Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ săn nhân tài chip từ phương Tây

TQ săn nhân tài chip từ phương Tây

Những năm gần đây, Trung Quốc đang âm thầm tuyển dụng tài năng từ Mỹ và các nước phương Tây, nhất là trong lĩnh vực chip, để tăng cường độ tự chủ công nghệ cao.

Một tấm màn hiển thị con chip máy tính và chữ “Tự chủ” tại Hội nghị AI Quốc tế ở Thượng Hải vào tháng 7

Trong thập niên trước năm 2018, Trung Quốc đã đẩy mạnh tuyển dụng các nhà khoa học ưu tú được đào tạo ở nước ngoài theo chương trình Kế hoạch Nghìn nhân tài (TTP). Chương trình này sau đó bị Washington coi là đe dọa tới lợi ích cũng như vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ.Hai năm sau khi ngừng thúc đẩy TTP trong bối cảnh Mỹ mở nhiều cuộc điều tra vào các nhà khoa học, Trung Quốc đã lặng lẽ khôi phục sáng kiến này dưới hình thức mới, theo 3 nguồn thạo tin và phân tích của Reuters sau khi xem xét hơn 500 tài liệu chính phủ trong các năm 2019-2023.Ba nguồn tin nói với Reuters rằng đợt tuyển dụng mới đem lại cho các ứng viên nhiều đặc quyền, bao gồm trợ cấp mua nhà, tiền thưởng ký hợp đồng thông thường từ 3 đến 5 triệu nhân dân tệ, tương đương 420.000-700.000 USD.Cuộc đua thu hút tài năng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đặt mục tiêu tự chủ về công nghệ cao, đặc biệt là trong ngành chất bán dẫn do vấp phải các hạn chế xuất khẩu của Mỹ.Theo báo cáo năm 2021 của tổ chức cố vấn chính phủ Trung tâm Phát triển Công nghiệp Thông tin Trung Quốc, ngành công nghiệp chip nước này thiếu khoảng 200.000 người trong năm nay, bao gồm kỹ sư và nhà thiết kế chip.Không quảng bá rộng rãiChương trình thay thế chủ yếu cho TTP có tên Khởi Minh (Khai Sáng) do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin giám sát, theo các tài liệu chính sách cấp quốc gia và địa phương, quảng cáo tuyển dụng trực tuyến và một nguồn trực tiếp nắm thông tin về vấn đề này.Hai trong 3 nguồn thạo tin cũng cho biết Khởi Minh tuyển dụng tài năng trong nhiều ngành khoa học công nghệ, bao gồm cả các lĩnh vực “nhạy cảm” hoặc “bí mật” như bán dẫn. Khác với TTP, chương trình này không xuất hiện trên các trang web của chính phủ trung ương và không quảng bá rộng rãi về người trúng tuyển.

Theo 2 trong 3 nguồn tin trên và một nguồn thạo tin khác, Khởi Minh hoạt động song song với các sáng kiến tuyển dụng do chính quyền cấp địa phương và cấp tỉnh thực hiện và hoạt động tuyển dụng của các công ty chip Trung Quốc.

Cả ba nguồn thạo tin cho biết, chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc ưu tiên ứng viên được đào tạo tại các tổ chức nước ngoài hàng đầu, tập trung vào chuyên gia là Hoa kiều hoặc người nước ngoài.

“Hầu hết ứng viên được chọn vào Khởi Minh đều theo học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ và có ít nhất một bằng tiến sĩ”, một trong 3 nguồn thạo tin nói, thêm rằng các nhà khoa học được đào tạo tại Viện Công nghệ Massachusetts, các trường đại học thuộc Harvard và Stanford cũng được săn đón.

Reuters không thể xác định có bao nhiêu chuyên gia đã được tuyển dụng theo chương trình Khởi Minh hoặc các chương trình liên quan, nhưng hàng ngàn người đã nộp đơn, theo đánh giá của Reuters đối với các tài liệu chính phủ.

Quan chức Mỹ nói rằng mặc dù việc săn nhân tài ở Mỹ không trái luật, các nhà nghiên cứu có nguy cơ vi phạm luật nếu không tiết lộ quan hệ với các thực thể Trung Quốc khi đang nhận ngân sách nghiên cứu từ chính phủ Mỹ, chia sẻ trái phép thông tin độc quyền, hoặc vi phạm lệnh kiểm soát xuất khẩu.

Tìm người từ các trường tốt nhất

Reuters tìm thấy hơn một chục quảng cáo tuyển dụng ứng viên Khởi Minh được đăng từ năm 2022 trên nền tảng Zhihu của Trung Quốc và trên LinkedIn.

Trong một bài đăng trên LinkedIn hồi tháng 2, Chen Biaohua, người tự nhận làm ở công ty Công nghệ Thông tin Liên kết Nhân tài Bắc Kinh, yêu cầu các ứng viên đủ điều kiện tham gia Khởi Minh gửi sơ yếu lý lịch qua email.

Bài đăng cho biết Chen đang tìm kiếm “tài năng trẻ” dưới 40 tuổi có bằng tiến sĩ tại các trường đại học nổi tiếng và có kinh nghiệm nước ngoài. Người này cũng tìm ứng viên giữ vai trò cấp cao tại các tổ chức học thuật nước ngoài hoặc công ty lớn.

Hồi tháng 3, hãng tìm kiếm nhân tài Hangzhou Juqi Technology đăng bài trên ResearchGate, mạng xã hội dành cho giới học giả, để tìm những người có bằng tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu hoặc có kinh nghiệm tại các công ty thuộc Fortune 500. Mục tiêu là tuyển dụng 5.000 nhà nghiên cứu nước ngoài cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Quảng cáo mô tả mình đang phục vụ chương trình Khởi Minh. Nếu trúng tuyển, mỗi nhà nghiên cứu có thể nhận được phần thưởng lên tới khoảng 2,1 triệu USD. Ai tiến cử nhân tài sẽ nhận được “kim cương, túi xách, ô tô và nhà”.

Trang web của Viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT) đã xác định ông Ma Yuanxiao – chuyên gia bán dẫn được đào tạo ở nước ngoài – là người nhận giải Khởi Minh năm 2021.

Ông Ma là phó giáo sư tại Trường Mạch tích hợp và Điện tử của BIT. Trước đó, ông lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Nottingham của Anh trong các năm 2013-2015 và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Hong Kong vào năm 2019.

Ông Ma không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Khó ngăn chặn

Chính quyền các tỉnh và thành phố khắp Trung Quốc đều đang đổ nguồn lực vào hoạt động tuyển dụng, các tài liệu chính thức cho thấy.

Một sáng kiến trong số đó là Kế hoạch Kunpeng, do tỉnh Chiết Giang thực hiện. Zhejiang Daily cho biết chương trình này nhằm thu hút 200 chuyên gia công nghệ trong 5 năm, trong đó 48 người đã được tuyển dụng.

Tại thành phố Ôn Châu, khoản đầu tư của chính quyền địa phương vào mỗi chuyên gia Kunpeng có thể lên tới gần 27,5 triệu USD, bao gồm thưởng cá nhân, vốn khởi nghiệp và nhà ở, theo báo cáo chính sách thu hút nhân tài năm 2022 của chính quyền thành phố.

Một người nhận thưởng từ chương trình Kunpeng là Dawei Di, tiến sĩ được Cambridge đào tạo. Ông hiện làm việc cho tại Đại học Chiết Giang với các nghiên cứu tập trung vào thiết bị quang điện tử bán dẫn, báo của trường này đưa tin năm 2021.

Tại Hồ Châu, cũng ở Chiết Giang, các nhà tuyển dụng giới thiệu ứng viên với Khởi Minh có thể nhận được khoản tiền khuyến khích lên tới hơn 200.000 USD từ chính quyền cấp thành phố hoặc cấp quận, nếu ứng viên đó được chấp nhận, theo chỉ thị thành phố năm 2021.

Mỹ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ. Bắc Kinh bác bỏ, cho rằng cáo buộc này có động cơ chính trị.

“Các đối thủ nước ngoài và cạnh tranh chiến lược hiểu rằng việc sở hữu nhân tài hàng đầu của Mỹ và phương Tây thường tốt không kém so với việc sở hữu công nghệ”, Dean Boyd, người phát ngôn của Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia thuộc chính phủ Mỹ, nhận định về kế hoạch tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc.

Nick Marro, nhà phân tích Trung Quốc tại Đơn vị Tình báo Kinh tế thuộc Tập đoàn Economist, cho rằng việc hạn chế rò rỉ tài sản trí tuệ do chảy máu nhân tài là rất khó vì nó “có nguy cơ biến thành các cuộc săn phù thủy mang tính sắc tộc”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới