Vẻ ngoài mang dáng dấp của tàu chiến hiện đại và có tên lửa tầm bắn khoảng 2.000km, chiến hạm Amnok mà Triều Tiên vừa khoe đã khiến không ít người bất ngờ.
Hôm 21-8, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố các bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un thăm một đơn vị tàu chiến mặt nước của hải quân nước này.
Trong chuyến thị sát, ông Kim Jong Un cũng chứng kiến tàu chiến số hiệu 661 phóng tên lửa hành trình. Theo KCNA, chiến hạm này thuộc lớp tàu hộ vệ tên lửa Amnok do Triều Tiên chế tạo trong nước.
“Con tàu nhanh chóng bắn trúng mục tiêu mà không hề mắc sai sót nào”, KCNA khẳng định. Ông Kim Jong Un sau đó tuyên bố sẽ tăng cường đóng thêm các chiến hạm uy lực, hiện đại hóa hệ thống vũ khí dưới nước và trên các tàu chiến của hải quân Triều Tiên.
Theo trang Naval News, phần lớn giới phân tích quân sự xem việc Triều Tiên công bố ảnh phóng tên lửa hành trình tầm xa là một thông điệp nhắm đến cuộc tập trận Lá chắn tự do Ulchi của Mỹ và Hàn Quốc, trong đó họ dành nhiều sự chú ý cho chiến hạm 661 và loại tên lửa mà nó bắn.
Thoạt nhìn, con tàu này có nhiều đặc điểm của một tàu chiến hiện đại và được bổ sung các loại vũ khí, cảm biến hiện đại nhất mà Triều Tiên đang có.
Thiết kế bên ngoài được làm theo hướng giảm khả năng bị phát hiện trên radar, điều có thể bắt gặp ở nhiều tàu chiến thế kỷ 21.
Về vũ khí, ở boong trước có một khẩu pháo 100mm, sau pháo hạm là 4 bệ phóng rocket chống tàu ngầm có ngoại hình giống hệ thống RBU-1200 của Nga. Hai bệ súng máy 6 nòng cỡ 14,5mm cũng được đặt ngay trước đài chỉ huy.
Các bệ phóng tên lửa Hwasal-2 đặt ở giữa thân tàu và được che chắn kín. Ngay trên khu vực đặt tên lửa là radar điều khiển hỏa lực. Hai bên tàu, đi về phía đuôi, rất có thể Triều Tiên cũng bố trí các bệ phóng ngư lôi nhưng được ẩn bên trong thân, theo Naval News.
Năng lực phòng không của tàu phụ thuộc hoàn toàn vào các bệ phóng tên lửa Igla và AK-630 phía đuôi tàu.
Naval News cũng chú ý đến một khoảng trống giữa bệ phóng tên lửa Hwasal-2 và tháp chỉ huy. Trang này suy đoán trong tương lai, rất có thể Triều Tiên sẽ lắp các tên lửa chống hạm ở khu vực này do Hwasal-2 là tên lửa hải đối đất tầm xa.
Đuôi tàu là một khoảng trống lớn, được thiết kế giống sàn đáp trực thăng trên tàu chiến của các nước khác.
Việc đặt bệ pháo AK-630 trên sàn đáp này có thể chỉ là tạm thời cho đến khi Triều Tiên có được loại trực thăng thích hợp. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Triều Tiên sẽ không sử dụng trực thăng mà lắp các bệ phóng máy bay không người lái.
Theo Naval News, Triều Tiên nhiều khả năng còn có chiếc thứ hai đã đưa vào sử dụng hoặc đang hoàn thiện với hình dáng tương tự như chiếc 661. Đây cũng là các tàu chiến hiện đại nhất của Triều Tiên.
Mặc dù có số lượng hạn chế tàu chiến mặt nước so với Hàn Quốc hay Nhật Bản, chiến hạm lớp Amnok được xem là “làn gió mới” của hải quân Triều Tiên.
Trang Naval News gọi các tàu lớp Amnok là một nhân tố mới mà các nước trong khu vực phải cân nhắc vì có khả năng phóng tên lửa hành trình tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.