Sự tiến bộ của công nghiệp quốc phòng nội địa đang cho phép Quân đội Việt Nam thúc đẩy việc trẻ hóa toàn bộ đội hình xe tăng thiết giáp có trong biên chế. Như vậy, sau khi đã bắt tay vào việc cải tiến dòng xe tăng T-54/55 và các phiên bản của chúng mới đây theo thông báo gần như chính thức của Quân đội Việt Nam, Việt Nam đã bắt tay vào việc cải tiến dòng xe tăng thứ hai, đây được coi là mẫu xe tăng chủ lực của các đơn vị hoạt động ở địa bàn sông nước cũng như lực lượng hải quân đánh bộ, đó chính là xe tăng MPT-76.
Thông tin này được chia sẻ trong bài viết về xưởng X1 thuộc Cục Kỹ thuật Binh chủng Tổng cục Kỹ thuật đăng tải trên tạp chí Kỹ thuật và trang bị số ra tháng 4/2023. Trong giai đoạn hiện nay Quân đội Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình dự án cải tiến hiện đại hóa trang bị kỹ thuật nói chung và ngành tăng thiết giáp nói riêng. Như dự án cải tiến xe tăng T-54B dự án đầu tư cải tiến nâng cấp hệ thống kính quan sát ngắm bắn đêm trên xe tăng T-54B, T-54M/T-55 và đang xây dựng phương án cấu hình cải tiến xe tăng PT-76.
Chương trình nâng cấp 300 xe tăng PT-76? đã được xác nhận chính thức. Vậy chương trình cải tiến sẽ làm gì cho PT-76 sẽ bao gồm những gì? Tính năng ra sao? Việt Nam làm từ A đến Z hay nước ngoài sẽ hỗ trợ?
Chúng tôi sẽ tổng kết lại một số thứ mà Việt Nam sẽ làm căn cứ vào kinh nghiệm hiện có về quá trình cải tiến xe tăng T-54/55. Mặc dù về phân loại, PT-76 là xe tăng hạng nhẹ, xe tăng bơi trong khi T-54/55 là xe tăng chiến đấu chủ lực với cấp độ bảo vệ tốt hơn, hỏa lực mạnh hơn nhưng nhìn chung lại vai trò của chúng vẫn là tấn công thọc sâu, chống tăng và trợ chiến bộ binh. Do đó, dù muốn dù không phương án nâng cấp của chúng sẽ giống nhau vẫn tập trung vào giáp bảo vệ, hỏa lực và khả năng cơ động. Với những thành tựu hiện nay chúng tôi tự tin cho rằng các hạng mục nâng cấp PT-76 sẽ tập trung vào ba hướng như sau:
Thứ nhất: về cấp độ bảo vệ
Là xe tăng hạng nhẹ được tối ưu cho khả năng bơi lội như canô trên sông, trên biển lẽ dĩ nhiên vỏ giáp PT-76 rất mỏng. Theo thiết kế nguyên bản PT-76 chỉ nặng 14,6 tấn với giáp mặt trước thân xe dày 14mm, mặt trước tháp pháo là 25mm đó cũng là vị trí bọc giáp dày nhất, với lớp giáp này PT-76 có thể kháng được đạn súng máy cỡ nòng 7.62mm trong khi không thể kháng được đạn thiết giáp 12.7mm tất nhiên vẫn có ngoại lệ nhưng còn tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể.
Trong trận đánh Làng Vây năm 1968, vỏ giáp nghiêng của PT-76 đã khiến hơn 100 quả đạn súng chống tăng M72 Law bất lực, mặc dù về mặt lý thuyết đạn M72 xuyên được 200mm thép đồng nhất nhưng không phải lúc nào vỏ giáp của PT-76 cũng thần kỳ như vậy công nghệ vũ khí của chúng ta bao gồm cả súng và tên lửa đều đã vượt xa thời điểm năm 1968.
Việc tăng cường lớp giáp PT-76 có thể nói là không khó một giải pháp thường thấy khi hiện đại hóa xe tăng chuẩn Liên Xô đó là việc trang bị giáp phản ứng nổ, cũng như giáp lồng để chống đạn xuyên nổ lõm mặc dù các khối giáp phản ứng nổ thông thường có thể gây ra tác dụng tiêu cực đối với giáp mỏng của xe bọc thép, xe tăng nhưng hiện nay đã có giải pháp cho vấn đề này; ví dụ như giáp phản ứng nổ Kaktus của Nga trang bị cho xe chiến đấu bộ binh BMP-3 có thiết kế tạo ra động năng tối thiểu đối với giáp chính của xe khi phát nổ đảm bảo kíp chiến đấu không bị tổn hại bởi sóng xung kích khi khối giáp ERA kích nổ tạo phản lực đẩy độ xuyên hoặc làm chệch độ xuyên của đạn chống tăng. Tất nhiên đó là Nga còn Việt Nam thì không biết được công nghệ giáp ERA của Việt Nam đang ở đâu rồi vì từ 10 năm trước đã có tin Việt Nam làm chủ công nghệ giáp ERA còn giờ thì không rõ Việt Nam đã tiến bộ tới mức nào. Dù vậy, việc trang bị giáp phản ứng nổ sẽ khiến tổng trọng lượng xe nặng thêm vài tấn tùy theo số lượng gạch ERA được tăng cường điều này đặt ra một vấn đề về khả năng cơ động, nhất là đối với lực lượng tăng thiết giáp của hải quân đánh bộ, có đánh giá được hết về việc sau khi đeo thêm vài tấn giáp liệu xe có đủ sức nổi trên mặt sông mặt biển hay không?
Cái này thì liên quan tới việc phải thử nghiệm sẽ cần thời gian để xác minh, dĩ nhiên có hai giải pháp cho vấn đề này:
Một là, Chúng ta phải chấp nhận việc không thay đổi về giáp đổi lấy khả năng cơ động, cũng đừng quá buồn vì hầu hết các xe tăng bơi hiện nay kể cả loại sản xuất mới đều phải chấp nhận vỏ giáp mỏng; ví dụ như xe tăng bơi ZTD-05 của thủy quân lục chiến Trung Quốc sản xuất từ đầu thập niên 2000 phải chấp nhận vỏ giáp hợp kim nhôm mỏng dính được vắt nghiêng để đổi lại khả năng bơi với tốc độ 30 km/h. Theo một số nguồn tin, cấp độ bảo vệ toàn thân của ZTD-05 là kháng được đạn xuyên 12.7mm trong khi mặt trước tháp pháo có thể kháng được đạn xuyên 25mm bắn từ khoảng cách từ 1.000m.
Hai là, Chúng ta có thể linh hoạt phương án hàn sẵn các điểm đính kèm giáp bổ sung ở mặt trước thân xe và tháp pháo đối với tùy từng nhiệm vụ; ví dụ tác chiến trên bộ ta có thể cái tiến nhanh lắp gạch ERA để tăng cấp độ bảo vệ, khi lội nước thì gỡ bỏ ERA cho nhẹ nhưng kể cũng bất tiện gắn mấy viên gạch ERA làm trong điều kiện dã chiến phải tính đến yếu tố khu vực sửa chữa an toàn thời gian nhanh nhất cũng phải mất một ngày. Tuy nhiên, phương án này đúng là đã có bên áp dụng đó là quân đội Trung Quốc với xe tăng Type63 của họ, mẫu xe tăng này cũng được viện trợ cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trong quá trình cải tiến xe tăng Type63 hồi thập niên 80, 90 họ từng có phương án hàn sẵn các điểm gá giáp phản ứng nổ để khi cần sẽ trang bị nhanh.
Cùng với cấp độ bảo vệ một vấn đề quan trọng khi nâng cấp xe tăng cũ, đó là việc đảm bảo hỏa lực, cũng như câu chuyện về T-54/55, hầu như các giải pháp nâng cấp hiện nay trên thế giới đã được áp dụng tương đối rộng rãi với PT-76 đều là thay mới hỏa lực. Với những gì đã diễn ra với T-54/55 chúng tôi tin rằng nhiều khả năng Việt Nam sẽ giữ nguyên vũ khí hiện tại đó pháo rãnh xoắn D-56T cỡ 76.2mm. Việc giữ nguyên liên quan tới kho đạn pháo số lượng lớn có từ nhiều năm trước. Thực ra tính năng của pháo D-56T vẫn đảm bảo tiêu diệt các xe tăng hạng nhẹ, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân, các công sự kiên cố, hỏa điểm. Với đạn xuyên vượt tốc BM-354P, PT-76 đạt tầm bắn hiệu quả 650m vào ban ngày và 600m vào ban đêm xuyên 127mm thép, nếu chống mục tiêu ở cự ly 1000m sức xuyên giảm xuống còn 50mm. Đạn nổ lõm chống tăng BK-350M tầm bắn cũng tương tự sức xuyên đạt 280mm ở cự ly 1000m với góc chạm thẳng. Pháo D-56T đạt tầm bắn xa nhất 4000m với đạn nổ pháo mảnh OF-350 mặc dù việc nạp đạn hoàn toàn bằng tay với kíp lái chỉ có 3 người nhưng tốc độ bắn có thể đạt tới 6 đến 8 phát/phút, nhờ trọng lượng đạn 76.2mm khá nhẹ.
Tuy là mẫu xe tăng thế hệ cũ nhưng hệ thống ổn định tầm hướng cho phép thế hệ PT-76B có thể bắn trong khi hành tiến tương đối chính xác, các cuộc diễn tập gần đây cho thấy PT-76B có thể vừa bơi, vừa bắn trong quá trình đổ bộ, tuy không dám chắc chắn nhưng như những gì đã diễn ra với gói nâng cấp T-54/55, Việt Nam có thể sẽ giữ nguyên pháo 76.2mm và chỉ tập trung vào việc cải tiến hệ thống điều khiển hỏa lực với máy tính đường đạn, tổ hợp kính ngắm hồng ngoại cải thiện khả năng trinh sát ngày đêm việc này hoàn toàn có thể thực hiện trong nước với thành tựu công nghệ kính ngắm khí tài ảnh nhiệt nội địa, lazer đo xạ.
Một ý tưởng nữa, chúng tôi có nhận được đóng góp ý kiến về việc thay pháo 76.2mm bằng kiểu pháo mới có tầm bắn tốt hơn, hiệu quả sát thương cao hơn:
Một là, thay pháo 76.2mm bằng pháo phòng không 57mm S-60 cải tiến đây là phương án từng được Nga tiến hành hồi thập niên 2000 đáng chú ý theo một số nguồn tin không chính thức chương trình này có sự liên quan tới Việt Nam khi đó bắt đầu nghiên cứu hiện đại hóa xe tăng. So với pháo 76mm pháo 57mm cỡ nòng nhỏ hơn nhưng hiệu quả xuyên giáp không hề thua kém trong khi tốc độ bắn cao hơn có thể phòng không ước tính đạp xuyên giáp của pháo 57mm cải tiến có thể bắn thủng được 100mm thép cách 1.120m. Tất nhiên việc này đòi hỏi cải tiến tổng thể xe tăng bao gồm việc sửa chữa hoặc thay toàn bộ cụm tháp pháo nâng cấp toàn bộ động cơ và hệ thống truyền động.
Hai là, có thể thay pháo D-56T bằng pháo chống tăng MT-12 cỡ nòng 100mm đây là kiểu pháo chống tăng kéo xe đầu tiên của Liên Xô sử dụng nòng trơn, có thể bắn đạn xuyên động năng APFSDS được trang bị từ đầu thập niên 60 ở Liên Xô, với cỡ nòng tương đương với pháo 100mm D-10T của T-54 uy lực của T-12 là khỏi phải bàn cãi, nếu trang bị đạn xuyên động năng 3BM2 với thanh xuyên tungsten nó có thể xuyên 230mm cách 500m và 180mm cách 2000m tầm bắn xa nhất là 3000m. Không những vậy, khẩu pháo kéo xe này có thể bắn tên lửa chống tăng dẫn đường lazer 9K-117 với tầm bắn từ 100m tới 5.000m xuyên tới 600mm, chúng ta không phải mua khẩu pháo này bởi trong kho trang bị của Pháo binh Việt Nam có sẵn T12 từ bao giờ thì không ai biết. Tất nhiên với một khẩu pháo cỡ nòng lớn sẽ làm mọi việc phức tạp hơn đó là phải chế tạo tháp pháo mới với hệ thống điều khiển hỏa lực mới, một thách thức không hề nhỏ.
Ba là, thay pháo 76mm bằng pháo 85mm D-44 nòng dài theo phương án thiết kế tháp pháo xe tăng bơi K63/85, một mẫu xe tăng bơi Trung Quốc sản xuất viện trợ từ thập niên 60 về cơ bản loại này khá giống xe tăng PT-76 về thiết kế thân xe nhưng thay đổi tháp pháo và hệ thống động cơ, khả năng lội nước loại này trang bị tới pháo 85mm K6285TC có uy lực cao hơn, tầm bắn tốt hơn so với pháo D-56T. Việt Nam có thể học hỏi thiết kế bố cục tháp pháo của xe tăng K63 để cải tiến cho PT-76 với hỏa lực mạnh hơn, pháo 85mm D-44 với đạn xuyên BR-365P có thể xuyên 100mm thép cách 1.000m với góc chạm 9 độ. Đáng chú ý, tầm bắn gián tiếp của pháo 85mm lên tới 15.65 km với đạn nổ nổ mạnh chống bộ binh, một con số không tệ khi cần làm nhiệm vụ số 2 của một khẩu pháo tự hành, chỉ có điều cả 3 cách này đều phải sửa đổi khá nhiều ở phần tháp pháo của PT-76.
Chúng tôi vẫn tin rằng Việt Nam sẽ chỉ sửa đổi ở hệ thống điều khiển hỏa lực để đơn giản hóa quá trình cải tiến. Dù vậy việc có hay không việc nâng giáp bảo vệ nhưng việc sửa đổi bổ sung thêm trang bị mới đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh tăng công suất hoặc thay mới động cơ cùng bộ phận chuyển động cho PT-76.
Nguyên bản xe được trang bị động cơ Diesel 240 mã lực, tốc độ trên đường bằng là 44 km/h, trên sông nước là 10.2 km/h với động cơ đẩy phản lực nước. Theo nhà sản xuất PT-76 sử dụng hộp số cơ khí 5 cấp tương tự như T-34/85 với 4 số tiến một số lùi cơ cấu lái dĩ nhiên đúng với truyền thống Liên Xô cho tới nay vẫn là cần lái như máy ủi, nếu việc tăng cường giáp bảo vệ cũng như bổ sung thêm các khí tài điều khiển hỏa lực diễn ra Việt Nam bắt buộc phải nâng công suất động cơ hoặc thay mới động cơ, việc thay mới động cơ không phải quá khó có khá nhiều phương án hiện nay. Ví dụ như phương án cải tiến PT-76M của Belarus thay mới động cơ V-6B làm mát bằng nước bằng động cơ 4 thì 6 xilanh UTD-20S1 công suất 300 mã lực phun nhiên liệu trực tiếp làm mát bằng chất lỏng hoặc phương án PT-2000 của Israel làm cho Indonesia năm 1999 trang bị động cơ Diesel của Mỹ Detroit 6V-92T công suất 320 mã lực, phương án PT-76M với tháp pháo LCTS90 của Ukraine hỗ trợ Indonesia vào giữa năm 2020 thay mới động cơ diezel Cumin PT-400 công suất 400 mã lực cùng hộp số Allison công nghệ mới. Trong trường hợp không bổ sung thêm giáp chỉ bổ sung khí tài điều khiển hỏa lực trọng lượng xe tăng không tăng lên quá lớn. Có thể họ chỉ điều chỉnh tăng công suất trang bị hệ thống trợ lực tay lái để đảm bảo vận hành xe nhẹ nhàng và êm ái hơn là đủ.
Thứ hai: về khả năng lội nước
Thiết kế khung thân hệ thống đẩy phản lực nước của PT-76 đang là quá tối ưu nó có thể bơi với tốc độ 10.2 km/h, cự ly bơi tối đa 100km, có thể bơi biển tốt xem như không cần sửa đổi gì thêm. Nhưng riêng việc trang bị thêm giáp sẽ là một vấn đề phải cân nhắc đối với PT-76 khi hoạt động trên sông hồ cũng như nền đất yếu.
Ngoài các hạng mục chính, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ có sửa đổi ở hệ thống liên lạc và nhất là hệ thống bảo vệ kíp chiến đấu trong môi trường xạ sinh hóa NBC. Nói chung chúng tôi còn đang thấy rằng việc cải tiến PT-76 khiến người ta đắn đo bởi vì là một xe tăng hạng nhẹ chúng được đề cao yếu tố cơ động nhất là khả năng bơi. Do đó bắt buộc phải hy sinh một trong hai thứ nâng cấp độ bảo vệ sẽ hạn chế khả năng bơi và ngược lại.
Mặc dù hạng mục cải tiến vẫn đang nghiên cứu và chưa công khai bất cứ điều gì nhưng chúng tôi tin rằng cấu hình một chiếc xe tăng PT-76 nâng cấp có lẽ hướng tới vấn đề giá thành, thời gian và yêu cầu của một chiếc xe tăng bơi trong quân đội Việt Nam.
T.P