Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThêm 'thuốc' cho bất động sản phục hồi

Thêm ‘thuốc’ cho bất động sản phục hồi

Các giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản thời gian qua bắt đầu có tác dụng. Nhưng cần thêm nhiều liều thuốc hiệu quả hơn nữa để giải quyết tình trạng nguồn cung mới eo hẹp, người dân vẫn ngại vay tiền mua nhà.

Hội nghị trực tuyến ngày 3.8 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì đã bàn các giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản, trong đó có việc rà soát cho vay để doanh nghiệp và người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.

DN mong được tháo gỡ triệt để vướng mắc

Chiều 3.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS). Đây là hội nghị lớn thứ 2 chỉ từ đầu năm (sau hội nghị tháng 2.2023) nhằm tìm giải pháp gỡ khó BĐS.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, nêu đã gửi nhiều kiến nghị đến Thủ tướng và Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục pháp lý cho dự án đến công đoạn cuối cùng, đặc biệt là giấy phép xây dựng. Doanh nghiệp (DN) này mong rằng các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến các tỉnh thành có giải pháp hỗ trợ đặt mục tiêu DN sớm được cấp phép xây dựng.

Cũng theo ông Trung, hiện chủ đầu tư chỉ được tiếp cận vốn vay ngân hàng (NH) khi đã hoàn tất thủ tục đất đai và thủ tục xây dựng dự án. Nhưng với quy trình thủ tục hiện nay sẽ rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay NH. Do vậy, NH Nhà nước (NHNN) trong ngắn hạn cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án. Hai vấn đề này rất quan trọng để giúp DN, NH, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thanh khoản, tạo ra công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân.

Ông Trung cũng cho rằng điều quan trọng nữa là hiện các dự án BĐS đang tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư. Đây là phương án tốt nhất cho đến hiện nay nên cần giữ lại. Về lâu dài, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nên tính tới giải pháp sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) như nhiều chuyên gia và Hiệp hội BĐS TP.HCM đã kiến nghị. Với phương pháp này, DN có thể tính toán được tiền sử dụng đất mình phải đóng trước khi quyết định đầu tư và hợp tác đầu tư. Nhà nước không khó khăn trong việc định giá đất khi áp dụng phương pháp hệ số K để đảm bảo nguồn thu ngân sách và hài hòa lợi ích: người dân – nhà nước – DN.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland Bùi Thành Nhơn thì kiến nghị đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho toàn bộ dự án trên cả nước trong thời gian ngắn nhất, thông suốt từ địa phương đến Chính phủ, Quốc hội. Bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân yên tâm phát triển, không hình sự hóa kinh tế trên cơ sở ban hành các văn bản pháp lý; không phân biệt DN tư nhân và DN nhà nước. Đồng thời, có chính sách khuyến khích hỗ trợ, đặc biệt cho các DN phải trực tiếp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở những vùng khó khăn, các DN áp dụng công nghệ cao, đô thị xanh giúp giảm phát thải, giúp phát triển địa phương tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân; góp phần vào an sinh xã hội.

Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường đánh giá cao Nghị định 10 và Nghị định 35 năm 2023 đã tháo gỡ được rất nhiều pháp lý liên quan các dự án condotel, biệt thự nghỉ dưỡng. Nghị định 35 cũng rút ngắn rất nhiều các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Liên quan lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng, ông Trường đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và mở rộng danh sách được miễn thị thực cho các thị trường như châu Âu, Ấn Độ. Bộ GTVT thúc đẩy, tăng cường cấp thêm các slot chuyến bay quốc tế để đưa khách thị trường trọng điểm về VN. Tiếp tục tăng cường phân cấp thẩm quyền hơn nữa hoặc kiến nghị Quốc hội phân cấp thẩm quyền đối với các lĩnh vực, thí điểm ở một số địa phương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng trong lĩnh vực xây dựng…

Phải xóa tâm lý sợ trách nhiệm

Thông tin về kết quả của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết tại TP.HCM, tổ công tác đã làm việc với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan khó khăn, vướng mắc của khoảng 180 dự án nhà ở, khu đô thị. Đến nay TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án, trong đó 28 dự án giải quyết theo hướng dẫn, đôn đốc của tổ công tác; 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Tại TP.Hà Nội, tổ công tác đã làm việc với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án, xác định vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng. Tổ đã hướng dẫn UBND TP.Hà Nội tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền. Đến nay TP.Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án, đang tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ cho 293 dự án.

Bộ Xây dựng đánh giá, hầu hết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng… Các địa phương đang tích cực giải quyết, song việc tháo gỡ vướng mắc còn nhiều khó khăn do quá trình thực hiện nhiều dự án kéo dài. Pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, nên các vướng mắc rất khó tháo gỡ.

Đáng chú ý, cán bộ, công chức còn tâm lý sợ sai, trách nhiệm nên đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, quyết định. Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cần quán triệt đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết; chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung cho rằng có 2 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan trình tự thủ tục đầu tư và quá trình thực hiện dự án. Về nhóm vấn đề pháp lý liên quan lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục chấp thuận điều chỉnh dự án đầu tư…, Bộ KH-ĐT đã sửa đổi trong luật Đấu thầu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới