Trung Quốc đang ở trong tình cảnh tồi tệ hơn nhiều so với khi ông mới nhậm chức.
Tập Cận Bình đã cai trị Trung Quốc hơn một thập niên, nhưng cách ông cai trị đang thay đổi. Ông đang phải đối mặt với môi trường trong nước và quốc tế tồi tệ hơn hẳn so với khi ông nhậm chức Tổng Bí thư vào năm 2012. Nền kinh tế đang gặp khó khăn, niềm tin đang giảm sút, nợ nần chồng chất, và cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ và các đồng minh đang gây nguy hiểm cho tương lai của tiến bộ công nghệ và tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc.
Nhiều phân tích vẫn đang mô tả nền chính trị Trung Quốc theo các thuật ngữ tương đối tĩnh, hoặc là tập trung hoàn toàn vào tăng trưởng thời kỳ hậu COVID, hoặc là loại bỏ hoàn toàn quan ngại kinh tế để theo đuổi chế độ chuyên chế và thống trị địa chính trị. Nhưng các phân tích này đã bỏ qua sự thật rằng hoạch định chính sách ở Trung Quốc đang ngày càng bất ổn, khi những thách thức ngày càng gia tăng khiến Bắc Kinh dao động nhiều hơn giữa khía cạnh chính trị của chương trình nghị sự mang tính ý thức hệ và tính thực dụng của tăng trưởng kinh tế. Sự bất ổn này chủ yếu bắt nguồn từ ba hành động cân bằng: cân bằng tăng trưởng với an ninh trong chính sách kinh tế, cân bằng đấu tranh ngoại giao chống lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ với việc tránh phân tách kinh tế khỏi phương Tây, và cân bằng cạnh tranh giữa các phe phái khác nhau trong giới tinh hoa chính trị.
Chủ đề nổi bật trong hoạch định chính sách trong nước ở nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình có thể là “an ninh hóa” (securitization) mọi thứ, đặc biệt là chính sách kinh tế. Báo cáo của Tập Cận Bình tại đại hội đảng lần thứ 20 vào tháng 10/2022 – một tài liệu chính sách quan trọng trong hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc – nói rằng an ninh quốc gia nên “được thấm nhuần trong mọi khía cạnh và toàn bộ quá trình” quản trị, theo đó chỉ thị cho đảng “củng cố toàn diện hệ thống an ninh quốc gia” vào năm 2035, đồng thời thêm một phần mới về an ninh quốc gia vào một báo cáo vốn có cấu trúc đã được định sẵn. Hồi tháng 5, Tập đã chủ trì cuộc họp hậu đại hội đầu tiên của Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương, tuyên bố rằng “sự phức tạp và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề an ninh quốc gia mà chúng ta hiện đang phải đối mặt” đã “tăng lên đáng kể”.
Mong muốn tăng trưởng kinh tế của giới lãnh đạo đảng đã bị hủy hoại sau những cuộc tấn công vào các công ty nước ngoài, lệnh cấm chip phương Tây vì lý do an ninh quốc gia, và việc sửa đổi Luật Chống Gián điệp, theo đó mở rộng phạm vi áp dụng sang các doanh nghiệp tư nhân. Các nguồn tin ở Bắc Kinh cũng nói rằng chính phủ đang có kế hoạch thành lập một cơ quan Trung Quốc tương đương với Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) của Mỹ, với nhiệm vụ tăng cường giám sát các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.
Sự tập trung ngày càng tăng của Tập Cận Bình vào vấn đề an ninh có lẽ đã được thúc đẩy bởi niềm tin rằng Trung Quốc phải giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế và công nghệ vào Mỹ và các đồng minh của họ trong thời đại cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt. Hồi tháng 3, ông cáo buộc các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, “đã ngăn chặn, bao vây, và đàn áp toàn diện đối với Trung Quốc, tạo ra những thách thức nghiêm trọng chưa từng có cho sự phát triển của Trung Quốc.” Tuyên bố này gần như chắc chắn đã ám chỉ các lệnh trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu, và chính sách chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước thân thiện (reshoring) được chính quyền Trump và giờ là chính quyền Biden áp dụng.
Bản tóm tắt chính thức nội dung cuộc họp tháng 5 của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương của Tập tiết lộ Bắc Kinh sẽ đầu tư mạnh vào việc tạo ra một “hệ thống công nghiệp hiện đại” xoay quanh sản xuất và đổi mới. Các công ty công nghệ cao của phương Tây vẫn được chào đón, nhưng Tập muốn họ giúp thúc đẩy “khả năng tự lực cánh sinh” của Trung Quốc trong một “hệ thống toàn quốc” gồm các đối thủ cạnh tranh trong nước.
An ninh hóa chính sách kinh tế nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự lãnh đạo rõ ràng hơn và sự can thiệp mạnh mẽ hơn của đảng vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc. Trong những năm gần đây, đã có sự gia tăng các biện pháp can thiệp mang tính ý thức hệ trong nhiều ngành nghề – ví dụ, cấm dạy thêm vì lợi nhuận để cải thiện tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục, hạn chế trò chơi điện tử để giảm bớt thói nghiện internet của giới trẻ, và kiểm soát các công ty công nghệ dựa trên nền tảng số để hạn chế sức mạnh thị trường và ảnh hưởng chính trị của họ.
Bắc Kinh đang cảm thấy mình cần phải mở rộng: đảng cần giám sát toàn bộ nền kinh tế để bảo vệ an ninh của mình. Vào tháng 4, Ủy ban Cải cách Sâu rộng Toàn diện Trung ương (CCDRC), được cho là cơ quan điều phối chính sách có ảnh hưởng nhất của Tập, đã tổ chức một cuộc họp với nội dung rằng đảng nên xác định “đổi mới cho ai, ai nên đổi mới, đổi mới cái gì, và đổi mới như thế nào” bằng cách “lập kế hoạch toàn diện cho toàn bộ chuỗi đổi mới công nghệ.”
Càng ngày, các công ty sẽ càng được kỳ vọng phải tuân thủ các mục tiêu chính sách. Một số sẽ là yêu cầu bắt buộc, chẳng hạn như các đạo luật buộc các công ty đóng góp cho các dự án tình báo hoặc quân sự, nhưng cơ chế phổ biến hơn có lẽ là việc các công ty chủ động tuân theo quy định của nhà nước để tránh số phận tương tự như những công ty từng rơi vào các chiến dịch cải chính trước đây. Báo cáo của CCDRC cho biết đảng sẽ “tích cực khuyến khích và hướng dẫn các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình đổi mới quốc gia.” Tập không chống kinh doanh hay chống thị trường, ông chỉ đơn giản ủng hộ đảng; ông muốn khai thác hoạt động của khu vực tư nhân để thúc đẩy các mục tiêu của nhà nước độc đảng.
Tuy nhiên, an ninh không phải là tất cả, vì về mặt chính thức, “phát triển” vẫn đứng trước “an ninh” như một ưu tiên đối với chính quyền của Tập, chí ít là trong các tài liệu quan trọng của đảng như báo cáo đại hội năm ngoái. Tập đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải cân bằng giữa phát triển và an ninh. Điều này cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế vẫn rất quan trọng, nhưng ông tin rằng cần phải có những nhượng bộ lớn hơn để bảo vệ an ninh quốc gia. Đang có quan ngại ở cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc, rằng các chính sách an ninh sẽ làm chậm quá trình phục hồi hậu COVID vốn đã rất chậm của Trung Quốc, và sẽ cản trở sự phát triển kinh tế của nước này. Tình trạng bối rối cũng xuất hiện nhiều hơn, do Bắc Kinh thường xuyên chuyển trọng tâm giữa tăng trưởng và an ninh, và các nhóm cố vấn kinh tế và an ninh của Tập Cận Bình luôn cố gắng giành ưu thế về mình.
Hiện tại, các công ty nước ngoài ở Trung Quốc đang rất bối rối, vì chính quyền địa phương kêu gọi họ đầu tư, trong khi chính quyền trung ương lại bóp nghẹt các dịch vụ kinh doanh cần thiết cho các cam kết đó. Việc tiếp tục tập trung quyền lực về trung ương và siết chặt quá trình thực thi chính sách, có nghĩa là những thay đổi nhỏ trong thông điệp sẽ lan tỏa khắp bộ máy một cách nhanh hơn, thường xuyên hơn, và gây tổn hại nhiều hơn trước đây. Sự bất định đã làm giảm đầu tư vào khu vực tư nhân, theo đó cũng làm giảm triển vọng của kinh tế Trung Quốc.
Các thông điệp không rõ ràng về tăng trưởng và an ninh sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường, nhưng vấn đề lớn nhất đối với quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây là động lực đằng sau sự phân tách công nghệ cao trong hệ thống liên minh của Mỹ, vốn sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi sự phản đối ngoại giao ngày càng tăng của Tập Cận Bình đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của phương Tây trong nhiệm kỳ thứ ba của ông. Tập đã làm trung gian bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Ả-rập Saudi, đề xuất làm trung gian hòa giải trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai giữa Nga và Ukraine, đồng thời đề nghị đóng một vai trò lớn hơn trong đàm phán giữa Israel và Palestine. Ông đã hồi sinh những nỗ lực thúc đẩy một trật tự quốc tế đa cực thông qua Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu. Nhưng ông tránh khiêu khích bằng cách duy trì đối thoại với các nhà lãnh đạo phương Tây, tiết chế một số chính sách ngoại giao “chiến lang” cực đoan, và yêu cầu cơ quan phụ trách chính sách đối ngoại của mình cải thiện hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc.
Nỗ lực ngoại giao của Tập nhằm định vị Trung Quốc như một đối tác kinh tế quan trọng, nước ủng hộ chính trị của các nước đang phát triển, và một bên liên quan không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng có nguyên nhân một phần là để đối trọng với sự thù địch đang gia tăng từ Mỹ và các đồng minh. Ngoài ra, động lực trong nước cũng mạnh mẽ không kém, khi Tập đang tìm cách củng cố tính chính danh của mình vào thời điểm kinh tế khó khăn. Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng Tập sẽ xem việc thống nhất với Đài Loan là một điều kiện để biện minh cho nhiệm kỳ kéo dài của mình, bởi nó sẽ giúp ông vượt qua thành tích của các nhà lãnh đạo tối cao trong quá khứ. Nhưng một giải pháp ít rủi ro và hữu ích hơn sẽ là biến Tập trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu ngang hàng với Tổng thống Mỹ, xét về uy quyền và sức nặng trong các vấn đề quốc tế – điều mà cả Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình chưa bao giờ thực sự đạt được.
Bất chấp mong muốn ổn định quan hệ song phương của chính quyền Biden, những nỗ lực nhằm tăng cường ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc có lẽ chỉ củng cố nhận thức về mối đe dọa từ Bắc Kinh ở Washington, và ở mức độ thấp hơn, ở các thủ đô phương Tây khác. Mỹ có thể sẽ thúc đẩy các chính sách nhằm làm suy yếu sức mạnh địa kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt nếu Đảng Cộng hòa giành được Nhà Trắng vào năm 2024. Điều này có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn về tăng trưởng trong nước của Tập, nhưng ông cũng có thể viện dẫn các mối đe dọa của phương Tây để khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết của đảng xung quanh sự lãnh đạo của ông. Động lực này có thể trở thành một vòng luẩn quẩn, mang lại lợi ích chính trị ngắn hạn nhưng là nỗi đau địa chính trị dài hạn.
Những thách thức về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc càng gia tăng, Tập sẽ càng kìm kẹp đảng. Ông là người đứng sau việc loại bỏ tất cả đối thủ chính trị còn sót lại tại đại hội đảng lần thứ 20 và đã lấp đầy các chức vụ cấp cao bằng những người trung thành với mình. Tình huống này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng điều quan trọng đối với Tập không phải là giành được lá phiếu phổ thông mà là kiểm soát các công cụ chính của quyền lực chuyên chế, cụ thể là quân đội, cơ quan an ninh, bộ máy chống tham nhũng, bộ phận nhân sự và bộ máy tuyên truyền. Theo những thước đo này, khi được bao quanh bởi những người mà ông lựa chọn, sự thống trị của Tập đã trở nên vô cùng rõ rệt.
Tuy nhiên, khả năng lựa chọn nhân sự theo ý mình không nhất thiết có nghĩa là tất cả những người dưới quyền Tập Cận Bình đều hòa thuận với nhau. Bước phát triển quan trọng nhất trong giới tinh hoa chính trị Trung Quốc trong 5 năm tới có lẽ là sự xuất hiện của các cuộc cạnh tranh “phe phái” giữa các nhóm khác nhau cùng ủng hộ Tập. Ông đã tập hợp một đội ngũ lãnh đạo với đại diện từ các nhóm quan chức từng làm việc cho mình và đưa họ vào hàng ngũ lãnh đạo đảng. Sự sắp xếp này giúp Tập đảm bảo rằng không có ai trở nên quá mạnh, vì ông có thể khiến các đồng minh chống lại nhau, dù những chiến thuật kiểu này gây ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng hoạch định chính sách ổn định và có thể dự đoán được.
Tập là tác nhân quyết định trong các quyết định về nhân sự và chính sách, nhưng những người trong cuộc cho rằng một cuộc cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra đằng sau hậu trường, giữa các đồng minh thân cận của Tập, đặc biệt là những người có quan hệ với ông ở hai tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến. Đại diện cho ảnh hưởng của hai phe này là hai Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lý Cường và Thái Kỳ. Phó Thủ tướng Hà Lập Phong cũng là một nhân vật quyền lực lớn của phe Phúc Kiến. Cả hai phe được cho là đang cố gắng dàn xếp để các thành viên của họ nắm giữ các vị trí cấp thấp trong các tổ chức quan trọng, bao gồm Văn phòng Trung ương Đảng chuyên quản lý các hoạt động của đảng, Ban Tổ chức Trung ương chuyên giám sát nhân sự, và các cơ quan kinh tế như Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Tình trạng bè phái dưới thời Tập khác với các mô hình chính trị bè phái trước đây, vốn giúp giải thích những tranh chấp trong giới tinh hoa dưới thời những người tiền nhiệm của Tập. Các cuộc tranh luận nội bộ về khả năng lãnh đạo và tầm nhìn của người đứng đầu đảng sẽ gần như không tồn tại, trong khi những khác biệt nhỏ trong thực thi chính sách hoặc ưu tiên ý thức hệ có thể trở thành nền tảng và lớp vỏ ngụy trang cho cuộc chiến chính trị giữa các phe phái. Sự phân mảnh quyền lực chắc chắn sẽ tác động đến năng lực quản trị vốn đã yếu của Bắc Kinh và cản trở việc triển khai hiệu quả các chính sách của trung ương.
Tập Cận Bình có những nhiệm vụ khó khăn đang chờ phía trước trong nhiệm kỳ thứ ba của mình: cân bằng tăng trưởng với an ninh trong chính sách kinh tế, cân bằng tham vọng với kiềm chế trong chính sách đối ngoại, và cân bằng các phe phái cạnh tranh trong giới tinh hoa chính trị. Kết quả cơ bản của hành động cân bằng này là Trung Quốc sẽ chật vật tiếp tục xây dựng sức mạnh quốc gia, nhưng vẫn không đạt được tối đa tiềm năng kinh tế. Về lâu dài, tăng trưởng chậm, lãnh đạo bất ổn, và môi trường bên ngoài ngày càng thù địch, nếu không được thay đổi, sẽ dẫn đến sự trì trệ chứ không phải sự phục hưng dân tộc Trung Hoa.
T.P