Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển ĐôngBảy đảo ở Trường Sa bị Malaysia chiếm đóng trái phép

Bảy đảo ở Trường Sa bị Malaysia chiếm đóng trái phép

Nhìn lại quá trình tranh chấp chủ quyền Biển Đông nói chung trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nói riêng, có thể nói Malaysia lộ ý định nhảy vào cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa muộn hơn so với các quốc gia khác. Dù vậy, nước này vẫn đưa ra những tuyên bố phi pháp và hiện đang chiếm đóng cũng như xây dựng trái phép trên 7 thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Từ ngày 03/02/1971, Đại sứ quán Malaysia tại Sài Gòn đã gửi một công hàm cho chính quyền Sài Gòn nói một cách dè dặt rằng họ có chủ quyền đối với vùng phía Nam của quần đảo Trường Sa. Nơi mà họ gọi là Cộng hòa Morac-Songhrati-Meads nằm trong Liên bang Malaysia. Tới ngày 20/4/1971, chính quyền Sài Gòn đã gửi công hàm bác bỏ quan điểm, khẳng định quần đảo Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, Malaysia lại im lặng không tỏ thái độ gì.

Dành cho những bạn chưa biết, thì nước Cộng hòa Morac-Songhrati-Meads là một vi quốc gia do Đại tá Hải quân người Anh là James George Meads lập ra vào thập niên 1870 tại khu vực quần đảo Trường Sa, bất chấp các tuyên bố chủ quyền trước đó của Việt Nam.

Tháng 10/1977, trong chuyến đi thăm Malaysia, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đồng ý với Thủ tướng Malaysia là Hussein Onn rằng hai bên sẽ giải quyết mọi tranh chấp và bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên vào ngày 21/12/1979, Malaysia đã cho xuất bản một bản đồ vẽ ranh giới lãnh hải của Malaysia lấn vào vùng biển phía Nam của quần đảo Trường Sa.

Tới ngày 29/4/1980, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Malaysia để phản đối việc làm này. Ngày 08/05/1980, nhân chuyến thăm và hội đàm với Malaysia, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã khẳng định những thực thể ở quần đảo Trường Sa đều thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bất chấp những thỏa thuận trước đó vào năm 1982, Malaysia đã cho người ra dựng cột mốc và cột cờ trên Đá Hoa Lau mà họ gọi là Terumbu Layang-Layang. Tháng 6/1982, khiến đích thân Tổng tham mưu trưởng Quân đội Malaysia là tướng Ta Sri Mohamed Chazali, tổ chức một cuộc hành quân chiếm đóng Hoa Lau nhằm giành chủ quyền trên một vùng biển rộng 152 hải lý vuông tính từ thực thể này về vùng biển Malaysia và có chỗ đứng để tranh chấp một phần của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Malaysia đã cho công binh đào một con kênh đi qua bãi san hô để cho tàu thuyền vào trong đảo chú đậu an toàn, đồng thời xây dựng một điểm tựa vững chắc cho các hành động lấn chiếm tiếp theo. Sau đó, Malaysia đã chính thức tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với Đá Hoa Lau của quần đảo Trường Sa. Tuyên bố này nói rằng Đá Hoa Lau từ lâu đã là một sản phần của Malaysia.

Năm 1984, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối việc Malaysia chiếm đóng trái phép Đá Hoa Lau trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tháng 12/1986, Malaysia lại tổ chức một cuộc hành quân ra chiếm đóng trái phép Đá Kỳ Vân và Bãi Kiệu Ngựa mà họ gọi là Terumbu Mantanani và Terumbu Ubi ở phía Bắc Đá Hoa Lau. Việt Nam đã phản đối hành động này của Malaysia. Nhưng sau đó quốc gia này vẫn tiếp tục chiếm đóng trái phép lần lượt hai đá là Đá Sác Lốt và Đá Suối Cát. Đến tháng 6/1999, Malaysia tiếp tục mở rộng chiếm đóng trái phép Đá Én Ca và Bãi Thám Hiểm, nâng tổng số thực thể ở quần đảo Trường Sa bị quốc gia này chiếm đóng lên đến 7 thực thể. Toàn bộ đều nằm ở phía Nam quần Đảo Trường Sa, tất cả những thực thể này đều là những rạn san hô. Sau khi chiếm đóng trái phép 7 thực thể từ đó đến nay, Malaysia đều dựa vào luận điểm của nước này đưa ra rằng quần đảo Trường Sa có vị trí địa lý gần về lãnh thổ của nước này để hợp pháp hóa chủ quyền các thực thể trên.

Theo đó Malaysia cho rằng; quần đảo Trường Sa nằm trên thềm lục địa của Malaysia. Vì vậy, nước này đòi hỏi đặc quyền đối với khu vực phía Nam của quần đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Malaysia như là Mahathir Mohamad, Abu Dala Mauy, Naghip Tuna Zhap, các vị bộ trưởng nội các, các tư lệnh hải quân đều đã từng có những chuyến ra thăm những thực thể này tại quần đảo Trường Sa. Mục đích của những chuyến thăm của các quan chức Malaysia đều giống nhau. Đó là một tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng Malaysia có chủ quyền và có quyết tâm bảo vệ những lãnh thổ này.

Tổng quan 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa bị Malaysia chiếm đóng trái phép

1. Đá Hoa Lau

Trong số các thực thể mà Malaysia chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa, Đá Hoa Lau là thực thể được quốc gia này chú trọng đầu tư và xây dựng nhiều nhất so với các thực thể còn lại.

Đá Hoa Lau là một rạn san hô vòng thuộc cụm Thám Hiểm của quần đảo Trường Sa của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Malaysia từng có lúc gọi Đá Hoa Lau là Terumbu Layang-Layang tức là Rạn san hô Chim nhưng sau này đã đổi thành Pulau Layang-Layang (tức là Đảo Chim). Về vị trí, Đá này nằm cách bán đảo Cam Ranh khoảng 714 km, cách Đảo An Bang (Phú Lâm) 111 km về phía Đông Nam. Cách thành phố Kota Kinabalu thuộc bang Sabah của Malaysia khoảng 290 km về phía Tây Bắc.

Đá Hoa Lau có hình dạng thon dài, hơi hẹp về bề ngang, với chiều dài lớn nhất khoảng 7,4 km và chiều rộng lớn nhất vào khoảng 2,2 km. Tổng diện tích tự nhiên của Đá Hoa Lau là 10,8 km2, tương đương với khoảng 1.080 ha. Khi thủy triều lên Đá này ngập hoàn toàn dưới nước, còn khi thủy triều xuống thấp một vài bãi san hô và đá nhô lên khỏi mặt nước.

Bên trong Đá Hoa Lau là một hồ nước sâu với diện tích vào khoảng 4,5 km2, lòng hồ có chiều dài vào khoảng 4km, chiều rộng 1,5 km và được bao quanh bởi một thềm san hô khép kín. Sau khi chiếm đóng trái phép Đá Hoa Lau, Malaysia đã nỗ lực xây dựng hòng biến Đá này trở thành một hòn đảo nhân tạo. Cụ thể là quốc gia này đã nạo vét cát và san hô ở khu vực trung tâm của Đá Hoa Lau rồi bồi đắp lên góc Đông Nam nơi từng có những tảng đá cao từ 1,5 đến 3m nhô lên khi thủy triều xuống thấp.

Ngoài công việc bồi đắp trái phép trên đảo nhân tạo ở phía Đông Nam, Malaysia còn tiến hành phá đá san hô để thông hai luồng ở phía Nam Đá Hoa Lau để tàu thuyền của nước này có thể dễ dàng di chuyển vào lòng hồ tránh trú.

Ngày 21/6/1980, một cột mốc được lực lượng tác chiến đặc biệt của Hải quân Hoàng gia Malaysia dựng lên tại đây, đến tháng 5/1983, 18 thành viên của lực lượng tác chiến đặc biệt đã xây dựng doanh trại đầu tiên của họ đánh dấu sự khởi đầu cho sự hiện diện của Hải quân Hoàng gia Malaysia tại khu vực phía Đông Nam của Đá Hoa Lau. Trạm hải quân Lima đã được xây dựng vào tháng 4/1986 bao gồm một trung tâm hoạt động kiêm sinh hoạt trong binh lính.

Năm 1989 chính quyền Malaysia đã quyết định phát triển Đảo Hoa Lau trở thành một địa điểm du lịch. Bước đầu cho kế hoạch này là bồi đắp khu vực phía Đông Nam của hòn đảo và biến Hoa Lau trở thành một đảo nổi với chiều dài khoảng 1.500 m, rộng khoảng 250m. Đến năm 1995, một đường băng và trung tâm nghỉ dưỡng đã được hoàn thành tại phần đất được bồi đắp. Ban đầu đường băng này chỉ có chiều dài 1064 m, nhưng vào ngày 20/7/2003, Malaysia đã cho tiến hành mở rộng đường băng, tăng chiều dài của nó lên 1.368m như hiện nay. Cho tới hiện nay, đây là một trong số 7 đường băng tồn tại ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài đường băng trên Đảo Trường Sa Lớn của Việt Nam thì 6 đường băng còn lại, bao gồm đường băng tại Bãi Đá Hoa Lau đều là những đường băng được xây dựng trái phép.

Trên lý thuyết, đường băng này có thể tiếp nhận các chiến đấu cơ Su-30 với bán kính hoạt động đạt 1297 km, các loại máy bay vận tải C130 Helico cũng có thể cất và hạ cánh dễ dàng trên đường băng này. Tuy nhiên khác với những đường băng còn lại ở quần đảo Trường Sa, đường băng này được sử dụng trong cả mục đích quân sự và dân sự. Nằm ở phía Đông Bắc đường băng là một khu quân sự bao gồm một sân đỗ máy bay, một tháp canh, một trụ điện gió, một bãi đáp trực thăng, một tháp điều khiển không lưu và hai nhà chứa máy bay được bố trí sát cạnh. Trên đảo còn có một tòa nhà nghiên cứu thuộc Bộ Ngư nghiệp Malaysia mở vào tháng 7/2004, hai nhà máy khử nước mặn bằng phương pháp thẩm thấu ngược. Trung tâm đảo nhân tạo là khu vực nghỉ dưỡng dành cho khách du lịch.

Có thể nói, trong số các bên chiếm đóng trái phép các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Malaysia là quốc gia tổ chức hoạt động du lịch bài bản và thường xuyên nhất. Nằm giữa vùng nước sâu, khu vực Đá Hoa Lau là nơi có hệ sinh vật biển phong phú cùng với những làn gió biển trong lành hoàn toàn hòa hợp cùng thiên nhiên. Chính vì vậy, nơi đây vô cùng thích hợp để phát triển du lịch.

Kể từ năm 1993, Malaysia đã khai trương dịch vụ du lịch dành cho khách yêu thích lặn biển và mở các chuyến bay cho dân thường ra thăm Đảo Hoa Lau. Tại đây, có một khu nghỉ dưỡng có 86 phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao, một trung tâm lặn biển là thành viên của PADI (Hiệp hội Hướng dẫn viên Lặn biển Chuyên nghiệp) cùng một nhà hàng 200 chỗ ngồi, một hồ bơi và một cửa hàng lưu niệm.

Mỗi tour xuất phát bằng máy bay từ sân bay Kota Kinabalu trên đảo Borneo đến sân bay trên Đá Hoa Lau với toàn bộ hoạt động ăn uống, nghỉ ngơi tại khu resort 3 sao, lặn biển trong 6 ngày có giá khoảng 1.200 USD (tương đương gần 29 triệu đồng).

2. Đá Kỳ Vân

Đá Kỳ Vân là một rạn san hô vòng thuộc cụm Thám Hiểm của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đá này nằm cách bán đảo Cam Ranh khoảng 674km về phía Đông Nam, cách thành phố Kota Kinabalu thuộc bang Sabah của Malaysia khoảng 319 km về phía Tây Bắc, cách Đá Thuyền Chài khoảng 65km về phía Đông Nam và cách Đá Hoa Lau khoảng 62km về phía Bắc.

Đá Kỳ Vân trải dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam với chiều dài khoảng 10km và chiều rộng lớn nhất vào khoảng 3km. Tổng diện tích của đá này vào khoảng 17km2 hay 1.700ha, phần giữa của đá này hẹp lại chỉ vào khoảng 0,6 km và chia đá này thành 2 phần ở mỗi phần lại có một lòng hồ riêng biệt. Cũng tại phần giữa, chia cách hai lòng hồ này còn có một dải cát cao khoảng 1,5 m và một vài hòn đá nổi lên trên mặt nước khi thủy triều xuống thấp. Nhìn chung, cũng giống như những đảo chìm khác, Đá Kỳ Vân không có nhiều thảm thực vật và thiếu nước ngọt. Tuy vậy, nơi đây lại thu hút rất nhiều rùa biển để sinh sản và chú ngụ vào.

Tháng 11/1986, Malaysia đã đưa một trung đội đến chiếm đóng trái phép tại Đá Kỳ Vân và kiểm soát thực thể này cho đến ngày nay. Malaysia đã tiến hành nạo vét và bồi đắp ở phía Tây của Đá Kỳ Vân với diện tích vào khoảng 2 ha, đồng thời duy trì 100 hải quân ở đó có tên gọi là Trạm Mike. Tại phần đất nhân tạo này, Malaysia đã cho xây dựng một bệ bê tông có chiều dài khoảng 60 m, chiều rộng khoảng 30 m. Trên bệ bê tông này họ còn cho xây dựng một trạm radar, tháp điều khiển không lưu và các cơ sở khác phục vụ cho binh lính cũng như sân đỗ cho máy bay trực thăng và hai cầu cảng. Tại đây, họ còn tiến hành đắp đê chắn sóng bằng đá san hô và đào một âu tàu nhỏ cùng một luồng nước đi ngang qua âu tàu vào lòng hồ bên trong để tàu thuyền có thể vào neo đậu. Bên cạnh đó, dù thiếu nước ngọt và đất đai nhưng tại đây vẫn thấy những hàng cây xanh được trồng rải rác ở phần đất cải tạo.

3. Bãi Kiệu Ngựa

Bãi Kiệu Ngựa là một rạn san hô vòng ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về vị trí, bãi đá này nằm cách bán đảo Cam Ranh khoảng 703 km về phía Đông Nam, cách thành phố Kota Kinabalu thuộc bang Sabah của Malaysia khoảng 276 km về phía Tây Bắc, cách Đá Thuyền Chài khoảng 88 km về phía Đông Nam, cách Đá Kỳ Vân khoảng 30km về phía Nam và cách Đá Hoa Lau khoảng 26 km về phía Đông Bắc.

Bãi Kiệu Ngựa được hợp thành từ 30 rạn san hô khác nhau nằm theo trục Đông Bắc – Tây Nam với chiều dài lên tới 70,4 km và chiều rộng tối đa vào khoảng 18,5 km. Tổng diện tích của bãi lên tới 850 km2, tức là 85.000 ha. Trong đó Đá Kiệu Ngựa là một trong số 30 rạn san hô thuộc Bãi Kiệu Ngựa là thực thể duy nhất nổi lên khi thủy triều xuống. Nhìn từ trên cao xuống Đá có hình dạng như là một tam giác cân với chiều dài khoảng 4,6 km và chiều rộng ở khoảng 3,4 km. Tổng diện tích của đá này vào khoảng 10km2, khoảng 1.000 ha.

Cũng giống như Đá Kỳ Vân sau khi chiếm đóng trái phép, Malaysia đã tiến hành nạo vét và bồi đắp trái phép ở phía Nam của Đá Cựu Ngựa với diện tích vào khoảng 1,6 ha. Đồng thời duy trì trạm hải quân ở đó có tên gọi là Trạm Mike. Đây cũng là rạn san hô duy nhất ở Bãi Kiệu Ngựa có binh lính của Malaysia đóng quân.

Tại phần đất nhân tạo này, Malaysia đã cho xây dựng một bệ tông có chiều dài khoảng 60m, chiều rộng khoảng 30m, trên bệ bê tông này họ còn cho xây dựng một trạm radar, tháp điều khiển không lưu và các cơ sở phục vụ cho binh lính cũng như là một sân đỗ máy bay trực thăng và một cầu cảng. Tại đây, họ còn tiến hành đắp đê chắn sóng bằng đá san hô và đào một âu tàu nhỏ cùng 2 luồng nước để vào âu tàu để tàu thuyền có thể vào neo đậu. Trong hình ảnh vệ tinh vào năm 2011, có thể thấy rõ luồng nước ở phía Tây âu tàu nhưng mà hiện nay nó đã bị bồi lấp gần như là hoàn toàn trên phần đất bồi đắp Malaysia cũng cho trồng một số cây xanh.

4. Đá Sác Lốt

Đá Sác Lốt là một rạn san hô vòng thuộc cụm Thám Hiểm của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đá này nằm cách bán đảo Cam Ranh khoảng 730 km về phía Đông Nam, cách thành phố Kota Kinabalu thuộc bang Sabah của Malaysia khoảng 295 km về phía Tây Bắc, cách Đá Thuyền Chài vào khoảng 130km về phía Đông Nam và cách Đá Hoa Lau khoảng 54 km về phía Tây Nam.

Đá Sác Lốt có hình dạng tương đối tròn, với chiều dài khoảng 2,2 km, chiều rộng khoảng 1,6 km. Tổng diện tích của Đá Sác Lốt vào khoảng 3 km2, khoảng 300 ha. Đá Sác Lốt có địa hình khá bằng phẳng, với một lòng hồ rộng và khoảng 80 ha nằm ở giữa. Trong khu vực lòng hồ của đá này thì có nhiều tảng đá cao từ 0,6 đến 1,2 m nổi lên mặt nước. Trước đây, Malaysia đã xây dựng một ngọn hải đăng trên thực thể này nhưng hiện nay thì ngọn hải đăng này không còn hoạt động nữa. Hiện tại, tại Đá Sác Lốt không có lực lượng quân đội Malaysia đóng quân ở đó cũng như chưa ghi nhận bất kỳ hoạt động bồi đắp và cải tạo nào ở thực thể này. Nguyên nhân chính là do Đá Sác Lốt nằm rất xa những thực thể Malaysia đang đóng quân và cũng như được bảo vệ bởi một loạt đảo đá mà quốc gia này đang kiểm soát ở phía Bắc.

5. Đá Suối Cát

Đá Suối Cát là một rạn san hô vòng thuộc cụm Thám Hiểm của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về vị trí, đá này nằm cách bán đảo Cam Ranh khoảng 690 km về phía Đông Nam, cách thành phố Kota Kinabalu thuộc bang Sabah của Malaysia khoảng 310 km về phía Tây Bắc, cách Đá Thuyền Chài khoảng 77 km về phía Đông Nam và cách Đá Kỳ Vân khoảng 35km về phía Tây Nam, cách Đá Hoa Lau khoảng 26 km về phía Bắc và cách Đá Kiệu Ngựa chỉ khoảng 10km về phía Tây.

Nhìn từ trên cao xuống, Đá Suối Cát có hình dạng khá thon dài và nằm theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Với chiều dài vào khoảng 9,3 km, chiều rộng vào khoảng 1,7 km, diện tích vào khoảng 14 km2, khoảng 1.400 ha. Đá Suối Cát là một rạn san hô khép kín. Ở bên trong là một hồ nước nông có diện tích vào khoảng 6 km2. Khi thủy triều lên đá này ngập hoàn toàn dưới nước. Nhưng khi thủy triều xuống thấp gần như toàn bộ vành đai san hô đều nổi lên mặt nước. Hiện tại cũng giống như Đá Sác Lốt, Đá Suối Cát không có lực lượng quân đội Malaysia đóng quân ở đây. Đồng thời chưa ghi nhận bất kỳ hoạt động bồi đắp và cải tạo nào ở thực thể này.

6. Đá Én Ca

Đá Én Ca là một rạn san hô vòng thuộc cụm Thám Hiểm của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng hiện nay Malaysia đang kiểm soát trái phép thực thể này.

Về vị trí địa lý, Đá Én Ca cách bán đảo Cam Ranh khoảng 684 km về phía Đông Nam, cách thành phố Kota Kinabalu thuộc bang Sabah của Malaysia khoảng 319 km về phía Tây Bắc, cách Đá Thuyền Chài khoảng 88km về phía Tây, cách Đá Tốc Tan khoảng 64 km về phía Nam, cách Đá Kỳ Vân chỉ 25km về phía Đông Bắc.

Đá Én Ca có hình bầu dục với chiều dài vào khoảng 3,2 km, chiều rộng khoảng 1,9 km và có diện tích vào khoảng 4,7 km2. Đá này có địa hình khá bằng phẳng với một lòng hồ nông có diện tích gần 1km2 nằm ở giữa. Nhìn chung, khi thủy triều lên cao toàn bộ bãi đá ngập hoàn toàn trong nước. Còn khi thủy triều xuống thấp chỉ có một số hòn đá ở phía Đông thực thể này nổi lên.

Sau khi chiếm đóng đảo trái phép vào năm 1999, Malaysia đã tiến hành nạo vét và bồi đắp trái phép ở phía Nam của Đá Én Ca với diện tích vào khoảng 1,1 ha. Hải quân Hoàng gia Malaysia cũng đã duy trì một trạm hải quân ở đó có tên gọi là Trạm Mike. Tại phần đất nhân tạo này, Malaysia đã cho xây dựng một bệ tông có chiều dài khoảng 60m, chiều rộng khoảng 30m. Do diện tích không lớn nên Malaysia đã cho xây dựng một cụm kết cấu bao gồm một trạm radar, một tháp điều khiển không lưu và các cơ sở khác cùng với một sân bay trực thăng tiêu chuẩn và hai cầu cảng ở hai bên. Malaysia cũng đã nạo vét một âu tàu cỡ nhỏ và đắp đê bao xung quanh để tàu thuyền của nước này có thể vào neo đậu tại Đá Én Ca.

7. Bãi Thám Hiểm

Bãi Thám Hiểm là một rạn san hô vòng lớn thuộc cụm Thám Hiểm của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bãi này cách bán đảo Cam Ranh khoảng 735 km về phía Đông Nam, cách thành phố Kota Kinabalu thuộc bang Sabah của Malaysia khoảng 276 km về phía Tây Bắc, cách Đá Tiên Nữ khoảng 73km về phía Nam, cách Đá Én Ca khoảng 40km về phía Đông và cách Bãi Kiệu Ngựa khoảng 20km về phía Đông Bắc.

Bãi Thám Hiểm có chiều dài tính theo trục Đông Tây lên tới 33 km và chiều rộng khoảng 11 km. Tổng diện tích của bãi này lên tới 205 km2, khoảng 205.000 ha. Trong khi phần phía Tây của Bãi Thám Hiểm có dáng thon hẹp thì phần phía Đông lại mở rộng và có một lòng hồ sâu tối thiểu 45m, có chiều dài khoảng 23 km ở bên trong. Khi thủy triều xuống thấp thì Bãi Thám Hiểm chỉ có một số bãi đá nhô lên chủ yếu tại phần phía Đông, còn lại thì hoàn toàn nằm sâu dưới nước từ 5,5 m đến 18,3 m. Ngoài ra, trong khu vực Bãi Thám Hiểm có những rạn san hô nổi bật và đã được đặt tên như là Đá Gia Hội ở phía Bắc, Đá Gia Phú ở phía Đông và Đá Sâu ở phía Tây.

Sau khi chiếm đóng trái phép Bãi Thám Hiểm vào năm 1999, Malaysia đã tiến hành nạo vét và bồi đắp ở rìa phía Tây Nam của bãi đá này với diện tích khoảng 0,87 ha, tức khoảng 8.700 m2. Hải quân Hoàng gia Malaysia cũng đã duy trì một trạm hải quân tại đây với tên gọi là Trạm Papa.

Tại phần đất nhân tạo này, cũng giống như những đảo đá khác, Malaysia đã cho xây dựng một bệ bê tông có chiều dài khoảng 60 m, chiều rộng 30 m. Trên bệ bê tông này Malaysia tiếp tục cho xây dựng một số tòa nhà bê tông, trạm radar, tháp điều khiển không lưu cùng với một bãi đáp trực thăng tiêu chuẩn và hai cầu cảng ở hai phía. Ngoài ra, nước này cũng cho đắp một con đê chắn sóng nối từ phía Nam của bệ bê tông ra vùng nước sâu.

Nhìn chung, ngoại trừ Đá Hoa Lau được xây dựng và bồi đắp nhiều nhất, hai Đá Sác Lốt và Đá Suối Cát chưa được cải tạo thì bốn thực thể còn lại bao gồm Đá Én Ca, Đá Kỳ Vân, Đá Kiệu Ngựa và Bãi Thám Hiểm cũng đều được Malaysia bồi đắp nhưng với một diện tích rất nhỏ và các cấu trúc đều giống nhau.

Có thể nói, việc Malaysia bồi đắp và xây dựng trái phép trên những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là không ồ ạt, không đầu tư kinh phí đắt đỏ như Trung Quốc hay là Đài Loan. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng: Dù đầu tư xây dựng ít hay nhiều việc Malaysia chiếm đóng và xây dựng trái phép trên những thực thể này đã vi phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Ngoài ra, những luận điểm mà Malaysia đưa ra hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và yêu sách của Malaysia về chủ quyền cũng không có một cơ sở lịch sử nào.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới