Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgay sát giờ G, hơn 20 nước chính thức nộp đơn xin...

Ngay sát giờ G, hơn 20 nước chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS: Sức hút của 5 ‘con hổ’ vọt lên cao nhất mọi thời đại

Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra vào 22/8, Tổng thống Nam Phi thông báo hơn 20 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối này.

Hơn 40 quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, trong đó có 20 nước đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối.

Hơn 20 nước nộp đơn xin gia nhập BRICS
Hãng thông tấn Anadolu đưa tin, hơn 20 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS – khối các nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

“BRICS mở rộng (hay BRICS+) sẽ đại diện cho một nhóm các quốc gia với hệ thống chính trị khác nhau nhưng có chung mong muốn xây dựng trật tự toàn cầu cân bằng hơn” – Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu trên sóng truyền hình ngày 20/8.

Hôm nay (22/8), Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 sẽ chính thức khai mạc tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) và kéo dài tới ngày 24/8, với sự tham dự của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (đại diện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin).

Ngoài ra, khoảng 50 nhà lãnh đạo khác không phải là thành viên BRICS – trong đó có Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo – đã xác nhận sẽ tham dự các cuộc đàm phán trong khuôn khổ hội nghị.

Sức hút của BRICS lên cao nhất mọi thời đại
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các nền kinh tế BRICS đã phát triển nhanh chóng và trở nên nổi bật. Khối này được dự đoán sẽ chiếm 45% GDP toàn cầu vào năm 2030 nếu xét theo chỉ số sức mua tương đương (PPP).

Nhờ trọng tâm chính sách là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu, BRICS đã trở thành cực nam châm tự nhiên thu hút các nước khác muốn tham gia. Chuyên gia phân tích Anthony Rowley của SCMP nhận định, sức hấp dẫn của BRICS – với tư cách là lực lượng cân bằng trong các vấn đề thế giới – đang ở mức cao nhất mọi thời đại.

Theo tờ Washington Post, thành tựu lớn nhất mà BRICS đạt được là về tài chính. Các quốc gia trong khối đã đồng ý thành lập Quỹ dự trữ ngoại hối với số vốn lên tới 100 tỷ USD, nhằm hỗ trợ vốn cho nhau bằng USD trong trường hợp phát sinh vấn đề thanh khoản bằng USD. Cơ chế đó đã được áp dụng từ năm 2016, sau khi Ngân hàng Phát triển mới (NDB) được thành lập.

Trong khi đó, theo đài truyền hình CTGN (Trung Quốc), BRICS là một nền tảng quan trọng cho sự hợp tác giữa các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

“Nhiều nước muốn tham gia BRICS vì khối này có thể giúp thiết lập hệ thống quyền lực quốc tế tương xứng với quy mô kinh tế của họ, đồng thời phá vỡ sự mất cân bằng trong hệ thống quản trị toàn cầu hiện nay” – Ông Wang Youming, Giám đốc bộ phận nghiên cứu các nước đang phát triển tại Viện các nghiên cứu quốc tế (Trung Quốc) cho hay.

“Khác với G7, BRICS đề cao sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, đoàn kết, cởi mở và đồng thuận – dây cũng là một phần lý do khiến nhiều nước muốn gia nhập khối” – Ông Youming lưu ý.

Bà Valeriia Gorbacheva – người đứng đầu Văn phòng dự án chiến lược đa phương tại Trường kinh tế Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga cho biết, BRICS đóng vai trò là người ủng hộ lợi ích của các quốc gia đang phát triển.

Theo bà Gorbacheva, mục tiêu và giá trị của các quốc gia BRICS nhất quán với mục tiêu và giá trị của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điều đó có nghĩa, việc mở rộng BRICS chỉ còn là vấn đề về thời gian.

Trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 vào tháng 6 năm ngoái, các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia thành viên trong khối đã nhất trí mở rộng quy mô thành viên.

Trả lời phỏng vấn trên truyền thông Nga vào thời điểm đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, chủ đề mở rộng thành viên BRICS sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15.

Ông Peskov cho biết, Nga rất vui khi có thêm nhiều quốc gia thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến BRICS. Ngoài các quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập chính thức, còn có nhiều nước bày tỏ sự quan tâm lớn đến khối này.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh rằng “việc cho phép những quốc gia đáp ứng được các yêu cầu của BRICS tham gia vào khối là cực kỳ quan trọng”, đồng thời lưu ý BRICS có thể đóng một “vai trò đặc biệt” trên toàn cầu khi cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển mà không đi kèm các điều kiện khó khăn, từ đó giúp giảm tình trạng bất bình đẳng hiện nay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới