Monday, January 13, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐiểm mặt 3 dự án “khủng” hàng trăm ngàn tỉ đồng sắp...

Điểm mặt 3 dự án “khủng” hàng trăm ngàn tỉ đồng sắp triển khai tại Cần Giờ

Nằm cách trung tâm Tp.HCM khoảng 60km, Cần Giờ là huyện duy nhất của Tp.HCM giáp biển. Mới đây Thủ tướng Chính Phủ có chỉ đạo về định hướng phát triển khu vực Cần Giờ nhanh và bền vững.

Cầu Cần Giờ vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng

Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 3,4km và mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng. Sở đang nghiên cứu hình thức PPP hoặc phương thức đầu tư công. Dự kiến khởi công vào ngày 30/4/2025.

Theo phương án thiết kế, cầu Cần Giờ có quy mô từ 4-6 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55m, sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Mới đây, thực hiện hoạt động giám sát trực tiếp, trả lời chất vấn của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 10 HĐND Tp.HCM về tiến độ xây dựng và thời gian khởi công dự án cầu Cần Giờ, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Tp.HCM cho biết đã được UBND Thành phố giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hiện Sở Giao thông vận tải đã cơ bản hoàn chỉnh báo cáo, tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn và xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.

Đại diện Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông tin, về kỹ thuật dự án cơ bản đã xong, Sở đang cùng địa phương rà soát lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Siêu cảng trung chuyển 130.000 tỉ đồng

Ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ và nghe báo cáo về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Tp.HCM.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo theo thẩm quyền, làm việc với các nhà đầu tư để thúc đẩy triển khai.

Theo kế hoạch, năm 2024 sẽ khởi công dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. Siêu cảng với tổng mức đầu tư lên tới 5,5 tỉ USD (tương đương gần 130.000 tỉ đồng), sẽ là cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Về quy mô triển khai, tổng diện tích bến cảng khoảng 571ha, diện tích mặt nước khoảng 477,63ha với công suất khoảng 16,9 triệu TEUs. Trong đó, tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km, bến sà lan khoảng 2km để đón tàu có trọng tải lên đến 250.000 tấn.

Dự án được đề xuất xây dựng tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ).

Dự án thực hiện phân kỳ theo 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 dự kiến khai thác năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045.

Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi hoàn thành sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển cũng như giao thông địa phương.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 217.000 tỉ đồng

Dự án được khởi công lần đầu vào năm 2007 với diện tích 400ha là đất xây dựng và 200ha là bãi biển nội bộ, do Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.

Năm 2018, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 3800/QĐ-UBND ngày 05/9/2018 phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP.HCM).

Đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Theo đó, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án từ 600ha lên 2.870ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng.

Tháng 2/2021, UBND Tp.HCM đã ban hành 4 quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đối với các phân khu A, B, C, D, E.

Theo đó, phân khu A có quy mô khoảng 771ha, được định hướng là khu vui chơi, giải trí (công viên chuyên đề, sân gôn…), du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu ở (nhà ở liền kề, biệt thự, chung cư), thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu sử dụng hỗn hợp và an ninh quốc phòng được bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Phân khu B có quy mô gần 587ha, được quy hoạch là khu nhà ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ – công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng…), khu cây xanh đô thị và khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo định hướng đô thị hiện đại và thông minh.

Phân khu C có quy mô hơn 303ha, là khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liền kề, biệt thự, nhà ở cao tầng) hiện đại, văn minh.

Phân khu D, E có tổng diện tích hơn 1.208ha, là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liền kề, biệt thự), các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật…

Theo Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi, hiện tại, nhà đầu tư đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh cục bộ để đến năm 2025 có thể triển khai dự án.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới