Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Ai sẽ giúp Việt Nam…?”

“Ai sẽ giúp Việt Nam…?”

Đầy đủ, câu hỏi dùng làm tít một bài viết trên mạng xã hội trong mấy ngày vừa qua, là: “Ai sẽ giúp Việt Nam nếu bị Trung Quốc uy hiếp trực tiếp trên Biển Đông?”.

Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu Việt Nam trong vụ Giàn khoan Hải Dương 981 hạ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Không biết tác giả câu hỏi có thật sự là người quan tâm với chủ quyền biển đảo của Việt Nam hay không, nhưng rõ một điều, nếu thực sự xảy ra tình huống bị Trung Quốc gây hấn, đe dọa chủ quyền biển đảo đang kiếm soát, Việt Nam sẽ xử lý như thế nào; có bảo vệ được những gì đang có trên Biển Đông hay không, là điều nhiều người Việt Nam đang trăn trở.

Vì sao vậy? Cái “vì” trước hết, là tinh thần yêu nước. Người Việt Nam là vậy: Yêu nước là phẩm chất, mẫu số chung; yêu nước là một giá trị truyền thống. Giả như có khác, là ở quan điểm, cách thức thôi. Điều đó lý giải tại sao, lòng người đôi khi có thể phân tán; quan điểm có thể bất đồng, nhưng đụng đến chủ quyền biển đảo, là trăm người Việt Nam như một, đều lấy đó làm thiêng liêng. Tình yêu lớn lao đó khiến nhiều người không thể không quan tâm đến diễn biến Biển Đông đang ngày một trở nên phức tạp, căng thẳng do tham vọng của nước láng giềng Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” với yêu sách “đường 9 đoạn” ngang ngược.

Cái “vì” thứ hai, là từ việc Philippines, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Ferdinand Marcos Jr đang tỏ ra xoắn xuýt với Mỹ với những chuyến ngoại giao con thoi, những cuộc tập trận chung giữa quân đội hai nước; và đặc biệt, là những lời thề thốt cam kết của Washington về việc “bảo vệ đồng minh” (Philippines).
Tất cả những điều đó khiến nhiều người cho rằng, Philippines “may mắn” có Mỹ, cường quốc số một làm đồng minh thì còn kẻ nào dám bắt nạt…

Cũng vì đó, có người mới suy tỵ, lấy làm ái ngại cho Việt Nam – một quốc gia bị Trung Quốc gây hấn, quấy nhiễu nhiều nhất, vậy mà tới nay vẫn kiên trì quan điểm ngoại giao độc lập tự chủ, nhất quán phương châm làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi…

Quan điểm đó, phương châm đó đành là phải pháp (luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982) rồi, nhưng thời buổi này, nếu gặp kẻ ngang ngược, hung hăng, côn đồ thì biết cậy vào ai?

Mà chẳng phải “nếu” như một khả năng nữa, Việt Nam, cũng như Philippines, Malaysia, Indonesia, đã và đang gặp rồi đấy thôi, trước một Trung Quốc ngạo mạn, tham lam vô lối…

Trong tâm thế đó, bắt được thông tin “vỉa hè” rằng, tháng 9 tới đây, quan hệ Việt – Mỹ đương ở tầm “đối tác toàn diện” hiện nay dường như có cơ hội thăng bậc, ít nhất là thành “đối tác chiến lược”, nhiều người mới hân hoan mà hùa vào cho rằng, thật là cơ hội tốt; rằng: Hà Nội chẳng nên làm cao để rồi lỡ thời cơ…

Phàm ở đời, trăn trở nhiều thường tìm ra lời giải sáng láng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hóa ra, Việt Nam mới là bên kín kẽ và chín chắn.

Kín kẽ và chín chắn thứ nhất, là mặc kệ thông tin phát ra từ phía Mỹ cũng như đoán già đoán non của dư luận, Hà Nội chỉ trả lời đại ý coi Mỹ như một trong những đối tác quan trọng hàng đầu; rằng, thực chất và hiệu quả quan hệ mới là quan trọng, chứ ngôn từ là cái thứ yếu…

Cái kín kẽ và chín chắn thứ hai, việc không phủ định thông tin đồn đoán của dư luận, Hà Nội như đang gài vào đó sẵn thông điệp rằng: mọi khả năng đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, giả như bang giao Việt – Mỹ thăng cấp thành đối tác chiến lược, hay hơn nữa thật, thì sự thăng cấp đó do nhu cầu tự thân bước phát triển quan hệ hai nước từng là cựu thù hướng tới cái lợi chung, chứ Việt Nam chẳng hề trông cậy vào nó để bảo toàn chủ quyền biển đảo.

Ngẫm mới thấy cái lý của Hà Nội là sâu sắc và thuyết phục. Cái lý đó có được từ những bài học cả trong lịch sử đất nước hình chữ S. Cái lý đó cũng là bài học rút ra từ thực tiễn xử lý các quan hệ quốc tế nhạy cảm, phức tạp trong lịch sử thế giới đương đại.

Với lịch sử đất nước, đó là bài học về quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Một dân tộc phải tự cứu mình chứ không thể phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, dù là các cường quốc hay đồng minh. Đi ngược lại điều cốt yếu đó, thắng lợi có thể không trọn vẹn; xương máu có thể phải đổ thêm nhiều hơn. Liên quan điều này, chính ông Hồ Chí Minh đã từng nói chí lý: “ Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ, thì không xứng đáng được độc lập”. Cũng Hồ Chí Minh, khi đề cập vai trò nội lực, đã khẳng định: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”…

Với lịch sử thế giới hiện đại, còn đó những bài học nhỡn tiền. Lấy ngay Philippines, quốc gia cùng khu vực mà không ít người có ý muốn Việt Nam bắt chước họ để thành thân với Mỹ. Cho dù với tinh thần “gác lại quá khứ”, nhưng ở đây, vẫn cần phải nhắc lại rằng, vì bổn phận đồng minh của Mỹ, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Philippines từng đưa quân vào tham gia cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam, nghĩa là từng gây tội ác với một đất nước không có oán thù, chỉ biết yêu chuộng hòa bình và công lý…

Là đồng minh của Mỹ, Philippines được Mỹ cam kết bảo đảm an ninh, chủ quyền, vậy mà khi Trung Quốc gây hấn với nước này tại bãi cạn Scarborough năm 2012, chính Mỹ đã phớt lờ lời hứa, tạo điều kiện để Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Scaborough. Vụ Scaborough là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến Philippines tiến hành vụ kiện Biển Đông đối với Trung Quốc tại Tòa trọng tài (PCA) năm 2013…

Trở lại câu hỏi “Ai sẽ giúp Việt Nam nếu bị Trung Quốc uy hiếp trực tiếp trên Biển Đông?”. Câu trả lời là: Chính nghĩa nhất định sẽ được ủng hộ, giúp đỡ. Nhưng, sự giúp đỡ, dù là ai, từ đâu đi nữa, để bảo vệ chủ quyền biển đảo, điều quan trọng nhất là Việt Nam vẫn phải dựa vào sức mình.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới