Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnBộ trưởng Quốc phòng Italia: Tham gia Vành đai và Con đường...

Bộ trưởng Quốc phòng Italia: Tham gia Vành đai và Con đường là quyết định sai lầm

Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto cho biết việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) không giúp Italia thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto.


Trả lời báo Corriere della Sera ngày 30/7, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto cho rằng tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cách đây 4 năm là một quyết định “thiếu chuẩn bị và sai lầm”.

“Nó không làm được gì nhiều để thúc đẩy xuất khẩu của Italia sang Trung Quốc, trong khi lại giúp tăng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Italia”, ông Crosetto nhận định.

Quyết định này được Italia ký kết dưới thời chính phủ tiền nhiệm và trở thành nước lớn duy nhất ở phương Tây thực hiện bước tiến như vậy. Tuy nhiên, Bộ trưởng Crosetto và nhiều người khác trong chính quyền Italia đang tìm cách thoát khỏi thỏa thuận này.

“Vấn đề hiện nay là làm sao để rút khỏi sáng kiến Vành đai và Con đường mà không làm tổn hại đến quan hệ (với Bắc Kinh) vì Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nhưng cũng là đối tác”, Bộ trưởng Crosetto nói thêm.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/7, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cho biết chính phủ của bà vẫn đang cân nhắc về quyết định tham gia của Italia trong sáng kiến Vành đai và Con đường.

“Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định trước tháng 12”, bà Meloni nói với truyền thông hôm 30/7, đồng thời lưu ý rằng vấn đề này cần được thảo luận với chính phủ Trung Quốc và Quốc hội Italia.

Thủ tướng Meloni cho rằng Italia có thể có “quan hệ đối tác và quan hệ đối tác thương mại tốt” với Trung Quốc ngay cả khi không ở trong sáng kiến này.

Sáng kiến Vành đai và Con đường được Bắc Kinh đề ra nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế toàn cầu, trong đó tập trung xây dựng lại Con đường tơ lụa cũ để kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu và xa hơn nữa với những khoản đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng. Các nhà quan sát coi đây là công cụ để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới