Sự đầu tư của Trung Quốc dành cho người láng giềng phía Tây của Việt Nam là điều không thể bàn cãi. Trong những năm qua những siêu dự án công trình cơ sở hạ tầng… cứ mọc lên như nấm tại Campuchia – một trong những quốc gia nghèo ở Đông Nam Á, GDP bình quân đầu người chỉ có 1.767 USD vào năm 2022.
Những khoản tiền khổng lồ đổ vào xứ Chùa Tháp nhằm thực hiện một mục tiêu chiến lược rất lớn.
Trung Quốc và Campuchia thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ năm 1958. Quan hệ ban đầu đầy ngờ vực do Trung Quốc dính líu đến cuộc nội chiến và xung đột xã hội ở Campuchia. Đặc biệt là việc Bắc Kinh được cho là đã ủng hộ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng trong thập kỷ 1970 – 1980.
Sau Hiệp định Hòa bình Campuchia ký tại Paris năm 1991 thì quan hệ Campuchia – Trung Quốc mới dần hồi phục và phát triển. Kể từ đó cho đến nay quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia ngày càng phát triển.
Tháng 11/ 2000, Chủ tịch Trung Quốc là Giang Trạch Dân đã có chuyến thăm chính thức tới Campuchia. Trong chuyến đi này hai bên đã ký kết Tuyên bố chung Trung Quốc – Campuchia về Hợp tác song phương xác định quan hệ hữu nghị truyền thống chặt chẽ và vững chắc hơn trong thế kỷ mới.
Tháng 4/2006, trong chuyến thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến Campuchia, hai bên tiếp tục đưa ra công báo chung, tuyên bố xây dựng quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện. Tháng 12/ 2010, có thể coi là bước ngoặt trong mối quan hệ giữa hai nước khi Thủ tướng Campuchia là Hun Sen thăm Trung Quốc và chính thức thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Hai năm sau đó năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm chính thức Campuchia từ ngày 30/3 đến ngày 2/4/2012. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc đến Campuchia kể từ năm 2000.
Đến tháng 12/2021, Trung Quốc và Campuchia đã tuyên bố nâng tầm quan hệ trở thành đối tác chiến lược toàn diện nó đã mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước- Thời đại Tập Cận Bình. Hai bên nhất trí lấy năm 2013, là năm Hữu nghị Trung Quốc – Campuchia nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chỉ riêng trong 2 năm là năm 2016 và 2017, Trung Quốc và Campuchia đã ký hơn 30 thỏa thuận hợp tác song phương. Trong chuyến thăm Campuchia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 1/ 2018, hai nước đã ký kết đến 19 văn kiện hợp tác. Nếu như năm 1988, ông Hun Sen đã gọi Trung Quốc là nguồn gốc của mọi tội lỗi ở Campuchia thì 12 năm sau vẫn theo lời Hun Sen Trung Quốc lại thành người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia.
Sau đây là một số lĩnh vực hợp tác chủ yếu:
Lĩnh vực thương mại hàng hóa
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 14,5 tỷ USD trong năm 2022 tăng 19% so với năm 2021. Mặc dù Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Campuchia đã có hiệu lực từ tháng 1/2022, và người bạn Trung Quốc ưu đãi 97,53% hàng xuất khẩu của Campuchia, mức cao nhất trong hiệp định thương mại tự do giữa hai nước, nhưng xuất khẩu của Campuchia sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% giá trị thương mại, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp như: gạo, sắn, hạt điều, dầu cọ và cao su, các mặt hàng may mặc như giày dép, da. Trong khi nhập khẩu chiếm tới 90% giá trị thương mại chủ yếu là các sản phẩm đầu tư và sản xuất như: bông, hàng dệt may, kim loại, vật liệu xây dựng, ô tô, xe máy, thiết bị và điện tử…
Lĩnh vực viện trợ
Bắc Kinh đã dành cho Phnom Penh những khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi lớn. Trong giai đoạn năm 2019 đến năm 2021, Campuchia đã nhận được khoảng 587 triệu USD từ Trung Quốc dưới hình thức viện trợ không hoàn lại.
Sân vận động quốc gia Campuchia (Morodok Techo) trị giá khoảng 160 triệu USD, là công trình trọng điểm để Campuchia tổ chức SEA Games 32 vừa qua, cũng chính là một trong những dự án xây dựng dưới sự viện trợ này.
Bắc Kinh thường nhấn mạnh, đây là các khoản viện trợ không điều kiện, nhưng thực chất nó lại đi kèm với các điều kiện ràng buộc chặt chẽ. Theo đó thì chúng sẽ được sử dụng để tài trợ cho chính các dự án do Bắc Kinh thực hiện, đồng thời mở cửa cho các nhà đầu tư của Trung Quốc thâm nhập vào thị trường này.
Lĩnh vực đầu tư
Dù Campuchia là đất nước có dân số không đông, thu nhập bình quân đầu người thấp, năng suất lao động không cao nhưng Trung Quốc vẫn dành sự ưu tiên đặc biệt. Campuchia luôn nằm trong danh sách 10 nước đứng đầu tiếp nhận FDI của Trung Quốc.
Kể từ năm 2013, quốc gia này đã thay thế Nhật Bản để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia, và cũng là một trong những đồng minh chính trị quan trọng. Tính từ năm 1994 đến 2021, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 17,3 tỷ USD tương đương khoảng 44,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Campuchia.
Các tổ chức của Campuchia xử lý số liệu thống kê, gọi Trung Quốc là khu vực Trung Hoa Đại lục bao gồm Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và cả Đài Loan. Nhưng do những vấn đề về chính trị cho nên những khoản đầu tư của Đài Loan vào Campuchia không đáng kể, con số 17,3 tỷ USD này cũng tương đương với các khoản mà Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam không bao gồm khoảng 24 tỷ USD của Hồng Kông và hơn 33 tỷ USD của Đài Loan. Nó cũng thấp hơn nhiều so với gần 67 tỷ USD mà Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Nhưng điều đáng nói là GDP tính đến năm 2021 của Campuchia chỉ là 26,6 tỷ USD và năm 2022 là 28,5 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm những dự án giá trị nhiều tỷ USD mà Bắc Kinh sẽ đầu tư tại quốc gia Đông Nam Á này trong thời gian sắp tới, chẳng hạn như dự án đường sắt bán cao tốc kết nối Phnom Penh với Poipet nằm ở biên giới Thái Lan dài 382 km và trị giá 4 tỷ USD. Dự án này được dự kiến khởi công vào năm 2024, và được biết đến là một trong những dự án nằm trong lộ trình kết nối đường sắt cao tốc giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.
Có thể thấy, sự đầu tư của Trung Quốc đã làm thay đổi một phần diện mạo của đất nước Campuchia. Các khoản đầu tư khổng lồ đã giúp xứ sở Chùa Tháp cải thiện cơ sở hạ tầng, kết nối với khu vực và tăng tính cạnh tranh. Ước tính Bắc Kinh đã giúp quốc gia này xây dựng hơn 3.000 km đường bộ và 8 cây cầu hữu nghị bắc qua Sông Mê Kông và các nhánh của nó. Gần đây nhất là tuyến đường cao tốc đầu tiên tại Campuchia dài 187 km kết nối thủ đô Phnom Penh và thành phố cảng Sihanoukville trị giá 2 tỷ USD. Dự kiến vào ngày 7/6 này, Campuchia cũng sẽ khởi công dự án đường cao tốc nối thủ đô Phnom Penh với thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, để kết nối với cao tốc Mộc Bài – TP Hồ Chí Minh, với kinh phí đầu tư ước tính khoảng 1.35 tỷ USD. Cả hai dự án này đều do Công ty Cầu đường Trung Quốc đầu tư và xây dựng theo hình thức BOT trong 50 năm.
Đầu tư của Trung quốc vào ngành dệt may tại Campuchia cũng giúp nước này phát triển kinh tế xã hội tạo việc làm cho nhiều người dân. Chỉ riêng ngành du lịch, Trung Quốc đầu tư nhiều dự án lớn tại Campuchia trong đó thì Tập đoàn phát triển Liên hiệp, một doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư một số tổ hợp nghỉ dưỡng quốc tế tại Koh Kong có tên là khu phức hợp Dara Sakor, với vốn đầu tư lên tới 3.8 tỷ USD. Dự án này bao gồm nhiều công trình, như khu nghỉ dưỡng cao cấp có sòng bài và sân golf, bến cảng cho du thuyền và tàu trọng tải lớn, sân bay quốc tế, khu công nghiệp, các nhà máy điện và một nhà máy xử lý nước.
Ngoài ra, nhiều khoản đầu tư lớn của Trung Quốc còn đổ dồn tỉnh Sihanoukville nằm ở ven biển phía Nam Campuchia. Đây là nơi có vị trí thuận lợi và được chính phủ nước này mở cửa đón đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và sòng bạc. Đặc khu kinh tế Sihanoukville ra đời từ đó, hiện đang có hơn 80 sòng bạc chủ yếu thuộc sở hữu của người Trung Quốc đang hoạt động tại đây. Sự đầu tư này đã thu hút thêm khách du lịch Trung Quốc tới Sihanoukville để chơi bài, biến khu vực này thành thỏi nam châm hấp dẫn các nhà đầu tư. Trước thời điểm Covid-19 diễn ra, cụ thể là vào năm 2019, có hơn 6,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Campuchia tạo ra doanh thu 4,92 tỷ USD, trong đó có hơn 2,4 triệu lượt khách du lịch là Trung Quốc chiếm 36% lượng khách đến xứ sở Chùa Tháp.
Bắc Kinh hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về ngành năng lượng ở Campuchia, với tổng số vốn lên tới hơn 7,5 tỷ USD cho 7 nhà máy thủy điện, khoảng 4 tỷ USD cho hai nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá.
Dự án thủy điện Hạ Sê San với công suất lên tới 400 MW, hiện là con đập lớn nhất trong số 7 đập thủy điện đã được xây dựng tại Campuchia. Đây là dự án có tổng giá trị đầu tư 816 triệu USD, trong đó Công ty Năng lượng Quốc tế Hydrolancang (Trung Quốc) nắm 51% cổ phần; Tập đoàn Hoàng gia Campuchia nắm 39% cổ phần và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm 10% cổ phần. Quá trình xây dựng được tiến hành từ năm 2012 trên sông Sê San, một phụ lưu lớn sông Mê Kông nằm ở Stung Treng, sau khi hoàn thành thì hồ nước này có diện tích 360 km2, con đập có độ cao 80m trong đó 75m để trữ nước và 5m dự phòng.
Không chỉ kinh tế, quân sự cũng là một phần đáng kể trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia này. Hai nước duy trì hợp tác quân sự, quốc phòng thông qua các cuộc viếng thăm thường xuyên giữa lãnh đạo quân đội hai nước, Trung Quốc cũng không ngừng tăng các khoản viện trợ và đầu tư về lĩnh vực quốc phòng cho người bạn của mình.
Vào năm 2019, khoảng 84,8 triệu USD đã được Bắc Kinh viện trợ cho quân đội Campuchia. Đến năm 2020, lực lượng quân đội xứ sở Chùa Tháp tiếp tục tiếp nhận thêm hàng trăm xe tải quân sự, xe bọc thép… Nhìn chung thì đây chỉ là một phần nhỏ trong số tiền và xứ sở tỷ dân đã rót vào để giúp Campuchia phát triển lĩnh vực quốc phòng.
Năm 2022, Đại tướng Tea Banh, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia là Vương Văn Thiên, đã có mặt tại căn cứ Hải quân Ream để dự lễ động thổ cải tạo Quân cảng Ream, bao gồm việc nâng cấp và mở rộng các công trình như: ụ nổi để sửa chữa tàu, mở rộng bến tàu, xây dựng bệnh viện, khu nhà xưởng, tòa nhà tiếp tân, cũng như tài trợ thiết bị quân sự và sửa chữa 8 tàu chiến của Campuchia. Công trình được đấu thầu và thực hiện bởi Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc và hiện không rõ số tiền mà Trung Quốc đã đầu tư cải tạo cảng này là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là sẽ không nhỏ.
Căn cứ hải quân Ream từ lâu đã trở thành hòn đá tảng trong quan hệ giữa Mỹ với Campuchia. Từ nhiều năm qua, phía Washington đã nhiều lần khẳng định Bắc Kinh không chỉ tài trợ xây dựng hạ tầng mà còn hiện diện quân sự tại Ream và có khả năng xây dựng căn cứ quân sự tại đây.
Ngoài việc viện trợ vũ khí – khí tài, xây dựng căn cứ quân sự như quân cảng Ream thì Campuchia và Trung Quốc còn thực hiện các cuộc tập trận chung có tên là Rồng Vàng từ năm 2016, và được duy trì thường niên trong các năm 2018, 2019 và 2020. Mục đích của những cuộc tập trận này được hai nước đưa ra là nhằm tăng cường hợp tác song phương, củng cố năng lực của quân đội hai nước trong các hoạt động nhân đạo, cứu hộ thảm họa và chống khủng bố.
Còn nữa…
T.P