Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ thu mua… rác của thế giới

TQ thu mua… rác của thế giới

Trung Quốc đã từng xem rác thải của thế giới là thực phẩm chức năng của nhà mình. Rác từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về đây khiến quốc gia này bất ngờ giàu lên nhanh chóng. Tại sao lại “vô lý” như vậy?

Trung Quốc lại là quốc gia tạo ra rác thải nhựa lớn nhất, chiếm 1/5 tổng lượng rác thải nhựa trên thế giới.

Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu rác thải nước ngoài từ những năm 1980. Vào thời điểm đó, việc thiếu nguyên liệu công nghiệp và chi phí khai thác cao đã trở thành mối lo lớn nhất cho tốc độ phát triển của Trung Quốc. Cho nên giải pháp thay thế đó là nhập khẩu rác thải từ nước ngoài. Sau quá trình xử lý đơn giản, rác đã trở thành nguyên liệu thô. Đây chắc chắn là giải pháp tiết kiệm chi phí nhất. Nhựa phế thải đã được biến thành găng tay, quần áo và vô vàn vật dụng khác có thể giúp tiết kiệm từ 30 – 45 triệu tấn dầu thô mỗi năm.

Bên cạnh đó, các sản phẩm điện tử phế thải có thể chiết xuất được một lượng lớn kim loại quý như vàng, bạc, đồng, nhôm với chi phí rất thấp. Chất thải rắn như nhựa, giấy, sản phẩm cao su và kim loại nhập khẩu từ nước ngoài đã nhanh chóng trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Trung Quốc.

Trung Quốc cần nguyên liệu thô cho công nghiệp, trong khi các nước phát triển cần loại bỏ đống rác của mình với chi phí thấp nhất có thể mà thậm chí là còn được thêm tiền. Cho nên rác thải trở thành cơ hội làm ăn rất có lợi cho cả hai bên. Trung Quốc đã trở thành trạm tái chế rác thải lớn nhất trên thế giới. Thống kê cho thấy trong 20 năm từ năm 1995 – 2016, nhập khẩu rác thải hàng năm của Trung Quốc đã tăng 10 lần từ 4,5 triệu tấn lên hơn 46 triệu tấn mỗi năm. Năm 2015, Trung Quốc nhập khẩu hơn một nửa lượng rác thải của thế giới, bao gồm 22% phế liệu thép toàn cầu, 57% phế thải nhựa, 31% phế thải kim loại màu, 51% phế liệu giấy và 28% phế thải điện tử của thế giới. Trong đó Hoa Kỳ là nước bán cho Trung Quốc nhiều rác nhất: 22 triệu tấn mỗi năm; Châu Âu là 2,7 triệu tấn mỗi năm; và có khoảng 7 triệu tấn bị mất tích, hay đúng hơn là bị Trung Quốc nhập lậu mà không được báo cáo.

Nhập khẩu rác thải từ nước ngoài là một ngành kinh doanh giàu có chỉ sau một đêm. Vào thời kỳ đỉnh cao, tỷ suất lợi nhuận của việc nhập khẩu và xử lý rác thải nước ngoài lên tới 400%. Mua 1 tấn rác với giá chỉ 1.000 tệ có thể bán tới 5.000 tệ.

Một trong số những người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, Bà Chang Kin, đã biến rác thải thành “cỗ máy in tiền” cho mình. Năm 1985, Chang Kin cầm 30.000 nhân dân tệ đến Hồng Kông khởi nghiệp kinh doanh tái chế rác thải. Bằng cách tái chế giấy phế liệu từ Mỹ, bà đã trở thành “nữ hoàng thùng cát tông” của Hồng Kông chỉ trong vòng 6 năm. Năm 2006, Chang Kin đã trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, với giá trị tài sản 26 tỷ USD.

Tái chế rác thải, nhập từ nước ngoài đã trở thành một ngành công nghiệp trụ cột của một số thị trấn ven biển Trung Quốc. Ví dụ, Quý Tự thuộc tỉnh Quảng Đông là trung tâm phân phối rác thải điện tử lớn nhất thế giới. Văn An thuộc tỉnh Hà Bắc là trung tâm thu gom và phân phối nhựa phế thải lớn nhất thế giới và Kiệt Thạch thuộc tỉnh Quảng Đông, trung tâm bán buôn quần áo phế thải nước ngoài lớn nhất.

Vào thời hoàng kim, hơn 100.000 người trong thị trấn Quý Tự đã tham gia vào việc tái chế rác thải điện tử. Từ 1.000 tấn rác thải, họ có thể tháo rời đến 300 tấn đồng. Một xưởng gia đình nhỏ bé có thể kiếm hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm. Một thị trấn nhỏ có thể sản xuất đến hơn 100.000 tấn đồng mỗi năm bằng cách tái chế rác thải điện tử, tạo ra giá trị kinh tế vài tỷ nhân dân tệ. Sản lượng đồng khổng lồ này đã khiến ngành công nghiệp tái chế rác ở Quý Tự, thậm chí có ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng giá đồng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Tỷ lệ thu hồi tối đa theo lý thuyết là 85%. Phần không thể tái chế sẽ được chôn lấp hoặc đốt, gây ra ô nhiễm môi trường không thể phục hồi. Hơn nữa, rác thải ngoại lai thường lẫn lộn với nhiều loại rác có tính ô nhiễm cao và rác thải nguy hại. Những chuỗi công nghiệp khổng lồ với chất thải nước ngoài là cốt lõi đều phải trả giá bằng ô nhiễm môi trường.

Ngoài trung tâm phân phối rác thải điện tử lớn nhất Trung Quốc, Quý Tự còn được biết đến với hai tên gọi khác không mấy tốt đẹp, đó là “thị trấn máu chì” và “làng ung thư”. Năm 2002, qua cuộc kiểm tra sức khỏe cho học sinh tại một trong những ngôi làng cho thấy hơn 80% học sinh tiểu học và trung học cơ sở mắc bệnh đường hô hấp và 5 học sinh khác đã bị xác nhận ung thư máu.

Tháng 8/2014, một cuộc điều tra của Trường Đại học Y Sán Đầu cho thấy kim loại nặng đã gây ô nhiễm nghiêm trọng trong không khí và nước tại địa phương. Hàm lượng chì trong máu của trẻ đã vượt quá tiêu chuẩn. Làng Viễn Phong thuộc thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông là một trung tâm thu gom và phân phối rác nước ngoài từ năm 1995. Sau đó, một số lượng lớn dân làng đã chết vì ung thư, được truyền thông mệnh danh là “làng ung thư”. Đây là những cái giá quá đắt mà Trung Quốc phải trả khi làm trạm tái chế rác của thế giới.

Cũng chính vì nguyên nhân này mà những năm gần đây Trung Quốc đã bắt đầu cấm nhập khẩu rác thải. Năm 2018, sau một đợt dọn dẹp quy mô lớn chưa từng có ở Quảng Đông, 3.279 cửa hàng liên quan đã bị giải tỏa, 3.077 nhà kho chứa xử lý và vận hành quần áo cũ đã bị phá bỏ, hơn 6.000 tấn quần áo bị tiêu hủy. Theo báo cáo, khoảng 400 nhà máy ở Trung Quốc tái chế nhựa phế liệu đã phải chuyển ra nước ngoài.

Nhìn chung cái gì cũng có giá của nó. Nhưng thu nhiều tiền mà phải đổi bằng sức khỏe thì không để là sự đánh đổi thông minh. Đặc biệt, sự giàu lên chỉ dành cho một số ít những ông chủ doanh nghiệp, còn mối đe dọa sức khỏe lại dành cho người dân nghèo. Đó là một điều rất bất công. Qua đây hi vọng rằng các nhà lãnh đạo ở Việt Nam sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc nhập khẩu và xử lý phế liệu để các công ty Trung Quốc không biến các nước xung quanh thành bãi rác.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới