môi trường sinh sống phù hợp để người dân sinh sống và định cư lâu dài. Diện tích là 12.402 km2, đảo hiện là nơi sinh sống của khoảng 500 hộ gia đình với khoảng 1.900 nhân khẩu (theo số liệu năm 2020).

Những năm gần đây Thổ Chu là ngư trường đánh bắt nhộn nhịp bậc nhất và cũng là căn cứ hậu cần và trung chuyển hải sản quan trọng của các tàu cá tạo, nên chợ nhộp nhịp ở giữa vùng biển Tây Nam. Nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Cà Mau… ra ở lại nhiều tháng để đánh bắt trên vùng biển này, hiện ngành nghề chủ yếu của người dân trên đảo là kinh doanh sản xuất sơ chế mực, đánh bắt hải sản xung quanh đảo, nuôi trồng hải sản, chăn nuôi và trồng trọt…

Dù còn rất hoang sơ so với hòn đảo khác nhưng so với trước kia điều dễ nhận thấy nhất là đảo Thổ Chu đã phát triển hơn rất nhiều với nhiều công trình đã và đang xây dựng. Những năm qua nhiều công trình dân công quan trọng như: trường học các cấp, trạm y tế, trạm bưu điện, trạm thu phát sóng… đã được xây dựng tại đây. Nhiều trục đường giao thông trên xã đảo cũng đã được hoàn thành, hệ thống internet cũng được hoàn thiện hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên đảo cũng từ đó mà ngày càng được nâng cao hơn.

Được mệnh danh là viên ngộc thô của vùng đất Kiên Giang, Thổ Chu mang trên mình khả năng phát triển kinh tế đặc biệt là ngành du lịch. Hàng năm, hòn đảo thu hút hàng nghìn lượt khách thăm quan. Tuy nhiên, vì vấn đề về an ninh quốc phòng, chỉ có người Việt mới được ra đảo.

Đảo Thổ Chu mang dấu ấn lịch sử qua hai cột mốc chủ quyền được xây dựng vào năm 1956 và năm 1976. Một do Việt Nam Cộng hòa xây dựng bằng chất liệu xi măng và đá rửa đã cũ kỹ rêu phong khẳng định chủ quyền Thổ Chu. Bên cạnh là cột mốc to hơn được xây dựng năm 1976 và được chính quyền xã phục chế vào năm 2003. Hiện đây là một trong những điểm check in phổ biến của du khách khi du lịch đảo Thổ Chu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới