Nhiều doanh nghiệp đang trong tình cảnh kinh doanh ảm đạm dẫn đến khả năng hấp thụ vốn kém. Theo các chuyên gia, để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn, cần thúc đẩy chi tiêu từ ngân sách Nhà nước vì hiện còn 1 triệu tỉ đồng nằm trong ngân hàng trung ương.
Khó khăn chồng chất khiến doanh nghiệp ngại vay vốn
Là doanh nghiệp đầu ngành dệt may, ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 – phải thừa nhận trong khoảng 30 năm trở lại đây, từ khi ngành dệt may bắt đầu xuất khẩu sang các nước: Tây Âu, Mỹ và Nhật Bản, 2023 là năm bất thường nhất.
Trao đổi với Lao Động, ông Thân Đức Việt cho biết: “Lượng hàng giảm sút trong suốt những tháng đầu năm, từ nay cho đến những tháng cuối năm, sản lượng xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Chúng tôi không biết liệu có thể trụ vững đến khi phục hồi để chăm lo cho 12.000 lao động với khoảng 70 tỉ đồng tiền lương hàng tháng được không.
Trong bối cảnh hiện nay tất cả các chi phí đầu vào chưa có dấu hiệu giảm, trong khi khách hàng không tiêu thụ được sản phẩm, tồn kho lớn, tổng cầu giảm. Chúng tôi đối mặt với việc chi phí khó giảm mà giá thành lại giảm, dẫn đến nguy cơ kinh doanh không hiệu quả”.
Nguyên nhân được lý giải là do tổng cầu giảm khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp này cũng giảm theo. Đây là nguyên nhân gốc rễ của khả năng hấp thụ vốn kém của Công ty May 10 nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung.
Không riêng với đơn vị này mà nhiều doanh nghiệp khác cũng trong tình cảnh tương tự, kinh doanh ảm đạm dẫn đến khả năng hấp thụ vốn kém. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng từ đầu năm 2023 đến nay. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng. Số doanh nghiệp tiếp cận tín dụng trong những tháng đầu năm cũng giảm 1.000 doanh nghiệp.
Trước bối cảnh đó, ông Thân Đức Việt kiến nghị việc điều hướng nguồn vốn sẽ quyết định tính khơi thông và khả năng hấp thụ của doanh nghiệp. Ông nói: “Việc điều chuyển nguồn vốn phải đúng đối tượng, nên ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất trong thời điểm hiện nay. Vì đây là nguồn gốc tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân. Người dân cũng chính là người tiêu dùng sẽ góp phần kích tổng cầu tăng trưởng, cả nội địa lẫn xuất khẩu. Sau đó là điều hướng nguồn vốn cho đúng đối tượng có khả năng phục hồi vì nếu không sẽ trở thành nợ xấu”.
Đẩy mạnh chính sách tài khoá song hành với chính sách tiền tệ
Dưới góc độ chuyên gia, ông Phạm Xuân Hòe – chuyên gia kinh tế – đưa ra một số giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp.
Thứ nhất, thúc đẩy chi tiêu từ ngân sách Nhà nước vì hiện còn 1 triệu tỉ đồng nằm trong ngân hàng trung ương. Đây là tiền nằm trong kho phát hành chứ không phải tiền trong nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa không có dòng tiền bơm ra nền kinh tế, cũng như không có nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại để cho vay. Đây chính là vấn đề nằm ở chính sách tài khoá.
Điều quan trọng khác là vấn đề hoàn thuế. “Cần chuyển sang hoàn thuế tự động cho doanh nghiệp trên nền tảng số. Không thể hàng năm trời tiền của doanh nghiệp, thậm chí đi vay ngân hàng để nộp thuế xuất khẩu mà lại cứ để nằm đấy chịu lãi mà không có vốn để kinh doanh” – ông Hoè nhấn mạnh.
Về chính sách tiền tệ, vị chuyên gia cho biết, do thị trường bất động sản suy giảm, toàn bộ tài sản thế chấp tại các ngân hàng cũng bị suy giảm theo. Trước mắt chưa nên định giá lại tài sản bảo đảm. Đồng thời việc chấm điểm xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp cần giữ nguyên ở mặt bằng cũ. Nếu chấm theo tình hình hiện tại chắc chắn sẽ bị xuống điểm, từ đó khó vay tín chấp cũng như ngân hàng khó cho vay ra.
“Cần sự phối hợp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ hợp lại với nhau thì mới có thể tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế” – ông Hoè phân tích thêm.
T.P