Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBang giao Việt - Mỹ: “Quả tới ngày thì chín”

Bang giao Việt – Mỹ: “Quả tới ngày thì chín”

Gần đây, một số người dùng câu Kiều “Tình trong đã mặt ngoài còn e” của đại thi hào Nguyễn Du để ám chỉ Việt Nam, trong thì muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, nhưng ngoài thì vẫn e thẹn.

Ngày 7/7/2015, tại Nhà Trắng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Có người còn suy diễn, việc dùng dằng, thiếu quyết đoán này do Hà Nội “sợ” một khi Bắc Kinh phật ý (?), Việt Nam sẽ phải hứng chịu thêm những hành động chèn ép mới của Trung Quốc trên Biển Đông.

Sự im lặng của Việt Nam trong khi Washington đã chính thức loan báo ông Biden sẽ có mặt tại Hà Nội nay mai, càng dấy lên những lời thì thào rằng Bắc Kinh đang ép Hà Nội dừng lại đi việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, khi mọi sự hãy còn chưa muộn…

Mới thấy Hà Nội “không phải dạng vừa”. Họ chẳng việc gì phải chạy theo thiên hạ; cứ khoan nhặt, thủng thẳng, mặc những lời bàn chán bàn chê. Mãi tới ngày 29/8 vừa qua, người phát ngôn Việt Nam Phạm Thu Hằng mới xác nhận “Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10-11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…”

Nghề ngoại giao ăn nói thận trọng, kín kẽ để phòng nước lùi thế thôi. Chứ tới nước này, coi như chắc như đanh việc ông Biden sẽ có mặt ở Hà Nội ngày 10/9. Có mặt để “làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Mỹ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực…” như gương mặt phát ngôn viên mới nhậm vai chưa lâu này chia sẻ. Thông tin chính thức đã làm “xì” đi những tiếng oan gắn cho những nhà lãnh đạo đang ngồi trong khu Ba Đình về việc Việt Nam bị Bắc Kinh o ép tới mức chẳng còn chút gì tự chủ, độc lập.

Nhưng dẹp đi cái này lại nảy ra cái khác. Suy diễn về sức ép của Bắc Kinh không còn đất sống, thì lại có người cho rằng, mấy ngày qua, Hà Nội đã nỉ non mãi mới được Washington đồng ý để ông chủ Nhà Trắng “hạ cố” tới thăm, trong đó, chuyến thăm Mỹ đầu tháng 7 của Đoàn đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương Đảng CSVN do ông Lê Hoài Trung, Trưởng Ban, dẫn đầu là bằng chứng…

Nói cách khác, không chỉ chịu áp lực từ Trung Quốc, Việt Nam còn chịu áp lực từ Mỹ.

Nếu đúng vậy, thật mủi lòng cho cái thân phận nước nhỏ như Việt Nam.

Nhưng dư luận là dư luận, không phải khi nào cũng tập trung. Liên quan chuyến thăm Việt Nam của người đàn ông quyền lực nhất thế giới, không ít người cho rằng, Mỹ còn ham hố hơn Việt Nam việc nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm “đối tác chiến lược” hoặc tới đụng trần là “đối tác chiến lược toàn diện”. Trong câu chuyện này, tư thế hai bên là bình đẳng; thậm chí, Việt Nam còn có phần chủ động, “cành cao” hơn. Điều đó thể hiện ở ít nhất hai điểm.

Thứ nhất, chuyện Mỹ hăm hở, vồ vập, tin tưởng vào khả năng nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam là có thật. Sự hào hứng trong chuyến thăm Việt Nam của bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, vào tháng 8/2021, gắn với lời nhấn mạnh “Việt Nam có tầm quan trọng với Mỹ” đã thể hiện điều đó. Điều đó cũng thể hiện trong phát biểu của đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper nhân dịp kỷ niệm tròn 10 năm xác lập quan hệ “Đối tác toàn diện” (25/7/2013-25/7/2023), với lời nhấn mạnh rằng: “Mối quan hệ Việt Nam – Mỹ đã và đang phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và quốc tế…”. Trước đó, ông Ted Osius – hiện là chủ tịch và giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2014 – 2017, cũng đã khẳng định “Không gì là không thể: Hòa giải của Mỹ với Việt Nam” trong cuốn sách cùng tên do Nhà xuất bản Đại Học Rutgers, phát hành năm 2021.

Thứ hai, trong thông tin về chuyến công du Hà Nội của ông Biden, nhiều người để ý một điều “lạ”, hay nói đúng hơn, lặp lại kể từ năm 2015. Đó là việc giới truyền thông thảy đều nhấn mạnh “tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10-11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” (chứ không từ lời mời của ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng).

Điều đó có ý nghĩa gì? Ý nghĩa của nó nằm ở chỗ, cho thấy, ông chủ Nhà Trắng, dù không ưa cộng sản, nhưng vì “lợi ích quốc gia” nên đã lấy làm hồ hởi trước lời mời của người đứng đầu Đảng CSVN – một chức danh tương đương không có trong hệ thống quản trị của Hoa Kỳ.

Liên quan chuyện này, nhiều người còn tỷ mẩn nhớ lại, chuyến đi Mỹ được cho là “dọn đường” chuyến thăm của ông Biden tới Hà Nội của ông Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng CSVN Lê Hoài Trung, hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7, cũng từ lời mời của Bộ Ngoại giao Mỹ – một chức danh tương đương cũng không có trong hệ thống quản trị của Hoa Kỳ, nhưng ở cấp độ thấp hơn.

Khá khen cho cho cái sự xử lý linh hoạt, tinh tế của cả hai từng là cựu thù. Nhưng nếu không thật sự tôn trọng Việt Nam ở mức cao nhất, dễ gì, ông Biden có thể tiếp nối cách làm của Chính quyền Tổng thống Barack Obama hồi năm 2015 khi mời nhà lãnh đạo Đảng CSVN thăm Mỹ, để mà chấp nhận kiểu cách ngoại giao “tréo ngoe” như vậy?

Trở lại chuyện nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ: quả đến ngày thì chín thôi!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới