Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines sẵn sàng

Philippines sẵn sàng

Quân đội Austraylia và Philippines đang có cuộc tập trận chung trên biển tại căn cứ hải quân nằm cách bãi Scarborough khoảng 240km. Quy mô cuộc tập trận khiến nhiều người cho rằng: Manila đang chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.

Tàu chiến lớn nhất của Australia HMAS Canberra tham gia cuộc tập trận Alon ở Philippines

Cuộc tập trận này bắt đầu từ ngày 25/8 vừa qua, mang tên Alon. Cơ quan quốc phòng hai nước Philippines và Austraylia thông báo, tham gia, có 6 tàu, nhiều máy bay và khoảng 2000 binh sĩ, trong đó có 700 binh sĩ Philippines, 1200 binh sĩ Australia. Một số cơ quan truyền thông tô đậm chi tiết Alon còn được Mỹ hỗ trợ về một số phương tiện cùng hơn 150 binh sĩ.

Dù Manila cũng như Canberra cùng nhấn mạnh Alon nằm trong chương trình hoạt động hợp tác quốc phòng giữa hai nước, nhưng dư luận “đọc vị” ngay bản chất của nó. Là gì? Là gửi tới Bắc Kinh – vốn một thời từng mặn mà, thân thiết như không gì thân hơn với Manila – rằng: Philippines nhiều bạn nhiều bè chứ không cô đơn để Trung Quốc thỏa sức bắt nạt.

“Chúng tôi cam kết với ý tưởng về một thế giới mà những tranh chấp được giải quyết theo luật quốc tế, và điều chúng tôi sẽ làm là đưa quân đội tham gia tăng cường trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” – lời ông Richard Marles, bộ trưởng Quốc phòng Austraylia tại một cuộc họp báo, chẳng đã nói toẹt ra hàm ý của sự kiện quân sự Philippines và Austraylia cùng đang thực thiện đó sao? Cái hàm ý đó thậm chí còn cho thấy cả cái hậm hực, cay cú bấy nay của Canberra dành cho Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại giữa hai bên.

Liên quan việc bị bắt nạt, nếu ai đó yêu cầu bằng chứng, hẳn Philippines sẽ không ngần ngại trưng ra vụ tàu hải cảnh Trung Quốc uy hiếp, ngăn cản, “xịt vòi rồng” vào các tàu của Philippines vào ngày 5/8 vừa qua khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho tiểu đội binh sĩ nước này trên một chiếc tàu cũ (có tên là BRP Sierra Madre mà quân đội Philippines cho lao lên bãi Cỏ Mây – thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – nhưng Philippines hiện kiểm soát) vào năm 1999 để làm “cột mốc” chủ quyền…Ngăn cản tiếp tế, Bắc Kinh không có ý “bỏ đói” nhúm binh sĩ Philippines. Cái chính họ muốn là “dằn mặt” để Manila nản lòng từ bỏ ý định mà Bắc Kinh cho là “cố thủ” trên một bãi cạn thuộc chủ quyền Trung Quốc (!).

Tuy nhiên, từng nếm “quả lừa” đau đớn trong vụ bãi cạn Scaborough năm 2012, Manila lần này bướng bỉnh và quyết liệt hơn nhiều.

Người dân Philippines phẫn nộ đã đành, các chính khách, trong đó có ông tổng thống Ferdinand Marcos Jr cũng đùng đùng nổi giận bác bỏ cái gọi là “thỏa thuận” của Philippines với Trung Quốc về việc sẽ rút con tàu (BRP Sierra Madre) được làm nơi đồn trú của nhóm binh sĩ Philippines lâu nay: “Tôi không biết về bất kỳ sắp xếp hoặc thỏa thuận nào mà Philippines sẽ đưa tàu của họ ra khỏi lãnh thổ của mình, trong trường hợp này là tàu BRP Sierra Madre khỏi Bãi cạn Cỏ Mây… Nếu có tồn tại một thỏa thuận như vậy, tôi hủy bỏ thỏa thuận đó ngay bây giờ”…

Nói cách khác, bằng phản ứng trên, coi như ông Marcos – người mà Bắc Kinh từng kỳ vọng sẽ dành cho Trung Quốc những tình cảm quý mến, nhất là sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc (từ ngày 3-5/1/2023) theo lời mời của ông Tập Cận Bình– đã “vỗ” thẳng vào mặt các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải.

Tuy nhiên, là một chính trị gia có nòi (con trai của cựu tổng thống Ferdinand Marcos Sr nổi tiếng và tai tiếng một thời), ông Marcos thừa kinh nghiệm và độ nhạy cảm để biết con thú khi háu đói sẽ như thế nào. Bắc Kinh cũng thế, tiếng là một cường quốc “trỗi dậy hòa bình”, nhưng với những gì đã làm lâu nay cùng những toan tính tham lam nhiều lần bị dư luận vạch trần, Bắc Kinh đang hiện nguyên hình như “con hổ…đói”. Con hổ này từng xơi gọn “miếng mồi” Scaborough từ tay “chú thỏ” yếu đuối và khờ khạo Philippines năm 2012, vậy thì giờ đây, quen miệng, rất có thể nó lại đang thèm thuồng những miếng mồi khác, tỷ như bãi Cỏ Mây này chẳng hạn…

Thế nên, tốt nhất là phòng vệ. Với một đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á, Philippines phòng vệ bằng cách tái gia hạn thỏa thuận Lực lượng thăm viếng với Mỹ (VFA); bằng cho phép Mỹ sử dụng thêm tới 4 căn cứ quân sự mới trên lãnh thổ; và đặc biệt, bằng các cuộc tập trận chung với Mỹ và đồng minh của Mỹ…

Hồi tháng 4 năm nay, vài ngày sau chuyến thăm Mỹ của ông Marcos, ngày 11-4, Philippines và Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung lớn chưa từng có của họ trên Biển Đông, trong đó có cả bắn đạn thật, bất chấp cáo buộc của Trung Quốc “Washington và Manila đang gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Tiếp đó, vào ngày 1/6, lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ, Nhật Bản và Philippines mở cuộc tập trận hàng hải ở Biển Đông – sự kiện được ví như câu trả lời cứng rắn của Manila cho việc Bắc Kinh tăng cường các các cuộc tập trận ở những tuyến đường thủy chiến lược trên Biển Đông trong thời điểm ngay trước đó.

Chưa hết, hai tháng sau cuộc tập trận quy mô lớn với Mỹ và Nhật Bản, là cuộc tập trận đáng nói đến mang tên Alon. Tham gia, có cả tàu chiến lớn nhất của Australia là chiếc HMAS Canberra. Cuộc tập trận diễn ra tại một khu vực cách cái tên bãi cạn Scaborough đầy nhạy cảm chỉ hơn 200 km, vào một thời điểm cũng nhạy cảm không kém, gần như ngay sau vụ Trung Quốc “xịt vòi rồng” vào tàu tiếp tế của Philippines.

Những cuộc tập trận có quy mô lớn, tổ chức ngày một dày hơn đó cho thấy, Manila đang dần thành kẻ “khó chơi” hơn nhiều, sẵn sàng hơn rất nhiều trong việc đối phó với những tình huống gây hấn trên Biển Đông của Trung Quốc.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới