Wednesday, January 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMối đe dọa từ biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn chiến...

Mối đe dọa từ biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn chiến tranh hạt nhân

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân với thế giới không nghiêm trọng hơn mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.

Tại chương trình 60 Minutes Australia hôm 30/7, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhận được câu hỏi rằng liệu chiến tranh hạt nhân hay biến đối khí hậu gây ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn với thế giới.

“Theo tôi, 2 thứ này không thể có thứ bậc. Có những thứ ở phía trước và trung tâm, ví dụ như một cuộc xung đột tiềm tàng, nhưng chắc chắn rằng khí hậu đại diện cho một thách thức hiện hữu với tất cả chúng ta”, ông nói.

Tuần trước, các chuyên gia cảnh báo, tháng 7 năm nay đang trên đà trở thành tháng nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử thế giới. Liên hợp quốc đã kêu gọi tăng tốc hành động để giảm lượng khí thải carbon, bao gồm cả việc chấm dứt sử dụng than trên toàn cầu vào năm 2040.

Đầu mùa hè này, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu John Kerry đã yêu cầu một cuộc cách mạng hệ thống nông nghiệp của thế giới để giảm lượng khí thải carbon từ canh tác nhằm ngăn chặn “0,5 độ C nóng lên vào giữa thế kỷ”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo Trái đất đã chuyển sang “kỷ nguyên sôi lên toàn cầu”.

“Biến đổi khí hậu là đây. Điều đó thật đáng sợ. Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc; thời đại sôi lên toàn cầu đã đến”, ông Guterres nói, kêu gọi hành động mạnh mẽ và ngay lập tức để cắt giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh.

Nhiệt độ tăng cao do sự nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến hàng chục triệu người ở các vùng tại châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ trong tháng này, kết hợp với những trận cháy rừng dữ dội ở Canada và một số vùng ở Nam Âu.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu do đốt nhiên liệu hóa thạch đã khiến các đợt sóng nhiệt trở nên nóng, kéo dài và thường xuyên hơn, trong khi thế giới xuất hiện hàng loạt các dạng thời tiết cực đoan như bão hay lũ lụt.

Nắng nóng gay gắt và những trận cháy rừng dữ dội xảy ra vào tháng 7 trên khắp các khu vực ở bắc bán cầu đã gây ra báo động về tác động đối với sức khỏe, hệ sinh thái và nền kinh tế.

Các nhà khoa học cho biết thế giới sẽ cần phải thích nghi với tình trạng nóng lên và cần phải giảm tình trạng ô nhiễm carbon đáng kể để tránh những điều tệ hơn trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới