Tuesday, November 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ hạn chế xuất khẩu UAV do sức ép từ phương Tây

TQ hạn chế xuất khẩu UAV do sức ép từ phương Tây

Lệnh hạn chế xuất khẩu máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc có thể do sức ép từ phương Tây trong bối cảnh cuộc chiến UAV Nga – Ukraine ngày càng nóng, các nhà phân tích quốc phòng nhận định.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 31/7 thông báo siết kiểm soát xuất khẩu đối với một số loại UAV và thiết bị liên quan đến UAV. Theo đó, các nhà xuất khẩu phải được chính phủ cấp phép khi xuất khẩu UAV. Biện pháp kiểm soát này cũng ảnh hưởng đến một số loại UAV tiêu dùng, và không loại UAV dân sự nào có thể được xuất khẩu cho mục đích quân sự.

“Việc mở rộng phạm vi kiểm soát UAV lần này là biện pháp quan trọng để thể hiện lập trường của chúng tôi với tư cách nước lớn có trách nhiệm, triển khai các sáng kiến an ninh toàn cầu và duy trì hòa bình thế giới”, một người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh.

Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất UAV hàng đầu thế giới và xuất khẩu sang một số thị trường, bao gồm Mỹ. Lệnh hạn chế mới chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh cả Nga và Ukraine đang có nhu cầu rất lớn với UAV trong cuộc xung đột hiện tại.

Các chuyên gia phân tích quốc phòng cho rằng, Bắc Kinh buộc phải đưa ra quyết định này do sức ép ngày càng tăng từ phương Tây rằng Trung Quốc cần thể hiện lập trường trung lập trong vấn đề Nga – Ukraine.

“Quyết định đó có thể coi là sự thỏa hiệp của Bắc Kinh nhằm tránh để mất thị trường quốc tế cũng như tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đặc biệt sau khi Mỹ nói rằng họ phát hiện UAV Trung Quốc được xuất khẩu vào Nga”, Antony Wong Tong, chuyên gia phân tích tại Macao, nhận định.

Chuyên gia này nói thêm: “Để bảo vệ lợi ích quốc gia, Trung Quốc cần đưa ra lập trường trung lập rõ ràng hơn trước sức ép ngày càng tăng từ phương Tây”.

Trung Quốc không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, song Bắc Kinh tuyên bố không cung cấp vũ khí cho Moscow. Trung Quốc cũng chỉ trích phương Tây “đổ thêm dầu vào lửa” khi chuyển vũ khí cho Kiev.

Hồi tháng 4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, một số công ty sản xuất UAV dân sự của nước này “tình nguyện ngừng hoạt động ở các vùng chiến sự”. Tuy nhiên, một báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ tuần trước cáo buộc Bắc Kinh giúp Moscow lách biện pháp trừng phạt và dường như đã cung cấp cho Nga công nghệ phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự.

Về Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Công nghệ và Khoa học Quân sự Yuan Wan, cho rằng các nhà sản xuất của Nga có khả năng cải biến các UAV cho mục đích quân sự bằng các linh kiện do Trung Quốc sản xuất thông qua bên thứ ba.

“Ví dụ, khoảng 80% UAV Lancet của Nga sử dụng linh kiện của Trung Quốc”, ông Zhou nói.

Tuy nhiên, theo ông, hiện nay các hãng UAV thương mại của Trung Quốc đang thực hiện những thay đổi đối với sản phẩm của mình để chúng không thể cải biến cho mục đích quân sự.

“Rất khó để dự đoán liệu Nga hay Ukraine có bị ảnh hưởng hay không, điều đó còn phụ thuộc vào số lượng UAV mà họ nhập khẩu qua bên thứ ba. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất bởi vì nước này chiếm hơn 70% thị phần trên thị trường UAV thế giới”, Fu Qianshao, một chuyên gia hàng không quân sự Trung Quốc, đánh giá.

Cuộc chiến UAV giữa Nga và Ukraine có xu hướng leo thang gần đây. Trong nửa đầu năm nay, Nga chi hơn 562 triệu USD để mua sắm UAV và các thiết bị có liên quan. Con số này ở phía Ukraine là 11,6 triệu USD. Nga và Ukraine được cho là cũng mua UAV từ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

RELATED ARTICLES

Tin mới