Saturday, October 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHai mục tiêu chiến lược của TQ

Hai mục tiêu chiến lược của TQ

Trong những tháng qua, Trung Quốc tiếp tục có những hành động làm mất an ninh trật tự, làm phức tạp tình hình Biển Đông. Thế nhưng, tại các cuộc đàm phán đa phương, hoặc song phương, họ luôn nói rằng sẽ làm hết sức mình vì một Biển Đông ổn định.

Mở đầu tháng 8/2023, Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự trên Biển Đông với các phương án “sát thực tế chiến đấu”. Đợt huấn luyện ngắn ngày nối từ 29/7 đến 2/8 trên một khu vực rộng lớn, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và bãi cạn Macclesfield. Trung Quốc gọi bãi này là quần đảo Trung Sa, vì nó nằm trong khu vực “Đường lưỡi bò” do họ tự tiện vẽ ra.

Nhiều học giả trên thế giới am hiểu tình hình đã chỉ ra sự lập lờ của Trung Quốc khi cố tình coi bãi cạn Macclesfield là đảo nổi để viện cớ tuyên bố chủ quyền. Trên Biển Đông, các ngư dân đánh bắt xa bờ ở các tỉnh ven biển miền Trung của Việt Nam ai cũng rành rẽ Macclesfield, họ gọi đó bằng cái tên thân mật: “Nhà cá giữa Biển Đông”.

Ngang nhiên tổ chức huấn luyện trên vùng biển của Việt Nam, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc tuyên bố, các tàu thuyền không được phép đi vào khu vực nêu trên trong thời gian quân đội tổ chức huấn luyện.

Bãi ngầm Macclesfield cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 75 hải lý về phía đông. Bãi này gồm các rạn san hô và bãi cạn, nằm dưới sự quản lý của thị trấn Tam Sa thuộc Trung Quốc, nhưng Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Hiện Việt Nam chưa có phản ứng về đợt tổ chức huấn luyện quân sự mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Hà Nội đã nhiều lần “kiên quyết phản đối” các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông. Người thay mặt Bộ Ngoại giao thường nói, đó là “các hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định điều này”.

Không chỉ phản đối, Hà Nội cũng nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không tái diễn vi phạm tương tự.

Rất tiếc, sau các tuyên bố của phía Việt Nam, Trung Quốc vẫn phớt lờ. Họ vẫn kiên trì theo đuổi hai mục tiêu chiến lược trong thế trận của Trung Quốc trên Biển Đông:

Một là, chủ động gây rối các hoạt động mở rộng khai thác các lô dầu khí có trữ lượng lớn của nhóm A5 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam) ở khu vực được cho là chồng lấn giữa EEZ của các nước A5 với “đường chín đoạn” phi pháp”. Điển hình là vụ gây rối việc mở rộng mỏ Kawasari, lô SK316 của Malaysia thuộc bãi Luconia và lô Tuna (Cá Ngừ) của Indonesia có vị trí nằm cách đường phân định EEZ với Việt Nam 13km.

Hai là, Trung Quốc tìm mọi cách tuyên truyền, củng cố các phương án pháp lý mà nước này có lợi thế. Trong đó có sự kiện tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 hồi tháng 5/2023 đã khiêu khích ở bãi Tư Chính, thuộc bờ tây của Biển Đông.

Việc tàu Hướng Dương Hồng 10 xuất hiện dường như nhằm giảm áp lực cho việc Trung Quốc thả phao đèn hiệu ở cụm Sinh Tồn thuộc bờ đông Biển Đông diễn ra cùng lúc, nhưng trong thời gian ngắn.

Đáng chú ý hơn, cả hai sự kiện này làm cho dư luận ít chú ý đến động thái Cục Quản lý di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc công bố tiến độ khảo sát hai xác tàu đắm ở khu vực phía tây bắc của Biển Đông. Chiêu trò “khảo sát tàu đắm”, bao gồm cả việc thiết lập thiết bị định vị dưới nước và bổ sung vào hệ thống 124 di tích khảo cổ đáy biển, vừa được công bố sẽ góp phần hoàn thiện hồ sơ Di sản Văn hóa “con đường tơ lụa” hàng hải của Trung Quốc.

Không dừng ở đó, việc hoàn thiện các hệ thống dữ liệu địa chất và sinh thái ở Biển Đông trong thời gian qua cũng giúp Trung Quốc chứng minh năng lực bảo đảm an toàn hàng hải vượt trội so với các nước trong khu vực.

Nêu lên vài nét tóm tắt, độc giả có thể hình dung đây là giai đoạn có nhiều động thái quyết đoán và đồng bộ đang diễn ra trên Biển Đông từ cả Trung Quốc và khối A5 thuộc ASEAN.

Các động thái đó diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán thực hiện Tuyên bố ứng xử (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) đang tiến triển, bất chấp những yêu cầu phi lí của Trung Quốc. Các hoạt động leo thang căng thẳng vẫn trong “chiến lược vùng xám”, là những căn cứ cho thấy Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ các mục tiêu duy trì ảnh hưởng đơn phương phi pháp trên Biển Đông.

Thêm một lần khẳng định, sự đoàn kết nhằm tăng cường sức mạnh, chia sẻ thông tin, thực hiện các bước phối hợp đồng bộ của nhóm A5 nói chung và khối ASEAN trong hiện tại và tương lai là vô cùng quan trọng.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới