Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPCG-CCG - “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”

PCG-CCG – “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”

Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) cho biết đã họ đã “cắt’ đường dây nóng trên biển với phía Trung Quốc. Động thái này cho thấy, trong vụ Cỏ Mây, Manila quyết không khoan nhượng với Bắc Kinh.

Tổng thống Philippines – Ferdinand Marcos Jr (bên phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, thỏa thuận thiết lập thêm đường dây nóng, vào ngày 22-4/2023.

Cho dù thời điểm cụ thể của đợt tiếp tế mới chưa được tiết lộ, nhưng chừng nấy thông tin đã khiến dư luận càng thêm quan tâm tới vụ việc vốn từng làm tốn nhiều nhiều giấy mực của truyền thông. Những người trong thời gian qua dự đoán Cỏ Mây sẽ thành một “bài test” để nhận biết Manila sẽ phản ứng cứng rắn đến mức nào trước việc Bắc Kinh yêu cầu phải dời đi “đống sắt rỉ” là con tàu BRP Sierra Madre mà quân đội Philippines cho lao lên bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện Philippines kiểm soát) vào năm 1999, biến nó thành một “cột mốc” chủ quyền với một tiểu đội binh sĩ bên trong) càng có lý do để củng cố, khẳng định thêm nhận định của họ.

Thực ra, với những gì đã và đang diễn ra, chẳng cần thêm nữa những lời thuyết phục, ai cũng đã thấy rằng, Cỏ Mây đang trên đà trở thành một từ “hot” hơn nữa để chỉ một điểm nóng trên Biển Đông sau việc Philippines, ngày 5/8, tố cáo Trung Quốc đã dùng thủ đoạn cũ: “xịt” vòi rồng ngăn cản tàu PLP tiếp tế cho nhóm binh sĩ.

Trước những lời to tiếng của Philippines, Trung Quốc không nhiều lời. Chỉ có điều, tuy ít, nhưng ngôn từ của Bắc Kinh như ngôn từ của kẻ “bề trên” cảnh báo Manila rằng Trung Quốc có lý do chính đáng để buộc Philippines từ bỏ việc kiểm soát Cỏ Mây; rằng: mọi thiện chí đã bị phớt lờ, mà Manila phải chịu trách nhiệm về điều đó…

Không hẳn là ngại hay hốt hoảng, nhưng một người đi rừng khôn ngoan gặp thú dữ cần phải tránh mọi động thái kích động. Được gì nào, khi kích động chỉ khiến con thú tăng thêm cơn hăng máu. Manila trước đây là thế, tuy không nói ra lời, nhưng vẫn thường đáp lại phản ứng của Bắc Kinh một cách mềm mỏng.

Thậm chí, mềm tới mức chính quyền của tổng thống Duterte từng bị dư luận cho yếm thế. Như vụ tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm tháng 6/ 2019 trong khu vực gần bãi Cỏ Rong chẳng hạn, ông Duterte, trong bụng có thể giận sôi máu, vậy mà ngoài mặt vẫn tỉnh bơ, nhã nhặn mặn nhạt với Bắc Kinh coi đó như một “sự cố hàng hải” (!) chỉ đáng tiếc thôi chứ không đáng giận.

Cho dù nhiều người hiểu và chia sẻ rằng ông Duterte chằng qua tạm thời hy sinh tổn thất này để hướng đến mục tiêu to tát hơn, là dự án khai thác chung dầu khí với Trung Quốc mà ông dự định sẽ thảo luận với ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc sau đó hai tháng (tháng 8/2019), thì họ vẫn oán ghét ông. 22 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm suýt chết không thể là chuyện nhỏ, vậy mà…

Mới có chuyện, ngay sau đó, giận dữ tiếp tục bùng lên cùng việc ông Duterte hứng không biết bao nhiêu lời chỉ trích, phê phán.

Nhưng lần này thì khác. Ngay sau lời tố cáo Trung Quốc ngang ngược, trong một cuộc họp báo khác, Manila không những không “mềm” đi, mà còn “cứng hơn” qua lời tuyên bố của một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines – ông Jonathan Malaya. Ông này nói rằng: Philippines không từ bỏ bãi Cỏ Mây, bất chấp các yêu cầu dời chiếc tàu mắc cạn. Philippines sẽ tiếp tục tiếp tế cho các binh sĩ trên tàu mắc cạn. Philippines có quyền mang theo những gì cần thiết để duy trì cơ sở đồn trú đó và đảm bảo cung cấp các thứ đầy đủ cho binh sĩ…

Không phải chỉ nói cho xả giận, thỏa tức. Ngay sau đó, dư luận chứng kiến tuyên bố của Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) cho biết đã họ đã “cắt béng” đường dây nóng trên biển (PCG-CCG) với phía Trung Quốc. Động thái không thương tiếc này cho thấy Manila quyết đoán tới mức nào. Thậm chí, giải thích lý do, người có trách nhiệm của PCG nói thẳng tưng: Cắt vì đường dây này có tích sự gì đâu nào?

Nên nhớ rằng, PCG-CCG được thiết lập năm 2017 theo bản ghi nhớ mà cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2016. Nghĩa là, nó có từ ý tưởng và chỉ đạo của những người cao nhất giữa hai quốc gia.

Tiếp đó, sau thời của ông Duterte, ngày 22/4/2023, tổng thống Ferdinand Marcos Jr và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc là ông Tần Cương (nay đã bị cắt chức) còn thảo luận và đồng ý thiết lập thêm các PCG-CCG để quản lý hiệu quả hơn các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Còn nhớ, sau thỏa thuận, ông Marcos đã hoan hỷ nói rằng: “Một khi các đường dây liên lạc được thiết lập thì bất kỳ sự kiện tranh chấp nào xảy ra ở Biển Đông có liên quan tới Trung Quốc và Philippines đều có thể được giải quyết ngay lập tức”. Thế kia mà. Liệu còn cách nào thể hiện cao hơn nữa sự tin tưởng?

Vậy mà, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ 4 tháng sau, với vụ Trung Quốc quyết chặn đường tiếp tế cho nhóm binh sĩ trên bãi cạn Cỏ Mây, thiên hạ đã thấy tận mắt cái “ngay lập tức” mà ông Marcos từng kỳ vọng trong thực tế có hiệu quả, hiệu lực như thế nào?

Suy cho cùng, cũng chẳng khác được. Trong các đời tổng thống Philippines, dễ đã có ai đầu tư, chăm chút quan hệ với Bắc Kinh đến như ông Duterte, vậy mà cuối cùng nên công xá gì đâu?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới