Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNgười nước ngoài thất vọng với văn hóa xe máy ở Việt...

Người nước ngoài thất vọng với văn hóa xe máy ở Việt Nam

Hơn một năm sống tại Hà Nội, Akari từ bỏ ý định đi bộ đến chỗ làm, khi phải tranh vỉa hè với xe máy giữa không khí ngột ngạt, ô nhiễm.

Dòng phương tiện chen chúc trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, năm 2020.

Khi đến Hà Nội làm việc cho một doanh nghiệp Nhật Bản một năm trước, Akari Haraguchi, 27 tuổi, quyết định đi bộ trong ngày đầu làm việc, bởi văn phòng chỉ cách căn hộ ở Kim Mã khoảng ba km. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày trải nghiệm đi bộ, cô quyết định từ bỏ và đăng ký dịch vụ xe đưa đón của công ty.

“Trên vỉa hè mấp mô, nhiều chướng ngại vật, tôi phải liên tục tránh những chiếc xe máy tuýt còi đòi vượt. Tôi tan làm về nhà lúc 19h tối, khi trời nóng hầm hập, khói bụi ô nhiễm bốc lên vô cùng ngột ngạt”, nữ kỹ sư nói với VnExpress. “Tôi đã chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn rất hoảng, trong khi ba km đi bộ ở Nhật chỉ là một cuộc dạo ngắn”.

Xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ đạo tại Việt Nam với thị trường gấp gần 6 lần ôtô. Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), hơn 3 triệu xe máy đã được bán ra năm 2022, tăng hơn 120% so với năm 2021.

Trung bình cứ mỗi phút lại có 5,8 xe máy mới được bán ra ở Việt Nam trong năm 2022. Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng kịp khiến tình trạng xe máy leo lên vỉa hè giành đường với người đi bộ trong giờ tan tầm ngày càng phổ biến ở các đô thị lớn.

Nhiều người nước ngoài di chuyển bằng xe máy ở Việt Nam cũng có chung nỗi bất bình với tình trạng này. Họ cho rằng tình trạng xe máy leo lên vỉa hè không giúp di chuyển nhanh hơn, mà chỉ khiến cả dòng người chậm lại.

“Tôi từng bị kẹt tại ngã tư hơn một tiếng dưới mưa chỉ vì điều này”, Mark, giáo viên dạy tiếng Anh 31 tuổi, sống ở TP HCM, cho biết.

Không chỉ giành đường với người đi bộ trên vỉa hè, xe máy cũng góp phần ảnh hưởng tới sức khỏe của họ khi xả khí thải có hại. Năm 2021, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Hòa An cho biết khí CO và HC từ xe máy chiếm 90% tổng khí thải từ các loại xe cơ giới tại thành phố.

“Thực tế đó khiến việc đi bộ ở Việt Nam cực kỳ tốn sức”, Akari nhận xét, cho hay “luôn cảm thấy ngạt thở khi đi bộ ở những khung giờ khác ngoài sáng sớm”. Sau hơn một năm làm việc tại Hà Nội, cô cho biết sức khỏe giảm sút rõ rệt, bởi “đi bộ ít hơn nhiều” so với khi ở Tokyo.

“Thật buồn vì đây không phải do vấn đề thể lực hay do lười biếng”, nữ kỹ sư người Nhật nói.

Ngoài tình trạng giành đường và khí thải, xe máy cũng khiến nhiều người nước ngoài ở Việt Nam ám ảnh bởi nạn ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là văn hóa bấm còi.

“Ngay cả khi đường chật cứng, một số người vẫn bấm còi vô tội vạ, như thể đó là ‘âm thanh ma thuật’ khiến bớt tắc. Tôi yêu Việt Nam, nhưng trong nhiều nước mà tôi từng lái xe máy, TP HCM là nơi khiến tôi thất vọng nhất vì tiếng còi xe”, Mark, người Mỹ, cho hay.

Tuy nhiên, văn hóa xe máy không phải lúc nào cũng tạo ấn tượng tiêu cực với người nước ngoài. Daniel Gold, 39 tuổi, từng lái xe trên dưới 10 quốc gia, nhưng cho biết “thích đi xe máy nhất” tại Việt Nam.

Theo người đàn ông quốc tịch Mỹ đang sinh sống tại Nha Trang, xe máy ở Việt Nam “tiện lợi và linh hoạt rất nhiều so với bất kỳ loại phương tiện nào ở phương Tây, nơi lái xe rất tốn kém và bị quản lý rất chặt chẽ”.

“Khi đi mua sắm, chúng tôi có thể đỗ xe máy ngay trước cửa siêu thị tiện lợi, thay vì phải lang thang trong những bãi đậu xe khổng lồ như ở Mỹ”, Daniel nói.

Cả anh và Mark đều cho hay văn hóa đi xe máy của người Việt cũng có những nét đẹp riêng, điển hình là việc những người qua đường thường xuyên nhắc nhở họ về việc gạt chân chống.

“Có lần, một người đàn ông trung niên đã quay xe, đuổi theo tôi vài trăm mét chỉ để nhắc tôi gạt chân chống. Tôi thực sự bất ngờ và cảm động”, Mark kể. Sau 6 năm sống tại TP HCM, anh cũng đã dần quen và không còn quá bức xúc với tiếng còi xe máy.

Cả ba người nước ngoài sống tại ba miền của Việt Nam đều cho hay chỉ cần rời đô thị, xe máy là phương tiện tuyệt vời, dù Daniel phàn nàn đôi chút về tình trạng thiếu an toàn khi lái xe máy ở các cung đường đèo do xe tải vượt ẩu.

Sau một chuyến đi phượt bằng xe máy lên Hòa Bình với nhóm đồng nghiệp người Việt gần đây, Akari chia sẻ dự định học lái xe máy, dù rất sợ loại phương tiện này khi đi bộ. Theo cô, cách duy nhất để tránh khói bụi xe máy là “rời khỏi đô thị”.

“Tôi muốn có thể tự mình bỏ phố mỗi cuối tuần. Xe máy giúp các cuộc thưởng ngoạn sống động hơn ôtô”, kỹ sư Nhật Bản nói. Cô đã sắm một chiếc máy ảnh chụp phim để có thể ghi lại những khoảnh khắc đẹp khi đi xe máy rong ruổi trên từng cung đường Việt Nam và khoe với gia đình ở Tokyo.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới