Thảm họa cháy rừng ở Maui, Hawaii làm ít nhất 93 người người thiệt mạng, khiến nó trở thành vụ cháy rừng kinh hoàng nhất tại Mỹ trong hơn một thế kỷ qua.
Đám cháy rừng bắt đầu từ hôm 8/8 đã thiêu rụi hơn 2.000 căn nhà tại Lahaina, thị trấn nghỉ dưỡng trên đảo Maui thuộc Hawaii của Mỹ. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn 6 vụ cháy đang tiếp diễn. Giới chức địa phương cho biết đám cháy ở Lahaina được khống chế 85%, tuy nhiên, nhiều địa danh lịch sử của thị trấn đã biến mất.
Nguyên nhân cháy rừng ở Hawaii vẫn chưa được xác định. Thống đốc Hawaii Josh Green ngày 13/8 đã gọi một phần của đảo Maui bị cháy rừng tàn phá là “vùng chiến sự”.
Vụ cháy rừng kinh hoàng nhất trong lịch sử Mỹ
Theo Hiệp hội Phòng cháy Chữa cháy Quốc gia Mỹ (NFPA), vụ cháy rừng Peshtigo ở Wisconsin bắt đầu vào ngày 8/10/1971 đã khiến 1.152 người thiệt mạng.
Vào thời điểm đó, Peshtigo là nơi sinh sống lâu dài của khoảng 2.000 người, dân số ở đây chủ yếu là những người nhập cư đang tìm việc làm trong các ngành công nghiệp khai thác gỗm sản xuất và đường sắt.
Thị trấn này được bao quanh bởi rừng thông, tất cả các cấu trúc nơi đây đều được làm bằng gỗ, bao gồm cả vỉa hè. Mùn cưa từ các nhà máy chế biến gỗ trong khu vực phủ kín mọi thứ.
Theo Hiệp hội Lịch sử Peshtigo, ngày 8/10/1871, sau một mùa đông, mùa xuân và mùa hè khô hạn, Peshtigo đã phải hứng chịu thảm họa khủng khiếp khi một hệ thống áp thấp tạo ra một cơn gió mạnh và biến đám cháy bụi cây khô gần đó thành một đám cháy lớn mà những người sống sót mô tả là như một bức tường lưởng thiêu rụi thị trấn trong vòng vài phút.
Trận cháy rừng Cloquet và Hinckley
Theo Thư viện Quốc hội, vụ cháy rừng ở Maui là vụ cháy rừng nguy hiểm nhất kể từ Vụ cháy Cloquet vào tháng 10/1918, khi các tia lửa đường sắt gây ra một đám cháy dữ dội kéo dài hơn 4 ngày, tàn phá miền Bắc Minnesota.
Theo NFPA, số người chết do Đám cháy Cloquet/Moose Lake là 453 người.
Theo trang web của chính quyền Hinckley, vào năm 1894, một cơn gió nhẹ nổi lên đã biến một số đám cháy nhỏ, rải rác gần một cụm cộng đồng khai thác gỗ thành một bức tường lửa thiêu rụi Hinckley, Mission Creek, Sandstone, Miller, Partridge và Pokegama.
Ngọn lửa đã đốt cháy hơn 1.000km2 và khiến 418 người thiệt mạng. Điều kiện thời tiết khi xảy ra đám cháy Hinckley cũng tương tự như vụ cháy Peshtigo 23 năm trước đó.
Nguyên nhân của các đám cháy rừng khủng khiếp ở Mỹ
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), gần một nửa diện tích đất ở Mỹ là rừng, cây bụi và đồng cỏ. Hiện tại có gần 45 triệu ngôi nhà ở Mỹ nằm gần hoặc liền kề với các khu vực như vậy.
Trung tâm cứu hỏa liên ngành quốc gia ước tính có 71,8 triệu tài sản ở Mỹ “chịu rủi ro cháy rừng ở một mức độ nào đó”.
Kể từ năm 2018, cháy rừng ở Mỹ đã phá hủy gần 63.000 công trình, phần lớn trong số đó là nhà cửa.
Nguyên nhân của một số vụ cháy rừng, kể cả vụ gần đây nhất ở Hawaii, vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khô hạn và nhiều gió xuất hiện ở cả đám cháy Maui năm nay và Đám cháy California Camp năm 2018, cũng như đám cháy Peshtigo ở Wisconsin và Hinckley ở Minnesota.
Biến đổi khí hậu làm gia tăng trạng thái nóng và khô khiến các đám cháy lan nhanh hơn, cháy lâu hơn và dữ dội hơn. Thời tiết nóng hơn cũng hút ẩm từ thảm thực vật, biến nó thành nguyên liệu khô khiến các đám cháy lan rộng.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu không phải là yếu tố duy nhất gây ra cháy rừng. Việc quản lý rừng và các nguồn gây cháy cũng đóng vai trò quan trọng.
Theo EPA, những năm có diện tích bị cháy rừng lớn nhất đều xảy ra từ năm 2004 và trùng với những năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn quốc. Mùa cháy rừng cao điểm cũng diễn ra sớm hơn so với những năm trước đây.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), năm 2022, có 66.255 vụ cháy rừng được ghi nhận ở Mỹ, cao gấp 3,6 lần so với 18.229 vụ vào năm 1983 – thời điểm bắt đầu lưu trữ hồ sơ về các vụ cháy rừng.
“Biến đổi khí hậu, bao gồm nhiệt độ tăng, hạn hán kéo dài và bầu không khô hạn và độ ẩm thấp, là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ và mức độ cháy rừng ở miền Tây của Mỹ trong 2 thập kỷ qua”, NOAA cho biết.
T.P