Theo các nhà kinh tế học, nếu không có thêm gói kích thích, Trung Quốc có khả năng bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.
Trong hôm 15/8 vừa qua, Trung Quốc đã hoãn công bố dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của những người trẻ tuổi, gần đây đã tăng vọt lên mức kỷ lục. Các dữ liệu khác của tháng 7 cho thấy sự suy giảm trên diện rộng, càng trở nên tồi tệ hơn do sự sụt giảm của thị trường bất động sản.
“Sự suy yếu kéo dài trong hoạt động xây dựng bất động sản sẽ làm tăng thêm áp lực giảm hàng tồn kho trong lĩnh vực công nghiệp và làm giảm nhu cầu tiêu dùng”, Tao Wang, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á và kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Ngân hàng Đầu tư UBS, cho biết.
“Trong trường hợp đó, đà tăng trưởng kinh tế có thể suy yếu trong phần còn lại của năm và Trung Quốc có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Áp lực giảm phát có thể kéo dài hơn trong một kịch bản như vậy. Nền kinh tế sau đó sẽ cần phải có các chính sách mạnh mẽ hơn hoặc táo bạo hơn để phục hồi”, bà nói thêm.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chiếm gần 18% GDP toàn cầu trong năm 2022, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).
“Theo quan điểm của chúng tôi, Bắc Kinh nên đóng vai trò là bên cho vay cuối cùng để hỗ trợ một số nhà phát triển địa ốc lớn và tổ chức tài chính đang gặp khó khăn, đồng thời nên đóng vai trò là người chi tiêu quan trọng để thúc đẩy tổng cầu”, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc – Ting Lu – đến từ Nomura và một nhóm nghiên cứu cho biết trong một báo cáo công bố hôm 15/8.
“Chúng tôi cũng nhận thấy rủi ro dự báo tăng trưởng 4,9% hàng năm cho cả quý 3 và quý 4 sẽ giảm, và ngày càng có khả năng tăng trưởng GDP hàng năm trong năm nay sẽ bỏ lỡ mất mục tiêu 5%”, báo cáo cho biết.
Nhiều rủi ro xuất hiện
Bắc Kinh đã thừa nhận những thách thức kinh tế và báo hiệu sẽ có thêm chính sách hỗ trợ. Trong hôm 15/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản.
Nhưng các động thái này cần thời gian để có hiệu quả và cho đến nay những hành động đó vẫn chưa đủ để củng cố niềm tin của thị trường, đặc biệt là khi những thông tin đáng ngại xuất hiện.
“Trong tháng 8, nỗi lo sợ lan rộng về các nhà phát triển bất động sản và rủi ro vỡ nợ trong lĩnh vực tín thác đã ảnh hưởng tới tâm lý chung của thị trường, đặt ra tiêu chuẩn cao hơn để các biện pháp kích thích có hiệu quả”, Louise Loo, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics, cho biết.
Sự thay đổi chính sách bền vững hơn có thể diễn ra trong quý 4, khi một cuộc họp cấp cao nhất được gọi là “Hội nghị toàn thể lần thứ ba” dự kiến sẽ được tổ chức, theo Loo.
Nhà phát triển bất động sản từng có thời lớn nhất Trung Quốc, Country Garden, hiện đang trên bờ vực vỡ nợ. Trong một tin tức khác trong tháng này, Zhongrong International Trust lỡ hạn thanh toán cho 3 công ty niêm yết ở Trung Quốc đại lục, theo CNBC.
Ngay cả khi tổng tài sản trị giá 630 tỉ NDT (86,5 tỉ USD) của Zhongrong – cộng với đòn bẩy tài chính – gặp rắc rối, thì đó cũng “không phải là một con số đe dọa về mặt hệ thống” đối với lĩnh vực tín thác trị giá 21 nghìn tỉ NDT và hệ thống ngân hàng trị giá 315 nghìn tỉ NDT của Trung Quốc, Xiangrong Yu, Giám đốc Citi tại Trung Quốc nhận định.
Ông nói thêm rằng công ty tín thác và công ty mẹ của họ “ít liên kết hơn nhiều trong hệ thống tài chính so với các trường hợp trước đó như Baoshang Bank và Anbang Group”.
Ưu tiên phát triển kinh tế bền vững
Việc chính quyền Trung Quốc siết chặt quản lý đối với lĩnh vực bất động sản vào năm 2020 là nỗ lực nhằm hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào tăng trưởng của ngành này. Trong năm nay, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng giảm thiểu rủi ro tài chính là một trong những ưu tiên của họ. Họ cũng đang trong quá trình tái cấu trúc các cơ quan quản lý tài chính.
Theo một báo cáo của Rhodium vào tháng 6, khi nợ của chính quyền địa phương vẫn ở mức cao, mức tiền mặt đã giảm. Báo cáo này lưu ý rằng chính quyền các khu vực đã chi tiền để mua đất, nhằm đáp ứng nhu cầu đến từ các nhà phát triển bất động sản trước kia.
“Sự yếu kém về tài chính của các địa phương hiện nay đã cản trở Bắc Kinh sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế”, các nhà phân tích của Rhodium cho biết.
Đối với nhiều người, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, việc không hành động rõ ràng trong thời gian dài có thể cho thấy rằng Chính phủ Trung Quốc cũng đã kiên quyết thay đổi các ưu tiên của mình.
“Phản ứng thờ ơ trước thị trường nhà đang sụt giảm cho thấy rằng các nhà lãnh đạo đã bớt tập trung vào tăng trưởng kinh tế – trong khi ưu tiên các lĩnh vực khác như an ninh quốc gia và tự chủ về công nghệ”, Gabriel Wildau, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Teneo, nhận định.
“Chúng tôi dự đoán rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tăng cường kích thích thị trường nhà ở một cách đáng kể trong những tháng tới, từ đó cải thiện doanh số bán hàng và khối lượng xây dựng vào cuối năm”, ông nói.
Nhiều vấn đề xuất hiện gần đây của Trung Quốc không hẳn là mới. Trung Quốc đã trải qua một quá trình kéo dài nhiều năm nhằm cải thiện tính bền vững lâu dài của nền kinh tế, chuyển dịch từ tăng trưởng dựa vào nguồn đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và bất động sản sang tiêu dùng.
T.P