Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), nợ của Chính phủ Mỹ dự báo sẽ tăng từ 32.500 tỉ USD hiện nay lên 50.000 tỉ USD vào năm 2033.
Trên cơ sở dữ liệu về nợ của Chính phủ Mỹ, chiến lược gia Michael Hartnett của Ngân hàng Bank of America (BofA) đã tính toán con số nợ cụ thể là 5,2 tỉ USD/ngày trong thập kỷ tới.
Theo trang Market Insider, nếu chia số nợ này ra, cứ sáng thức dậy mỗi công dân Mỹ sẽ phải gánh khoản nợ 15 USD.
Tuần trước Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã hạ bậc tín dụng của Mỹ xuống còn AA+. Đây là lần thứ hai trong lịch sử nước Mỹ bị hạ bậc tín dụng. Lần gần đây nhất là vào năm 2011.
Việc hạ bậc tín dụng được Fitch đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ đạt giới hạn vay nợ 31.400 tỉ USD trong “giờ thứ 11” đối với việc tăng trần nợ. Điều này cũng là nguyên nhân gây nên “sự xói mòn trong khả năng quản trị” của Mỹ liên quan các lĩnh vực kinh tế hàng đầu trong 20 năm qua.
Theo báo cáo của CBO, nếu các luật hiện hành không thay đổi, nợ công sẽ tăng từ 98% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ (GDP) lên 181% vào năm 2053.
Mỹ dự kiến sẽ phải vay thêm 1.000 tỉ USD chỉ trong quý 3-2023. Theo các quy định hiện hành, lỗ hổng tài khóa này không có khả năng thu hẹp trong dài hạn.
CBO dự đoán khoảng cách giữa chi tiêu và doanh thu nói chung sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới và sẽ đạt 10% GDP vào năm 2053.
“Nợ cao và tổng dư nợ ngày càng tăng như vậy sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế, gây rủi ro đáng kể cho triển vọng tài chính và kinh tế”, CBO cho biết trong một tuyên bố.
T.P