Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNGUYÊN THỦ CÁC NƯỚC LỚN NÓI GÌ VỀ BIỂN ĐÔNG TẠI EAS...

NGUYÊN THỦ CÁC NƯỚC LỚN NÓI GÌ VỀ BIỂN ĐÔNG TẠI EAS NGÀY 10/10/2013

BienDong.Net: Thế là cho đến phút cuối cùng, Tổng thống Mỹ Barrak Obama đành phải hủy chuyến công du Châu Á và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, tổ chức tại Indonesia và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ tám, tổ chức tại Brunei, (gồm 10 nước ASEAN và tám đối tác đối thoại), do Chính phủ liên bang phải đóng cửa vì không có ngân sách.

Giới phân tích cho rằng đây là điều đáng tiếc vì ngay từ đầu năm, ông Obama đã có kế hoạch tham dự và sẽ đưa vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự của EAS với mong muốn sử dụng hội nghị này để thúc đẩy tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, khẳng định chính sách quay trở lại Châu Á của Mỹ.

Có vẻ như sự vắng mặt của ông Obama tại các hội nghị trên đã để lại “một đấu trường không đối thủ”, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ trở thành người có tiếng nói nặng ký nhất, và chỉ có Trung Quốc là “ngư ông đắc lợi” trong bối cảnh này vì Trung Quốc sẽ tận dụng việc ông Obama vắng mặt để làm thui chột những nỗ lực muốn đưa các tranh chấp trên Biển Đông trở thành vấn đề nổi bật tại EAS. Hơn thế nữa, đây chính là cơ hội vàng để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Trước khi khai mạc các hội nghị, Bắc Kinh đã có những động thái ngoại giao mang tính cảnh cáo, răn đe mọi sự can thiệp của Mỹ và các nước khác đối với vấn đề Biển Đông

Trong cuộc họp báo ngày 7/10, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố: “Sự nhúng mũi của các quốc gia không thuộc về khu vực này sẽ chỉ tổ làm vấn đề rối rắm, phức tạp thêm và không có lợi cho tiến trình cải thiện lòng tin lẫn nhau của khu vực”. Nhà ngoại giao họ Lưu còn nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn phản đối việc đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và chúng tôi không hy vọng vấn đề này sẽ trở thành một trọng tâm trong cuộc họp”.

Chính vì thế, các nhà phân tích và các quan chức ngoại giao lo ngại sự vắng mặt của ông Obama sẽ là cơ hội để Bắc Kinh cao giọng bám giữ các lập trường ngang ngược của mình từ bấy lâu nay tại EAS.

Tuy nhiên, trái ngược với những phán đoán bi quan của giới phân tích, những gì diễn ra tại EAS cho thấy vấn đề Biển Đông vẫn là chủ đề nóng bao trùm trong chương trình nghị sự của hội nghị và được đề cập trong phát biểu của các nước tại EAS. Một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết 13 trong số 18 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á ngày 10/10 đã đề cập đến vấn đề Biển Đông và kiến nghị giải pháp cho vùng biển này.

Xin bắt đầu từ Mỹ. Được chỉ định thay mặt cho tổng thống Obama tại APEC và EAS, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, khi phát biểu về quan điểm của Mỹ về hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và nguyên tắc không bị cản trở trên Biển Đông, đã cho rằng “Một bộ Quy tắc ứng xử là cần thiết cho dài hạn, nhưng các nước cũng có thể thực hiện những bước đi ngay từ ngày hôm nay để giảm thiểu mối rủi ro ngộ nhận và tính toán sai lầm”. Ông nói thêm rằng “Quyền của mọi nước, bất kể lớn nhỏ, đều phải được tôn trọng”, và “Nếu không có tiến bộ thực sự, chúng ta không thể giảm thiểu rủi ro, tính toán sai lầm và giải thích sai ở Biển Đông”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thì nói thẳng thừng là những căng thẳng trong vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình và ổn định của toàn khu vực, và ông muốn thấy một Bộ Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN được thực thi càng sớm càng tốt. Để ngoài tai những hăm dọa của Bắc Kinh, Ông Shinzo Abe kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, không được hành động đơn phương và sử dụng vũ lực

Ông Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản rất quan tâm tới hoạt động tham vấn chính thức về COC giữa ASEAN với Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng chính ông Shinzo Abe là người có tiếng nói mạnh nhất, tự tin và làm chủ không khí trong hội nghị, thể hiện vị thế, vai trò và trách nhiệm của Nhật Bản ngày càng tăng lên trên trường quốc tế.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thì gián tiếp phê phán các quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông. Phát biểu ngay sau ông Lý Khắc Cường tại EAS, Thủ tướng Ấn Độ nói “Một môi trường hàng hải ổn định là điều cần thiết để thực hiện nguyện vọng chung của chúng ta trong khu vực”, và khẳng định “Chúng tôi hoan nghênh các cam kết chung của các nước có liên quan tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), hướng tới việc ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận”.

Lần đầu tiên có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Thủ tướng mới của Australia Tony Abbott phát biểu nhấn mạnh ổn định chiến lược ở Biển Đông là hết sức quan trọng vì đây là đường hàng hải huyết mạch của thương mại quốc tế. Thủ tướng Abbott cảnh báo nguy cơ xung đột vẫn còn đó và ủng hộ quan điểm cần thúc đẩy tiến trình đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), đồng thời khẳng định sự bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông là rất quan trọng đối với hoạt động kinh tế – thương mại của Australia. Ông cho biết “Gần 60% kim ngạch thương mại của Australia đi qua Biển Đông, sự ổn định của vùng biển chiến lược này rất quan trọng”.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp tục diễn lại lập trường, quan điểm lâu nay của Bắc Kinh là muốn gạt các nước lớn có quan tâm và lợi ích ở Biển Đông và chỉ đàm phán song phương với các bên “liên quan trực tiếp”. Nhưng phát biểu của Lý Khắc Cường tỏ ra lạc lõng và không được các nước khác quan tâm, bởi nó không có gì mới, hoàn toàn trái ngược với các ý kiến xây dựng thúc đẩy việc tìm giải pháp thỏa đáng cho Biển Đông.

Phát biểu của đại diện các nước tham gia tại EAS cho thấy vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa rộng rãilà xu thế không thể đảo ngược. Biển Đông nếu chỉ được trao đổi trong phạm vi khu vực, song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan, thì không bao giờ đạt được một giải pháp lâu dài, bền vững, phù hợp với luật pháp quốc tế. Có chăng nó chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của Trung Quốc mà thôi, vì Trung Quốc, với tiềm lực kinh tế, quân sự đang phát triển, luôn muốn lấn lướt và bắt nạt, áp đặt đối với các nước trong khu vực, hòng thực hiện cho được yêu sách ngang ngược và lố bịch của mình đòi 80% diện tích Biển Đông.

Quan điểm và lập trường của một số nước lớn trong và ngoài khu vực đã rõ. Thiết nghĩ, các nước ASEAN cần tận dụng những yếu tố thuận lợi này để đoàn kết, thống nhất các biện pháp thúc đẩy nhanh, có hiệu quả tiến trình xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc, vì lợi ích chung của ASEAN trên Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới