Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông, không chỉ có“kinh tế nóng, chính trị lạnh”

Biển Đông, không chỉ có“kinh tế nóng, chính trị lạnh”

Không như nhận định của Trung Quốc và một số học giả thân Bắc Kinh cho rằng tình hình Biển Đông đang ổn định và có “chiều hướng phát triển tốt đẹp”, thông tin tuần qua trên nhiều tờ báo đã báo động về những căng thẳng mới, rất đáng quan ngại.

Mới đây, tờ The Japan Times (tờ nhật báo xuất bản bằng tiếng Anh lâu đời và lớn nhất ở Nhật Bản) đã dẫn lời phát ngôn viên Hải quân Úc về sự nóng lên trên Biển Đông. Bản báo đưa tin, tàu chiến của Úc đã tham gia một cuộc tập trận chung cùng lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản khi hai bên đang trên đường đến Philippines.

Giải thích thêm về sự căng thẳng này, The Japan Times xác nhận, đó là sự căng thẳng giữa Mỹ cùng các đồng minh với Trung Quốc trên Biển Đông đang có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường. Chẳng hạn, trong quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines đã xuất hiện cụm từ “kinh tế nóng, chính trị lạnh”. Điều đó được giải thích là, mối quan hệ hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc mang tính thực dụng, hai bên có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, mặc dù đang có nhiều mâu thuẫn, khác biệt về chính trị”.

Cuộc tập trận giữa Úc và Philippines có sự tham gia của tàu hộ tống lớp Anzac và đổ bộ tấn công HMAS Canberra (L02) – chiến hạm lớn nhất của Úc hiện nay. Hải quân Úc cũng sẽ có một số cuộc tập trận khác cùng Philippines trong dịp đến thăm nước này, như việc điều động tàu chiến và máy bay cùng khoảng 2.000 quân nhân tham gia cuộc tập trận Alon. Đáng chú ý, cuộc tập trận có sự tham gia của 150 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ.

Trong cuộc tập trận có thể có sự tham gia của tàu HMAS Canberra, tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ (có thể mang theo chiến đấu cơ F-35 để tác chiến tàu sân bay), cùng với tàu khu trục chở máy bay trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản.

Vì sao cùng lúc quân đội của ba nước lại tham gia tập trận với các lại vũ khí, khí tài tối tân như vậy? Không có lí do nào khác là nhằm phô trương sức mạnh, ngầm ý nói với Bắc Kinh rằng, mức độ phối hợp chặt chẽ với sự tăng cường nguồn lực từ các đồng minh Tokyo và Canberra, chứ không chỉ dựa vào nguồn lực từ phía Washington. Cuộc diễn tập có thể là một thí dụ điển hình về quá trình chia sẻ gánh nặng an ninh và có sự phối hợp nhanh hơn so với trước đây.

Ngoài ra, Mỹ, Nhật Bản và Úc còn muốn răn đe Trung Quốc và các nước trong khu vực: Mỹ cùng các đồng minh sẽ sử dụng những nguồn lực mạnh nhất để hỗ trợ các bên trong khu vực. Cả Tokyo, Canberra và Washington cùng Manila đang thể hiện khả năng quân sự và quyết tâm sát cánh cùng nhau và sử dụng khả năng đó trong những hoàn cảnh mà họ nói rằng họ sẽ làm.

Càng xích lại đồng minh thì căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc càng leo thang. Manila tuyên bố đã hoàn thành việc tiếp tế cho lực lượng của nước này ở một hòn đảo trên Biển Đông. Manila làm thế là vì mới đây tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản tàu Philippines tiếp tế đến hòn đảo nêu trên. Còn Bắc Kinh thì tuyên bố, việc ngăn cản là cần thiết vì Manila đã mang vật liệu xây dựng để tôn tạo, nâng cấp hòn đảo.

Mặc cho Bắc Kinh ngăn cản, Mỹ cùng các đồng minh đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines. Ngày 22/ 8, Philippines tuyên bố đã tổ chức chuyển vật liệu xây dựng lần hai thành công.

Trong một diễn biến khác, cuối tháng 7/2023, tờ Manila Times (Philippines) đưa tin có ý nói rằng, Việt Nam cũng có những hành động quân sự hoá Biển Đông. Về vấn đề này, hôm 28/7, Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng 2023. Sách trắng coi việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, Nga tấn công quân sự Ukraine và Triều Tiên phóng tên lửa là ba mối nguy cho an ninh thế giới. Còn việc các quốc gia khác tuy có xây dựng một số thực thể trên biển nhưng khối lượng không đáng kể.

Cũng đúng theo tinh thần Sách trắng Quốc phòng 2023 của Nhật Bản, Nghị quyết của Thượng viện Philippines ngày 1/8 phê phán Trung Quốc về những hành xử ngang ngược của họ trên Biển Đông. Nghị quyết cũng chỉ rõ, để thực hiện kế hoạch tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc đã chuẩn bị trước một chiến dịch “dư luận chiến” nhằm đánh lạc hướng công luận quốc tế.

Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản cũng nói về việc Việt Nam cải tạo và quân sự hóa một số thực thể ở Trường Sa. Tài liệu này cho rằng, Việt Nam cải tạo một số thực thể ở những nơi “có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc”, và Việt Nam tiến hành những hoạt động này “trên những vùng lãnh thổ gần như nằm trong tầm kiểm soát của mình” và nhấn mạnh “quy mô cải tạo không lớn như Trung Quốc đã làm trong quá khứ”.

Điểm qua vài nét về những diễn biến mới nhất trên Biển Đông có thể thấy, tình hình khu vực này đang có những con sóng ngầm khá mạnh mẽ. Sự hợp tác giữa các nước có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Mỹ ngày càng chặt chẽ, thiết thực, cả về kinh tế, ngoại giao, quốc phòng.

Và không chỉ có “kinh tế nóng, chính trị lạnh”, cần nói thêm là, ngoại giao, quân sự cũng rất nóng, nhưng nó biểu hiện một cách ôn hòa, dưới dạng những cuộc tập trận chủ yếu nhằm phô trương lực lượng.

Bởi thế, theo phân tích của các nhà bình luận quốc tế, trong tương lai, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei có thể tăng cường hợp tác đa phương hẹp về vấn đề Biển Đông. Sự hợp tác này bao gồm cả việc tổ chức đối thoại năm bên, thậm chí tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển, tuần tra chung và các hoạt động giao lưu hữu nghị trên các đảo/đá trong khuôn khổ đa phương hẹp.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới