Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Phép thử” Cỏ Mây

“Phép thử” Cỏ Mây

Gọi theo tiếng Việt là Cỏ Mây; theo tiếng Philippines là Ayungin. Những ngày này, căng thẳng liên tục gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines tai khu vực bãi cạn này.

Xác tàu đổ bộ BRP Sierra Madre của Philippines tại bãi Cỏ Mây, được sử dụng như một tiền đồn có bố trí binh sĩ

Bãi cạn Cỏ Mây là khu vực tranh chấp giữa 4 bên: Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan. Hiện tại, bãi cạn này do Philippines kiểm soát. Chính thế, 4 bên liên quan, nhưng trong thực tế, căng thẳng diễn ra chủ yếu giữa Philippines và Trung Quốc. Căng thẳng gia tăng trong những ngày gần đây gắn với việc Manila tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc “xịt vòi rồng” vào các tàu của Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho một nhóm nhỏ binh sĩ đồn trú trên chiếc tàu cũ có tên là BRP Sierra Madre, vốn được quân đội Philippines cho lao lên bãi Cỏ Mây vào năm 1999 để khẳng định chủ quyền quốc gia…

Liên quan bãi cạn Cỏ Mây này, chuyện Manila tố Bắc Kinh chơi trò ngang ngược, kể lại đầy đủ, là hơi bị…khó. Khó vì nó từng diễn ra từ lâu và nhiều lần. Từ trước nữa, và ngay cả thời quan hệ Manila với Bắc Kinh còn mặn trong nửa đầu nhiệm kỳ của tổng thống Duterte, hai bên vẫn thi thoảng cãi vã nhau inh ỏi, cũng chỉ vì chuyện Philippines tiếp tế cho nhóm binh sĩ đồn trú nơi này.

Như hồi trung tuần tháng 5/2018 chẳng hạn, biên đội gồm tàu hải cảnh, tàu hải quân của Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản và đe dọa tàu BRP Benguet của hải quân Philippines đang tiếp tế. Căng thẳng tới mức, theo như tố cáo và mô tả giận dữ của nghị sĩ Gary Alejano, đại diện của đảng Magdalo: “Khi tàu Philippines thả xuồng cao su chuyển đồ tiếp tế cho tàu Sierra Madre, một trực thăng của hải quân Trung Quốc đã bay lơ lửng ở khoảng cách gần và nguy hiểm. Chiếc trực thăng bay gần đến mức nước biển tràn cả vào xuồng”.

Giận dữ của vị chính khách Manila này đã kích thích thêm vào tâm lý “bài Hoa” của người dân Philippines thời đó. Thậm chí, câu chuyện có chiều hướng “quốc tế hóa” khi Mỹ “nhúng” mũi vào. “Nhúng” bằng cách từ xa, Washington to tiếng tố cáo Trung Quốc thực hiện các hành “khiêu khích” ông bạn đồng mình của mình ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, tiếng nói của một cường quốc như Mỹ cũng chẳng hề ngăn nổi “chuyện thường ngày” ở Biển Đông: mỗi lần Philippines mang đồ tiếp tế nuôi quân, Trung Quốc lại tìm cách khó dễ…

Vượt hơn các lần trước, lần này, vẻ như Trung Quốc không muốn câu chuyện dây dưa, mà muốn xử lý kiểu dứt điểm như đã làm với bãi cạn Scaborough hồi năm 2012. Chính thế, chẳng cần phải đôi co nhiều với những cái đầu nóng của Manila, Bắc Kinh đưa ra cảnh báo bằng cách nhắc lại rằng: Philippines đã “nhiều lần” cam kết sẽ kéo “đống rỉ sắt” là tàu BRP Sierra Madre ra khỏi bãi cạn Cỏ Mây; rằng: Trung Quốc đã “nhiều lần” liên lạc với Manila về vấn đề ở bãi Cỏ Mây thông qua các kênh ngoại giao, nhưng thiện chí và sự chân thành của họ đã bị “phớt lờ”…Thậm chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cáo buộc động thái của Philippines là “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc” và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)…

Có vẻ thói ngạo mạn, trịch thượng qua những tuyên bố của Bắc Kinh đã khiến ông Ferdinand Marcos Jr – tổng thống Philippines nổi nóng. Ông càng phẫn nộ hơn khi có người kích vào: Bắc Kinh đang lên mặt dạy Manila bài học đạo đức về lòng trung thực, về chữ tín liên quan đến việc nói và làm…

Trong cơn giận, hẳn ông Marcos không thể không hậm hực nhớ lại Philippines đã mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough như thế nào vào năm 2012? Mất vì quá tin vào lời hứa đường mật: cả hai bên cùng rút tàu trong thời điểm tranh chấp bãi cạn đang căng như dây đàn, để rồi sau đó, khi tàu Philippines rút đi, thì Trung Quốc cho tàu ở lại.

Ông Marcos cũng không thể quên vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines tại khu vực bãi Cỏ Rong tháng 6 năm 2019. Thiếu chút nữa, nếu không được tàu Việt Nam cứu, hàng chục ngư dân Philippines đã thành…mồi cho cá! Sự việc xảy ra, chưa ai thể hình dung cơn giận dữ của người Philippines sẽ dâng thành cao trào như thế nào.

Ông Marcos cũng đâu dễ quên đầu năm 2021, hơn 200 tàu cá Trung Quốc đã lỳ lợm làm cái gọi là “trú bão” tại khu vực bãi đá Ba Đầu (nằm ở phía cực đông cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, đang là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, hiện do Philippines kiểm soát)…

Hàng loạt vụ việc như tích tụ, làm cục tức của ông Marcos to thêm, nuốt không nổi, khiến người đàn ông này như khùng lên. Khùng tới mức, ngay sau những phát ngôn ngạo mạn của Bắc Kinh đòi Philippines kéo chiếc BRP Sierra Madre ra khỏi bãi cạn Cỏ Mây, đồng nghĩa với thừa nhận chủ quyền và “trả” bãi cạn này cho Trung Quốc, ngày 9/8, ông đã giận dữ tuyên bố qua một video: “Tôi không biết về bất kỳ sắp xếp hoặc thỏa thuận nào mà Philippines sẽ đưa tàu của họ ra khỏi lãnh thổ của mình, trong trường hợp này là tàu BRP Sierra Madre khỏi Bãi cạn Cỏ Mây”; đồng thời, đe rằng: “Và hãy để tôi đi xa hơn, nếu có tồn tại một thỏa thuận như vậy, tôi hủy bỏ thỏa thuận đó ngay bây giờ”.

Chưa từng thấy đấy, một sự tức giận đến mức đó trong nhiệm kỳ của ông Duterte và hơn năm qua trong nhiệm kỳ của ông Marcos. Sự giận dữ đó cho thấy, người kế nhiệm ông Duterte, thời còn vận động tranh cử chiếc ghế tổng thống quyền lực từng khiến Bắc Kinh mừng rơn với lời hứa sẽ “thân thiện” với Bắc Kinh trong chủ trương, đường lối đối ngoại, hóa ra “chẳng phải dạng vừa đâu” sau khi giành thắng lợi.

Suy cho cùng, “hiền” với Bắc Kinh đến như ông Duterte mà về sau còn nổi nóng với Trung Quốc nữa là, huống hồ gì ông Ferdinand Marcos Jr, trong trường hợp bị đặt vào tình thế câu chuyện Cỏ Mây đang có chiều hướng bị Trung Quốc đẩy thành “phép thử” cho tinh thần quả cảm của Manila vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới