Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnVì sao thanh niên TQ tới châu Phi kiếm việc

Vì sao thanh niên TQ tới châu Phi kiếm việc

Bất chấp những ấn tượng tiêu cực về châu Phi, nhiều thanh niên Trung Quốc đang tìm tới châu lục này. Đất nước mà họ tới càng nguy hiểm, họ càng được hưởng nhiều trợ cấp.

Các công nhân người Ethiopia và Trung Quốc bên trong nhà máy giày Huajian ở ngoại ô Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, vào ngày 04/10/2016.

Tình hình suy yếu của kinh tế của Trung Quốc đã khiến nhiều thanh niên Trung Quốc tới châu Phi để kiếm sống. Sau khi vượt qua nỗi sợ nghèo đói và khác biệt văn hóa, nhiều người nhận thấy họ có thể trở nên giàu có.

Ông Sun Yuan, tác giả của cuốn sách năm 2017 “The Next Factory of the World” (Công xưởng tiếp theo của thế giới) cho biết: “Nhiều thứ mà người Mỹ mua trong các cửa hàng là do các công ty Trung Quốc sản xuất, nhưng chúng không được sản xuất ở Trung Quốc mà ở châu Phi”.

Ông Sun đưa ra ví dụ về quốc gia Lesotho nhỏ bé ở miền nam châu Phi, nơi có hàng chục nhà máy quần áo địa phương cung cấp các nhãn hiệu quần jean cho các cửa hàng Levi’s, Kohl’s và Walmart. Công nhân có thể đến từ Lesotho, nhưng chủ sở hữu là người Trung Quốc.

Với việc Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, nhiều doanh nghiệp và doanh nhân Trung Quốc đã hướng mắt tới châu Phi. Trong 20 năm qua, đặc biệt là sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức để thực hiện chính sách “Sáng kiến Vành đai và Con đường” gây tranh cãi, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô đến châu Phi để tham gia vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thương mại, khai thác mỏ và các ngành công nghiệp khác. Và giữa lúc đó, nhiều thanh niên Trung Quốc bối rối về tương lai của họ ở Trung Quốc cũng đã đến lục địa này.

Một nơi đầy ‘vàng’
Cô Momo, 22 tuổi, nói với truyền thông Trung Quốc rằng, cô tốt nghiệp một trường đại học ở Quảng Châu vào tháng 07/2022 với bằng thạc sĩ quản lý và sau đó quyết định chuyển đến châu Phi vì cơ hội việc làm ở Trung Quốc không hấp dẫn. Cô được tuyển dụng để làm việc cho một công ty công nghệ tư nhân của Trung Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Công ty này tuyển dụng nhân viên địa phương và Trung Quốc.

Tất cả các đồng nghiệp Trung Quốc của cô ấy đều nói với cô ấy rằng họ đến làm việc ở châu Phi vì mức lương cao hơn.

Lương của một nhân sự nước ngoài đến châu Phi bao gồm hai phần: Phần bình thường là 15.000 đến 20.000 CNY (nhân dân tệ) mỗi tháng, không chênh lệch nhiều so với mức lương trong nước của cùng một vị trí; phần khác là trợ cấp ở nước ngoài, đó là phần đáng kể. Các doanh nghiệp thường cung cấp các khoản trợ cấp dựa trên các điều kiện của quốc gia mà nhân viên được gửi đến. Một số quốc gia phát triển hơn và an toàn hơn những quốc gia khác.

Nói chung, “bạn đến đất nước càng hỗn loạn và nguy hiểm, bạn càng nhận được nhiều trợ cấp”, cô Momo nói.

Cô Zeng Keyi, tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Pháp tại một trường đại học Trung Quốc năm ngoái, hiện đang làm nhân viên kinh doanh cho một công ty tư nhân ở Cameroon. Trước đó, cô không biết gì về Châu Phi.

“Mục đích rõ ràng khi đến đây là để kiếm tiền”, cô Zeng nói. “Tôi và các bạn cùng lớp đều muốn có sự đảm bảo về vật chất. Chúng tôi đặt mục tiêu làm việc ở đây trong hai hoặc ba năm rồi quay lại mua một căn hộ”.

Ban đầu, cô Zeng chịu áp lực rất lớn khi bắt đầu lại từ đầu trong ngành bán hàng. Cô ấy cũng học mỗi ngày sau giờ làm việc trong ký túc xá của mình và làm việc vào các buổi sáng thứ 7. Cô cũng không dễ dàng giao dịch với khách hàng địa phương vì người dân ở mỗi vùng đều có giọng Pháp đặc trưng, khác với những gì cô học trên lớp.

Khi nhân viên thương mại điện tử Zhang Lanlan nghĩ về châu Phi, đó là về bệnh sốt rét, nghèo đói và bất ổn dân sự. Tuy nhiên, khi một trong những người bạn Trung Quốc của cô Zhang làm việc tại Algeria bắt đầu đăng những bức ảnh lên mạng xã hội với hình ảnh biển và những ngôi nhà màu trắng, cô “cảm thấy kiến trúc khá đẹp”.

Bốn năm sau, cô Zhang xin nghỉ việc ở Trung Quốc và một tháng sau, cô được một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc ở Algeria thuê làm công việc phiên dịch và thu mua. Mức lương chấp nhận được, bao ăn ở. Điều hấp dẫn nhất đối với cô ấy là cô ấy có thể nghỉ một tháng có lương sau khi làm việc được vài tháng và công ty sẽ trả tiền vé máy bay cho cô ấy trở về Trung Quốc. Cô cũng thấy dễ dàng tiết kiệm tiền ở quốc gia Bắc Phi này.

Trong một bài đăng vào năm 2021, người dùng Zhihu có tên Modao Bujuexiao, người từng làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc ở ba quốc gia châu Phi, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình.

“Đây là một nơi đầy ‘vàng’”, anh viết, đồng thời cho biết thêm rằng những người trả nhiều tiền nhất là các công ty nhà nước như Huawei.

“Người anh em Huawei hàng ngày chơi bóng [với tôi] tiết lộ rằng bản thân khoản trợ cấp 100 USD/ngày ở nước ngoài đã rất cao, cộng với nhiều khoản tiền thưởng khác nhau, lương hiệu suất, 400-500 nghìn một năm là mức thấp nhất (đối với nhân viên thấp nhất). Ngoài ra, ở các doanh nghiệp trung ương nơi tôi làm việc, phải nói là quá trình thăng tiến diễn ra rất nhanh ở châu Phi”.

Anh ấy nói rằng ngay cả khi không có một gia đình giàu có, một người có thể dễ dàng mua một hoặc hai bất động sản ở Trung Quốc – ngoại trừ ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến – sau khi làm việc từ sáu đến bảy năm ở châu Phi.

Nhìn chung, khi sinh viên mới ra trường sang châu Phi, mức lương khởi điểm cao gấp 2-3 lần so với vị trí tương tự ở Trung Quốc, anh nói.

Cuộc sống ở châu Phi
Ấn tượng tiêu cực của nhiều người về châu Phi bao gồm khí hậu khắc nghiệt, sa mạc hoặc rừng rậm, xung đột, nghèo đói và bệnh tật. Khi tuyển dụng, các công ty Trung Quốc thường cần trao đổi với ứng viên để đảm bảo họ hiểu tình hình thực tế của nơi làm việc.

Cô Zhang cho biết lục địa này rất đa dạng, với Bắc Phi giống châu Âu hơn, đồng thời nói thêm rằng Tây và Nam châu Phi vẫn ổn, nhưng Trung Phi hỗn loạn hơn.

Các công ty Trung Quốc thường xây dựng không gian làm việc trong ký túc xá và các khuôn viên riêng. Các công ty cũng thường tổ chức các hoạt động như mua sắm theo nhóm, nếu cá nhân đi một mình thì phải làm báo cáo.

Phần giới thiệu của anh Modao Bujuexiao cho biết người Trung Quốc thường ở bên trong cái mà anh ấy mô tả là “vòng tròn người Trung Quốc”.

Anh cho biết, trong ngành xây dựng, điều kiện của những người làm ở văn phòng, chi nhánh, phòng dự án là rất tốt.

“Khu vực tập trung kinh tế của các nước châu Phi chắc chắn là ở thủ đô. Cuộc sống ở các khu vực của người da trắng rất thú vị và các khu vực nhộn nhịp có thể so sánh với các thành phố cấp tỉnh ở Trung Quốc. 4G đã được giới thiệu ở thủ đô của Congo hai năm trước”, anh viết.

Lợi thế của việc giữ mọi người trong khuôn viên là công ty có thể giải quyết hầu hết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày trong khi các cá nhân có thể tiết kiệm tiền. Bất lợi là hoạt động giải trí và những thứ những người trẻ tuổi có thể làm là khan hiếm.

Cô Zeng ở Cameron nói rằng một số thói quen mà cô hình thành ở Trung Quốc, chẳng hạn như uống trà sữa và gọi đồ ăn mang về, khó có thể thực hiện được.

Chăm sóc sức khỏe là một vấn đề khác, với nhiều đồng nghiệp xung quanh một nhân viên bán hàng Trung Quốc tên là Chen Long mắc bệnh sốt rét, đây là một vấn đề ở khu vực châu Phi cận Sahara. Nhưng bất chấp điều này, anh ấy không muốn quay lại Trung Quốc vì anh ấy được hưởng những lợi ích của việc trở thành một nhân sự nước ngoài.

“Tôi đã dần quen với cuộc sống như thế này. Tôi không muốn quay lại”, anh nói.

Khoảnh khắc hạnh phúc nhất đối với cô Zhang ở Algeria là đi dạo trên bãi biển cùng các đồng nghiệp để nghỉ ngơi. Một lần, cô và những người bạn của mình tình cờ gặp một người dân địa phương đang giữ hai con ngựa và người này đồng ý cho cô cưỡi ngựa để chụp ảnh.

“Nếu để người Trung Quốc chúng tôi phát triển, thì nơi này từ lâu đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch”, cô nói.

Số lượng người thuộc thế hệ trẻ Trung Quốc tới châu Phi cũng có thể tăng lên, với số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này đạt mức cao kỷ lục mới, với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở khu vực thành thị tăng lên 21,3% vào tháng trước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới