Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTập Cận Bình- Hán Vũ Đế thứ hai của TQ

Tập Cận Bình- Hán Vũ Đế thứ hai của TQ

Hoàng Đế Đỏ là cụm từ một số nhà nghiên cứu quốc tế dùng để nói về Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc. Người ta thấy được một Trung Hoa trỗi dậy mạnh mẽ, một nhà lãnh đạo cứng rắn và quyền lực nhất kể từ sau thời của Mao Trạch Đông. Sau 10 năm, Tập Cận Bình bước lên ngôi vị Cửu ngũ Chí Tôn của Trung Quốc.

Tập Cận Bình.

Năm 2013, bình tâm suy xét người ta thấy ông Tập đang dần trở thành một Hán Vũ Đế thứ hai của Trung Quốc. Lịch sử luôn có sự lặp lại, con đường mà Chủ tịch Tập đang đi phải chăng chính là con đường mà Hán vũ Đế Lưu Triệt ngày xưa đã đi?

Rồng ẩn mình

Đầu tiên đó là cách mà cả hai con người này bước lên ngôi vị Cửu Ngũ Chí Tôn của Trung Hoa rộng lớn. Lưu Triệt là con trai thứ 11 của Hán Cảnh Đế. Mẹ của ông là kế hoàng hậu Vương Chí. Vào thời phong kiến, hậu cung là nơi nguy hiểm không kém gì chiến trường, ai cũng muốn mang cho mình giọt máu thiên tử để tạo chỗ đứng sau này. Chính vì vậy hoàng tử nghiễm nhiên trở thành những quân cờ cho người mẹ điều khiển.

Lưu Triệt không nhận được nhiều tình cảm của vua cha trong những năm còn nhỏ. Thế nhưng nhờ vào cung đấu đủ mọi thủ đoạn, mưu sâu kế hiểm được mang ra thi thố mà các đối thủ của ông ta tự đâm chém lẫn nhau. Lưu Triệt nắm chân mệnh thiên tử trong tay, xung quanh luôn có người tính kế, dần dần đưa ông lên ngồi.

Lưu Triệt có người cô là Quán Đào công chúa bày kế ly gián làm triệt hạ đối thủ lớn nhất là mẹ con Lệ Cơ và Lưu Vinh. Ở hậu phương lại có mẹ là Vương Thái Hậu Vương Chí và bà nội là Hiến Văn Đậu Thái hậu huy động được sự ủng hộ của các quan trong triều.

Năm 141 trước công nguyên, Hán Cảnh Đế qua đời, Lưu Triệt khi đó mới 16 tuổi lên nối ngôi, tức Hán Vũ Đế. Thế nhưng những đứa con chỉ là quân cờ của các bà mẹ tranh đấu với nhau. Dù phe của Vương Thái Hậu và Đậu Hoàng Thái Hậu đã thắng, Lưu Triệt lên ngôi, nhưng thực chất quyền lực phần nhiều nằm trong tay bà nội của Lưu là Đậu Hoàng Thái Hậu.

Dù ban hành nhiều chính sách nhằm cải cách đất nước, để củng cố triều đình và trấn hưng quốc gia trong bối cảnh các bộ lạc của các nước lân cận đang lớn mạnh từng ngày, nhưng tất cả thì đều phải thông qua Đậu Hoàng Thái Hậu. Trước sự lộng quyền của bà nội dù là người đứng đầu thiên hạ, song thời kỳ đầu Hán Vũ Đế Lưu Triệt vẫn luôn phải kiêng rè nhẫn nhịn.

Như cởi được ách quản thúc sau 4 năm kế vị khi Đậu Hoàng Thái Hậu băng hà, Lưu Triệt đã trở về đúng vị thế của mình. Ngay sau khi đường đường chính chính nắm quyền giữa thiên hạ, việc đầu tiên ông ta làm chính là cho triệt hạ toàn bộ bè lũ họ Đậu, lấy đạo Nho làm tư tưởng trị quốc, bắt đầu chiêu mộ nhân tài và bổ nhiệm cho hàng loạt các Nho sinh làm quan.

Với vai trò Tổng Tư lệnh tối cao, nắm trong tay quyền lực và lực lượng quân đội đông đảo bậc nhất thế giới, Hán Vũ Đế trở thành chủ nhân duy nhất của triều đại Tây Hán. Khi quyền lực tập trung vào tay Hoàng Đế, ông không tin tưởng một ai và một mình xử lý toàn bộ công việc nội chính mà không cần tới sự hỗ trợ của bất kỳ một thế lực nhiếp chính nào. Toàn bộ những quý tộc bất tài và lộng quyền trước kia dưới trướng của Đậu Hoàng Thái Hậu đều bị đưa ra khỏi triều đình. Những dân thường nhưng có tài năng cũng được đề bạt vào những vị trí cao và trở thành những bề tôi trung thành của ông trong suốt thời kỳ kiến quốc.

Từ Hán Vũ Đế nhìn sang Tập Cận Bình ngày nay, “Rồng ẩn mình” là cụm từ chuẩn xác nhất để mô tả về quá trình lên ngôi vị Cửu Ngũ Chí Tôn của Tập. Nếu ngày xưa Lưu Triệt có Vương Thái Hậu, Vương Chí đứng sau thì ông Tập có Lưu Thiếu Kỳ. Có thể nói rằng, nếu không có Lưu Thiếu Kỳ cởi giúp ông cái mác con của kẻ có tội, giúp ông ta được tiếp cận với môi trường giáo dục tốt nhất thì cũng không thể có Tập Cận Bình hôm nay.

Năm 15 tuổi, Tập Cận Bình lâm vào cảnh nhà tan cửa nát, anh em li tán. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm, từng bị từ chối vào Đảng đến 7 lần, Tập cuối cùng cũng gặp được Lưu Thiếu Kỳ và được Lưu chọn mặt gửi vàng làm thế hệ lãnh đạo tương lai của Trung Quốc.

Sau đó Tập gặp được Cảnh Tiêu, một cấp dưới cũ của cha mình năm xưa, dìu dắt ông từng bước vào chiến trường không tiếng súng này. Nếu Lưu Triệt phải nhẫn nhịn suốt 4 năm làm theo ý của mẹ và bà nội thì Tập Cận Bình cũng phải nhẫn nhịn và che giấu con người thực của mình khi bước chân vào hàng ngũ trụ cột của quốc gia.

Năm 2008, ông Tập trở thành Phó Chủ tịch nước, và chỉ 4 năm sau bước lên chức vụ cao nhất là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi tròn 60 tuổi ngày 14/3/2013, ông được bầu làm Chủ tịch nước, giữ hai chức vụ cùng một lúc, đến đây từ quá trình bước lên đỉnh cao quyền lực đã hoàn tất.

Có một câu chuyện nhỏ về việc ông Tập lên nắm quyền. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa bản phim 2010, Tư Mã Ý từng nói với Tào Phi rằng: “Văn chương hoa mỹ làm gì? Biết tranh thủ thời cơ, nắm bắt cơ hội mới là cảnh giới cao hơn, mà Nhị công tử đã đạt đến cảnh giới này này mà tỏ ra không biết gì, với công tử tôi chỉ có vài chữ “Rồng ẩn mình”, và Tập Cận Bình chính là người đã đạt tới cảnh giới như Tư Mã Ý nói.

Khi những nhà cách mạng lão thành cân nhắc lý lịch của ông và các ứng cử viên khác, họ đã chọn ông vì nhận định rằng: thứ nhất, cách làm việc đời tư đều rất chừng mực và chuẩn chỉnh; thứ hai, dễ uốn nắn, dễ bị kiểm soát và không có hậu thuẫn. Thế nhưng mọi thứ đã không như họ mong đợi, hoặc là họ đã đánh giá quá thấp ông Tập, hoặc là ông Tập quá giỏi che giấu bản thân. Từ một ứng cử viên dễ thỏa hiệp trong mắt những người tiền nhiệm đã trở thành lãnh đạo cứng rắn và ít thỏa hiệp nhất.

Nếu năm xưa việc xóa bỏ các phiên chư hầu và bỏ lệ con trưởng nối ngôi của Hán Vũ Đế đã tạo ra tiền lệ chưa từng có trong lịch sử phong kiến, thì việc năm 2013 Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cộng thêm Tổng Bí thư đã tạo ra tiền lệ chưa từng có trong lịch sử của Trung Quốc hiện đại. Việc này đã gần như biến ông ta thành Lưu Triệt năm xưa, khi quyền lực tập trung toàn bộ vào tay của một người: nắm chính trị, nắm luật pháp và quan trọng nhất là nắm quân đội trong tay. Đây chẳng phải là một hoàng đế hay sao?

Nghiền nát kẻ thù số một của người Hán

Hàng thiên niên kỷ trước khi Lưu Triệt ra đời, Hung Nô đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của người Hán. Để tránh phải đối mặt trực tiếp và sự quấy nhiễu của các bộ tộc thống lĩnh vùng thảo nguyên phương Bắc rộng lớn, các hoàng đế đời trước của Lưu Triệt đã cho xây dựng và củng cố bức tường thành vạn dặm (Vạn Lý Trường Thành). Căm phẫn thế lực độc tôn thảo nguyên và mong muốn chấm dứt nạn cống nạp cho người Hùng Nô, phần lớn thời gian tại ngôi của mình Hán Vũ Đế đã dành cho việc ngăn chặn làn sóng du mục để dạy cho người Hung Nô một bài học. Từ năm thứ hai tại vị, Hán Vũ Đế đã cho tướng quân là Trương Kiên thực hiện những cuộc du hành đến vùng lòng chảo Tarim và Brasim và bộ tộc Nguyệt Chi ở thung lũng Ferghana để tìm kiếm liên minh. Sau chuyến thám hiểm tìm kiếm đồng minh khắp vùng Trung Á, tại vùng đất biên giới là Mã Ấp, Hán Vũ Đế đã đề ra mưu lược vây bắt Thiền Vù – vua cầm đầu bộ lạc này. Song là kẻ sáng suốt, Thiền Vu nhanh chóng phát hiện ra sự nguy hiểm và đổi hướng bỏ chạy. Sau khi chiến lược vây bắt vua Hung Nô thất bại từ năm 133 trước Công nguyên hai quốc gia này đã chính thức tuyên chiến.

Tuy không lấy được đầu của Thiên Vu, song trận chiến Mã Ấp đã giúp Hán Vũ Đế nhận ra được điểm yếu của quân đội. Sự chậm chạp của quân đội Hán lập tức được ông khắc phục bằng cách nâng cấp chủ đạo ngựa mới, tướng mới, tập trung vào bộ bình và kỵ binh. Dưới sự lãnh đạo tài tình của các viên tướng tài dưới thời Hán Vũ Đế như Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, quân đội nhà Hán đã giành được nhiều thắng lợi trước Hung Nô hùng mạnh. Trong trận Mạc Bắc năm 119 trước Công nguyên, quân của Vệ Thanh đã giành thế áp đảo và đuổi Thiền Vu bỏ chạy vào sâu lãnh thổ phương Bắc, rút chạy khỏi sa mạc Ordos và núi Qilian. Sau đó, đưa quân tiến đánh kinh đô Hung Nô, rồi tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ của thuộc địa Hung Nô, trong đó có vùng đất trù phú ở thung lũng Ferghana được cai trị bởi Alexander Đại Đế.

Với Tập Cận Bình, kể từ khi ông mới chân ướt chân ráo bước vào vũ đài chính trị, vấn đề Tân Cương đã làm đau đầu các lãnh đạo của Trung Hoa. Nơi đây luôn có các nhóm nổi dậy người Duy Ngô Nhĩ chống lại chính quyền đòi độc lập. Vào lúc cao điểm nhất thời hậu Xô Viết, khu vực Tân Cương và các quốc gia mới thành lập sau sự tan rã của Liên Xô đã trở thành địa bàn cho các nhóm chiến binh Hồi giáo hoạt động, nó gần như đã biến thành chiến tranh khiến các đời lãnh đạo ở đây bất an vô cùng vì không biết khi nào sẽ có đánh bom khủng bố hay nổi dậy cướp chính quyền. Khi Tập Cận Bình giữ ngôi Hoàng Đế Đỏ, ông ta đã dùng quân bài giống hệt Lưu Triệt năm xưa. Nếu Lưu Triệt cử Chương Thiên thực hiện cuộc du hành đến vùng lòng chảo Talim và Brasim cũng như tộc Nguyệt Chi ở thung lũng Ferghana tìm kiếm liên minh, chống Hung Nô thì Tập Cận Bình đã tới gặp Valimir Putin để cùng thỏa thuận. Trung Quốc sẽ ủng hộ Nga về vấn đề Chechnya và bán đảo Crime. Đổi lại, Nga ủng hộ họ về vấn đề Tân Cương, Nga sẽ gây áp lực nên các quốc gia Trung Á phải mạnh tay loại bỏ những phần tử này.

Nếu Lưu Triệt năm xưa tập trung bộ binh và kỵ binh vào tay của những dũng tướng như Vệ Thành, Hoắc Khứ Bệnh đánh tan Hung Nô, thì Tập Cận Bình phát động một chiến dịch chống khủng bố tại Tân Cương, đưa hàng loạt các quân đoàn chủ lực và vũ khí hiện đại lên đây để dẹp các nhóm nổi dậy. Việc này nghe giống như dùng dao mổ trâu để thịt gà, nhưng sự thực thì nó hoàn toàn hợp lý. Không những vậy Tập Cận Bình còn có nước đi xa hơn Lưu Triệt đó là cùng đánh bại lực lượng vũ trang, đồng thời tiến hành hủy diệt văn hóa của kẻ thù.

Hồi giáo là tôn giáo chính ở Tân Cương và Trung Quốc dĩ nhiên là muốn triệt tiêu, số lượng nhà thờ Hồi giáo tại Tân Cương chiếm 1/3 tổng số nhà thờ Hồi giáo trên toàn Trung Quốc. Chỉ trong vòng có mấy năm đã bị chính quyền đóng cửa tới 20%. Bắc Kinh cũng đặc biệt chú ý tới kiểm soát các cơ sở tôn giáo, giáo dục. Chỉ trong năm 1997, tại Tân Cương đã có tới 105 nhà trường Hồi giáo bị đóng cửa.

Dân số của Tân Cương cũng đang bị đồng hóa mạnh mẽ. Năm 1990, người Hán ở Tân Cương chỉ chiếm số lẻ và một phần nhỏ, chủ yếu là các quan chức và binh lính. Thế nhưng kể từ khi Trung Quốc dốc tiền của vào đây, cơ cấu dân số của Tân Cương đã thay đổi chóng mặt. Năm 2022, khu vực Tân Cương có 24 triệu người sinh sống, trong đó thì 40,5% là người Hán, người Duy Ngô Nhĩ là 45,2%. Có thể thấy rằng chiến dịch đồng hóa của Trung Quốc đã có một bước tiến dài gần đến với sự thành công.

Hãy nhìn vào thành phố Udumi là thủ phủ của Tân Cương để thấy điều này. Nơi đây là trung tâm của các ngành công nghiệp và vận tải, với hơn 4 triệu dân được đánh giá là thành phố phát triển ngang ngửa với những quốc gia phát triển. Thế nhưng 75% dân số ở đây thì lại là người Hán. Người Duy Ngô Nhĩ chỉ chiếm 12%. Như vậy là cả Hán Vũ Đế và Tập Cận Bình đều đã thành công đánh bại hai kẻ thù lớn nhất của người Hán thời kỳ phong kiến và hiện đại.

Giấc mộng Trung Hoa

Trung Quốc đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, chứng kiến sự thịnh suy của 24 triều đại với 494 vị hoàng đế. Tuy nhiên, trong số đó để được xưng là Thiên Cổ Nhất Đế – Hoàng Đế tài ba nhất thì chỉ có 4 người. Đó là Tần Thủy Hoàng, Lý Thế Dân, Khang Hy và Lưu Triệt. Đây đều là những người đã biến Trung Quốc trở thành trung tâm của thế giới một thời. Và con đường mà Tập Cận Bình đang đi hôm nay chính là trở thành người thứ năm trong Thiên Cổ Nhất Đế.

Con đường ấy chính là con đường Tơ Lụa. Vành Đai và Con Đường được xây dựng dựa trên hai trụ cột chính đó là Con Đường Tơ Lụa trên biển và Con Đường Tơ Lụa trên bộ. Chính vì điều này hàng trăm tỷ USD được đổ vào hệ thống đường sắt từ Tân Cương đi khắp mọi nơi đến Trung Á, Châu Phi và Châu Âu đưa hàng hóa cũng như văn hóa, sức ảnh hưởng của Trung Quốc ra khắp thế giới.

Với con đường thủy – con đường ngoại giao bẫy nợ đã giúp Trung Quốc đưa về vô số cảng và sân bay mang tính chiến lược cả về quân sự lẫn kinh tế. Hãy nhìn vào quân cảng Ream tại Campuchia. Đó là một căn cứ hải quân Trung Quốc đã có nó, việc duy trì quân đội ở đây nhằm phá vỡ lời nguyền Malacca của Mỹ và tạo ra một con dao uy hiếp kẻ thù khó chịu của họ ở Biển Đông đó là Việt Nam, tạo bàn đạp tiến ra biển lớn, biến Biển Đông và Đông Nam Á gần như thành sân sau nhà mình. Thực tế, Tập Cận Bình cũng không hề giấu diếm ý đồ của mình, ngay sau khi mới ngồi lên ngôi vị Cửu Ngũ Chí Tôn của Trung Quốc vào năm 2013, ông đã phát biểu: “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc, văn minh Trung Hoa từng giữ vị thế số 1 thế giới về trình độ và tầm ảnh hưởng trong suốt gần 3.000 năm từ thời nhà Chu. Vị thế này đã mất đi do sự suy trệ vào cuối thế kỷ thứ 18, sau 200 năm nhiệm vụ của dân tộc Trung Hoa là giành lại vị thế này.”

Tập Cận Bình còn khẳng định lại điểm này một lần nữa qua bài Diễn văn Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Ông nói: “Đất nước Trung Hoa là một đất nước vĩ đại, đã từng trải qua nhiều khó khăn và nghịch cảnh, thế nhưng vẫn không hề bị khuất phục. Nhân dân Trung Quốc là dân tộc vĩ đại, cần cù, dũng cảm và không bao giờ ngừng nghỉ trong công cuộc mưu cầu tiến bộ. Đảng Cộng sản Trung Quốc là một Đảng vĩ đại, Đảng có lòng can đảm để chiến đấu và quyết tâm chiến thắng. Bánh xe lịch sử vẫn quay đều, ngọn triều của thời đại là rất lớn lao và mạnh mẽ, lịch sử sẽ tử tế với những ai có quyết tâm, có động lực, có tham vọng và lòng can đảm. Nhưng lịch sử sẽ không chờ đợi những kẻ chần chừ, lãnh đạm hoặc những kẻ e ngại thách thức. Trong kỷ nguyên mới dũng cảm này, Trung Quốc sẽ di chuyển gần hơn tới sân khấu trung tâm”.

Có thể nói, Tập Cận Bình đang thật sự trở thành một Hán Vũ Đế thứ hai của Trung Quốc khi mà con đường ông ta đang đi chính là con đường của Lưu Triệt năm xưa. Vậy thì tương lai liệu Trung Quốc có trở thành trung tâm thế giới như nhà Hán và Tập có vĩ đại như Lưu Triệt hay không, hãy để thời gian trả lời.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới