Tuesday, October 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Ông Tần thôi đã thôi rồi”

“Ông Tần thôi đã thôi rồi”

Ngỡ sự nghiệp chính trị sẽ thăng tiến như diều gặp gió, nào ngờ, chỉ sau 7 tháng ngồi ghế ngoại trưởng, ông Tần Cương đã bị gạt ra bên lề.

Ông Tần Cương tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 7/3.

Một tuần đã trôi qua, việc ông Tần Cương bị đưa ra khỏi ghế ngoại trưởng Trung Quốc chưa hết nóng. Chẳng biết có chuyện ông Tần Cương bị “xốc nách” bốc khỏi cái ghế ngoại trưởng một cách thô bạo, như Trung Nam Hải đã làm với ông Hồ Cẩm Đào trong phiên bế mạc bế mạc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 10 năm ngoái hay không? Ông Tần Cương – dù là đương nhiệm, cũng không thể so với vị thế ông Hồ Cẩm Đào – nguyên là tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 16-17, nguyên chủ tịch Nước CHND Trung Hoa. Nhưng một cường quốc như Trung Quốc, cái ghế ngoại trưởng quan trọng lắm. Càng quan trọng hơn khi hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Trước đây 7 tháng, khi ông Tần Cương được “bổ” ngoại trưởng thay “cáo già” Vương Nghị, nhiều người đã gật gù tin rằng, đó chưa phải là cái “trần” quyền lực của nhân vật này. Thật thế chứ sao? Nói trẻ cũng chưa hẳn, nhưng tuổi đó ngồi vào ghế ngoại trưởng trong một thể chế chính trị kiểu Trung Quốc, thời gian vẫn còn. Và quan trọng hơn, xét về tiêu chí, điều kiện để ngồi vào cái “ghế nóng” đó, liệu có ai hơn ông Tần Cương – nhân vật được đào tạo bài bản, kinh qua thực tiễn công tác: từng làm đại sứ Trung Quốc tại Anh; thứ trưởng Ngoại giao, trước khi là Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ.

Mỹ hiện là đối tác, cũng là đối thủ quan trọng hàng đầu của Bắc Kinh. Chính thế, việc “hiểu” Mỹ quan trọng lắm. Một người từng là đại sứ tại Mỹ như ông Tần, cái sự “hiểu” Washington là có thể tin được. Đó là chưa kể 5 năm gánh vai người phát ngôn – vị trí ví như “cái loa” của Bắc Kinh, còn khiến người ta tin ông ngoại trưởng mới này khó có thể sơ suất gì trong lời nói…Thậm chí, trong màn ra mắt cương vị ngoại trưởng, ông còn “lập ngôn” khá ấn tượng trong một số trường hợp. Ví như, khi đề cập việc giải quyết những thách thức chung của nhân loại, ông Tần đã khẳng định chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ mang đến “trí tuệ Trung Quốc, sáng kiến Trung Quốc và sức mạnh Trung Quốc”.

Vậy mà bỗng dưng…

Trước tiên là bỗng dưng mất hút 1 tháng tròn, kể từ ngày 25/6 tới khi mất chức, sau khi ông khi ông gặp các bộ trưởng ngoại giao Nga, Việt Nam và Sri Lanka ở Bắc Kinh. Như vậy, trong thực tế, ông Tần Cương chỉ ngồi trên ghế ngoại trưởng, thực thi vai trò, trách nhiêm đúng 6 tháng. Một tháng còn lại tới khi bị “bế” đi, ông “ngồi chơi xơi nước”.

Cùng thời điểm này, theo kế hoạch, sẽ diễn ra các sự kiện ngoại giao quan trọng mà ông Tần Cương lẽ ra phải chủ trì hoặc có mặt, như: gặp đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 4/7; dự các cuộc họp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry; tham dự hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN ở Indonesia…Vậy mà, ông đã… mất hút.

Cái sự mất hút bí ẩn đó dẫn tới việc có sự kiện phải hủy, như cuộc gặp đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nêu trên. Còn hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN ở Indonesia, thay thế ông là gương mặt ngoại giao cũ – ông Vương Nghị…Những khiếm khuyết đó sao thẻ nói là không ảnh hưởng tới hình ảnh, vị thế Trung Quốc trong mắt cộng đồng và dư luận quốc tế…

Việc ông Tần Cương mất hút trên chính trường, sau đó bị “miễn nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao, theo quyết định được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 14″ – như thông tin trên báo chí “lề phải” Trung Quốc, trong đó có Tân Hoa Xã, khiến dư luận không chỉ lấy làm khó hiểu, mà còn tò mò với câu hỏi “tại sao”. Dù vậy, đàn em của ông Tần, bà Mao Ninh – người đang đóng chính cái chức ông Tần Cương từng đóng 5 năm trời (từ năm 2005 đến năm 2010), đã nói rằng mình “không có thông tin” để cung cấp.

Miễn nhiệm chức ngoại trưởng ông Tần Cương là việc tày trời, quan nhỏ như bà Mao Ninh có thể không biết thật. Nên trả lời của bà cũng là thật lòng. Nhưng càng thế, càng thôi thúc cánh báo chí, nhất là phóng viên các hãng quốc tế, truy tìm nguyên nhân. Có điều, bói cũng chẳng có một thông tin chính thống nào ngoài cái sự “không có thông tin” như bà Mao Ninh đã nói. Vậy là, càng rộ lên những bình luận, suy đoán: người đưa ra lý do sức khỏe; người đưa ra lý do đấu đá nội bộ; thậm chí có người cho rằng, ông bị xử lý vì chuyện “bồ bịch”…

Tất nhiên, suy đoán vẫn chỉ là suy đoán, không thể lấy đó làm thực. Tuy nhiên, có một lời đoán nhiều người quan tâm và nghiêng về, đó là ông Tần Cương đã thất bại trong xử lý quan hệ với Mỹ – đối tác, nhưng cũng là đối thủ khó chịu nhất của Trung Quốc. Sự kiện đáng chú ý nhất và hẳn nó phải khiến Trung Nam Hải lấy làm khó chịu và cay cú, là ngày 20/06, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi ông Tập Cận Bình là “nhà độc tài” trong bài phát biểu vận động tranh cử ở California.

Nặng lời với nhau, nếu tính chi lý, giữa ông Tập và ông Biden chưa biết ai nhiều hơn ai. Nhưng ở đây, cái chết là phát ngôn thù địch và cay cú nhằm vào ông Tập của ông chủ Nhà trắng chỉ xảy ra sau một ngày ông Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, trong chuyến công du của ông Blinken được kỳ vọng làm dịu xuống những căng thẳng trong quan hệ hiện thời đã tới đáy, giữa hai siêu cường.

Vậy mà, không những không làm dịu, căng thẳng còn gia tăng hơn.

Đành rằng: xử lý quan hệ với Mỹ chưa bao giờ là một việc dễ dàng, ngay cả với Trung Quốc. Nhưng được kỳ vọng lớn mà không đáp ứng được, thì phải trảm thôi. Cứ nhớ lại cái nhìn lạnh lùng, cách xử lý lạnh lùng của ông Tập Cận Bình với bậc công thần như ông Hồ Cẩm Đào, thì đủ biết với ông Tần Cương, ông Tập Cận Bình có gì mà phải e dè, đắn đo nhiều cơ chứ?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới