Theo Mạng thông tin Tự Cống (Tứ Xuyên), hoạt động phóng tên lửa “gọi mưa” tưởng chừng đơn giản nhưng lại chứa đựng những quy trình phức tạp và tiêu chuẩn hóa đằng sau.
” 3, 2, 1, phóng! Bùm bùm “, vào lúc 22h23 ngày 18/3, tại địa điểm vận hành tăng cường mưa nhân tạo ở đường Đông Hồ, huyện Phủ Thuận, Tứ Xuyên, Trung Quốc, theo hiệu lệnh của chỉ huy khí tượng Lý Hồng Quý, hai quả tên lửa tăng cường mưa nhân tạo đã bốc cháy, lao thẳng lên tầng không. Sau tiếng nổ trầm đục của tên lửa trên không trung, phát bắn thứ nhất hoàn thành.
Bốn phút sau, mưa bắt đầu xuất hiện ở khu vực Phủ Thuận. Đến 23h48, hai quả tên lửa nữa cũng được phóng lên không trung.
Theo Mạng thông tin Tự Cống (Tứ Xuyên), hoạt động phóng tên lửa “gọi mưa” tưởng chừng đơn giản nhưng lại chứa đựng những quy trình phức tạp và tiêu chuẩn hóa đằng sau.
Công nghệ “hô mưa gọi gió”
” Hoạt động tăng cường lượng mưa nhân tạo là một dự án ‘hệ thống’, đòi hỏi hội đủ yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa “, ông Thôi Hạo, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ giảm thiểu thiên tai khí tượng thành phố, cho biết việc hoàn thành hoạt động tăng cường mưa nhân tạo cần một loạt các quá trình như phân tích xu hướng thời tiết, tham vấn chung, chuẩn bị và điều chỉnh thiết bị vận hành, giám sát trực tiếp, xin phép vùng trời.
Thiên thời tức là là điều kiện thời tiết. Hoạt động tăng cường mưa nhân tạo không có nghĩa là cơ quan khí tượng tạo ra mưa từ không khí. “Tăng cường mưa nhân tạo” không phải là “trút mưa nhân tạo”, không phải đám mây nào cũng có thể biến thành mưa nhưng khi có những đám mây tạo mưa phù hợp, người ta sẽ thêm một số “chất xúc tác” để mưa lớn hơn.
Mây tạo mưa nhân tạo cần đáp ứng 3 điều kiện: độ dày của tầng mây phải lớn hơn 2 km, phải có đủ hơi nước và phải có vùng bốc hơi.
Địa lợi là chỉ điều kiện vùng trời, độ cao mà tên lửa có thể đạt tới từ 4.000 m- 8.000 m, điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ phận quản lý vùng trời để đảm bảo không có máy bay nào bay ngang qua trên bầu trời để đảm bảo hoạt động an toàn.
Nhân hòa dùng để chỉ thời điểm thao tác, việc lựa chọn thời điểm thao tác cần một thời gian dài chuẩn bị và chờ đợi, tức là mỗi thao tác cần được phối hợp từ trước và lập sẵn kế hoạch thao tác.
Trong thực tế, đội ngũ nhân sự tăng cường lượng mưa nhân tạo cũng thường nhiều lần bỏ lỡ cơ hội phóng tên lửa tăng cường mưa. Bởi vì tên lửa tăng cường mưa nhân tạo không thể muốn phóng lúc nào thì phóng, cũng như không thể thích phóng ở đâu thì phóng.
” Tăng cường lượng mưa nhân tạo là một cuộc chạy đua với thời gian! Tăng cường lượng mưa nhân tạo chỉ hoạt động khi hệ thống mây mưa trên bầu trời đủ lượng nước, thường là vào nửa đêm hoặc sáng sớm. Chúng tôi kéo bệ tên lửa về đúng vị trí, chuẩn bị đạn, điều chỉnh hướng và chờ lệnh của sở chỉ huy. Đôi khi phải đợi đến ba hoặc bốn giờ sáng ngày hôm sau mới đợi được điều kiện lý tưởng nhất “, ông Lý Hồng Quý cho biết, mặc dù mỗi đợt phóng tên không mất quá một phút nhưng thời gian chờ đợi kéo dài nhiều ngày, không thể buông lỏng cho đến khi hoạt động hoàn tất.
Giảm thiệt hại 14 tỷ NDT
Trên thực tế, hoạt động điều chỉnh thời tiết nhân tạo không chỉ để tăng lượng mưa mà còn có thể ngăn chặn mưa đá, sương mù và băng giá.
Tuy nhiên, hiện tại, hầu hết các hoạt động điều chỉnh thời tiết nhân tạo được thực hiện ở Trung Quốc là tăng lượng mưa (tuyết) nhân tạo và ngăn chặn mưa đá.
Sau hơn 60 năm phát triển, công nghệ điều chỉnh thời tiết nhân tạo của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, hình thành hệ thống dịch vụ điều chỉnh thời tiết bốn cấp huyện-thành phố-tỉnh-quốc gia, có đóng góp quan trọng trong phòng chống và cứu trợ thiên tai, bảo vệ và phục hồi môi trường sinh thái, đảm bảo các sự kiện lớn của quốc gia….
Năm ngoái, hầu hết các vùng phía nam Trung Quốc trải qua nhiều đợt nắng hạn, từ tháng 6 đến giữa tháng 11, nhiều nơi đã tổ chức 241 hoạt động tăng cường lượng mưa bằng máy bay và 15.000 hoạt động tăng cường lượng mưa bằng tên lửa, tích lũy lượng mưa khoảng 8,56 tỷ tấn, giúp giảm bớt hạn hán một cách hiệu quả và đóng vai trò tích cực trong việc tăng khả năng tích trữ của các hồ chứa và đảm bảo cung cấp năng lượng.
Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, trong cả năm ngoái, với hoạt động điều chỉnh thời tiết trên toàn quốc, Trung Quốc đã tăng lượng mưa khoảng 39,8 tỷ tấn, bảo vệ một khu vực rộng khoảng 650.000 km2 và giảm thiệt hại kinh tế khoảng 14,1 tỷ NDT (khoảng hơn 46 nghìn tỷ VND).
T.P