Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC KHÔNG THÀNH TÂM MUỐN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

TRUNG QUỐC KHÔNG THÀNH TÂM MUỐN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Trung Quốc đang thực hiện một chủ trương mới đối với Đông Nam Á – ASEAN và vấn đề Biển Đông.

Chủ trương này nhằm tăng cường ảnh hưởng và tối đa hóa lợi ích của Trung Quốc về kinh tế – chính trị tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời lẩn tránh việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Đông Nam Á trải qua 10 năm thực hiện quan hệ thương mại với Trung Quốc đã trở thành đối tác lớn thứ ba của Trung Quốc. Nhưng với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại 2 chữ số, Trung Quốc dự định thúc đẩy quan hệ kinh tế với Đông Nam Á lên tầm cao mới: Đạt 500 tỷ USD vào năm 2015. Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường trong các chuyến công du Đông Nam Á trong tháng 10 này đề mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi đó, đầu tư sẽ đạt 150 tỷ USD trong vòng 8 năm tới. Đến năm 2020, Đông Nam Á có thể vượt EU và Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Tại cuộc gặp cấp cao Trung Quốc – ASEAN tại Brunei hôm 9/10 vừa rồi, ông Lý Khắc Cường nhắc lại đề nghị nâng cấp phiên bản thỏa thuận CAFTA, điều đã được Thủ tướng Trung Quốc nêu tại cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội chợ Nam Ninh tháng trước. Bộ máy kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc xem ra đang chạy hết tốc lực để biến ý tưởng của ban lãnh đạo Bắc Kinh thành hiện thực.

Sẽ là không đầy đủ nếu không đề cập đến một phác thảo đầy tham vọng của ban lãnh đạo Bắc Kinh làm sống lại con đường tơ lụa cổ đại. Khi thăm Kazakhstan tháng 9 vừa rồi, ông Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng một vành đai kinh tế trên con đường tơ lụa nối liền Tân Cương (Trung Quốc) với các nước Trung Á, Tây Á, tới Địa Trung Hải. Đây sẽ là mũi tiến công kinh tế thứ hai của Trung Quốc.

Chuyến thăm Thái Lan mới đây của ông Lý Khắc Cường cũng còn cho thấy, Bắc Kinh muốn biến khu vực Đông Nam Á lục địa, bao gồm các nước thuộc Khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng, thành sân sau kinh tế của Trung Quốc. Thái Lan có thể trở thành trung tâm của thiết kế kinh tế chính trị này của Bắc Kinh. Ngoại giao cây tre của Thái Lan đang nghiêng về phía Trung Quốc, sử dụng ngọn gió Trung Quốc để nâng cao vị thế của Thái Lan và mở rộng thị trường cho Thái Lan. Tuyến đường sắt cao tốc sẽ nối Côn Minh với Lào, Thái Lan, tới Malaysia và Singapore, làm thành xương sống liên kết chặt chẽ giữa Trung Quốc với Đông Nam Á lục địa và bán lục địa. Trung Quốc đang đẩy nhanh dự án đường sắt cao tốc này còn nhằm nắm bắt cơ hội mới mà việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 sẽ mang lại.

Với những phác thảo địa – kinh tế lớn, Thủ tướng Trung Quốc tại Brunei thuyết phục các nước ASEAN gác vấn đề Biển Đông sang một bên, tập trung phát triển các quan hệ kinh tế. Thực chất, Trung Quốc không muốn giải quyết vấn đề Biển Đông. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dùng những lời lẽ ngoại giao để xoa dịu mối quan tâm của dư luận khu vực và quốc tế.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc ở Brunei, ông Lý Khắc Cường nói: “Một biển Hoa Nam (Biển Đông) hòa bình là hạnh phúc của tất cả mọi người. Chúng ta cần hợp tác để biển Hoa Nam trở thành một vùng biển hòa bình, thân thiện và hợp tác”. Lập trường này của nhà lãnh đạo Trung Quốc về Biển Đông không có gì mới.

Lời tuyên bố như vậy đã được đề cập 4 – 5 lần, lúc thì do Chủ tịch nước, lúc thì do Thủ tướng Trung Quốc đưa ra. Lần đầu tiên được Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói trong buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Tẫn Dũng tại diễn đàn Châu Á Bác Ngao năm 2009. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng từng tuyên bố Trung Quốc muốn biến Biển Đông “thành khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác”. Gần đây nhất, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, tại Diễn đàn hòa bình thế giới tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 6/2013, đã kêu gọi “hãy cùng nhau tìm kiếm hòa bình”; rằng Trung Quốc cam kết “xây dựng quan hệ hữu nghị, đối tác với các nước láng giềng”, bảo vệ hòa bình và ổn định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cho sự phát triển khu vực trên cơ sở các bên cùng thắng. Ông Tập Cận Bình còn nói rằng: Trung Quốc cam kết tiếp tục xử lý đúng đắn các các cuộc xung đột và xích mích với các nước liên quan ở Châu Á – Thái Bình Dương, duy trì hòa bình và ổn định khu vực với các nước khác trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.

Rất tiếc những tuyên bố thiện chí như vậy chưa được biến thành hiện thực.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ASEAN và Trung Quốc ký kết hiệp định quan hệ đối tác chiến lược, phía Trung Quốc không ngừng nhắc đi nhắc lại quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN tăng lên gấp 6 lần, đạt 400,1 tỷ USD năm 2012. Nhưng cùng thời gian đó, cường độ xung đột tại Biển Đông mà Trung Quốc là lực lượng chủ xướng có thể đã tăng không dưới 60 lần.

Sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây ra nhiều cuộc tranh chấp lãnh thổ về các đảo và khu vực đánh cá. Trung Quốc đưa ra đòi hỏi phần lớn Biển Đông. Trung Quốc đưa Biển Đông vào phạm trù “lợi ích cốt lõi” và đòi các nước liên quan phải chấp nhận nó. Trung Quốc tiến một bước trắng trợn biến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành căn cứ tiền tiêu để kiểm soát Biển Đông. Trung Quốc quấy nhiễu, cắt cáp, ngăn cản tàu thuyền các nước hoạt động hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của các nước giáp Biển Đông. Hồi đầu năm nay, Trung Quốc để nhà đương cục Hải Nam ban hành chủ trương chặn tàu, khám tàu, trục xuất tàu thuyền các nước, với mục tiêu cuối cùng là biến Biển Đông thành vùng biển riêng của Trung Quốc. Hàng ngày tàu thuyền Trung Quốc hoành hành trên Biển Đông. Trung Quốc gây sự với người Philippines nhằm mục tiêu chiếm đóng bãi Scarborough và gây sức ép với Philippines tại bãi Cỏ Mây…

Trung Quốc không thể lẩn tránh giải quyết vấn đề Biển Đông. Họ không thể tiếp tục chiến thuật quen thuộc sử dụng ngoại giao câu giờ để trì hoãn giải quyết vấn đề này. Đã đến lúc họ phải thể hiện bằng hành động những lời nói tốt đẹp biến Biển Đông “thành một vùng biển hòa bình, thân thiện và hợp tác”.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới