Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam để đối phó với...

Mỹ đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam để đối phó với TQ

Mỹ đã và đang tích cực tìm cách củng cố mối quan hệ với các đồng minh và đối tác châu Á, nhằm đối phó hiệu quả mối đe dọa do Bắc Kinh gây ra. Trong khi đó, Việt Nam có thái độ tiêu cực về Trung Quốc, đặc biệt trong các vấn đề phát triển kinh tế và lãnh thổ. Việt – Mỹ đang mong đợi chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội ngày 10/09.

Để tăng cường quan hệ với các nước ở châu Á và đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tổng thống Joe Biden sẽ bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào tháng 9. Chuyến thăm sẽ diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Trại David, một sự kiện mang tính bước ngoặt trong tháng 8 của Mỹ với sự tham gia của Nhật Bản và Hàn Quốc, nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc kiểm soát ảnh hưởng của ĐCSTQ trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngày 18/08, Tổng thống Biden đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Trại David. Nó đánh dấu một bước tiến đáng kể trong nỗ lực hợp tác giữa ba quốc gia, với các chủ đề bao trùm lĩnh vực hợp tác an ninh và kinh tế. Một tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh đã đặc biệt chỉ trích “hành vi nguy hiểm và hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu.

Theo Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre, Tổng thống Biden sẽ tới Hà Nội, vào ngày 10/09/2023. Ở đó, ông Biden sẽ gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo chủ chốt khác để thảo luận các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí và đang thảo luận các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương theo hướng ổn định, thực chất, lâu dài và hướng tới nâng cấp [mối quan hệ] lên một tầm cao mới khi có thể”.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, người bày tỏ mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Hơn nữa, khi phát biểu tại một buổi gây quỹ chính trị ở New Mexico vào đầu tháng 8, Tổng thống Biden đã đề cập rằng ông có thể sẽ đến thăm Việt Nam.

Mỹ đã và đang tích cực tìm cách tăng cường mối quan hệ với các đồng minh và đối tác châu Á nhằm đối phó hiệu quả mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra: điều mà tuyên bố chung ngày 18 tháng 8 gọi là “những hành động không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, làm suy yếu hòa bình và sự phồn vinh của khu vực”.

Ngành đất hiếm của Việt Nam được coi trọng

Theo Reuters, Mỹ rất coi trọng ngành đất hiếm của Việt Nam. Những người trong ngành cho rằng Việt Nam có trữ lượng khoáng sản đất hiếm chỉ đứng sau Trung Quốc về quy mô. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến trong công nghệ tinh chế, cho thấy tiềm năng thách thức sự độc quyền của ĐCSTQ trong lĩnh vực sản xuất đất hiếm.

Dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) tiết lộ sản lượng đất hiếm của Việt Nam đã tăng gấp 10 lần vào năm ngoái, tăng từ 400 tấn năm 2021 lên 4.300 tấn vào năm 2022, trở thành nước sản xuất đất hiếm lớn thứ sáu thế giới.

Các nguyên tố đất hiếm rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp tiên tiến như nam châm vĩnh cửu và chất mài mòn bán dẫn. Sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này đã làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể sử dụng các nguyên tố đất hiếm như một công cụ trả đũa trong các tranh chấp với các nước như Mỹ và Nhật Bản. Do đó, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm đã trở nên cấp thiết đối với Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản.

Để giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã ký thỏa thuận vào ngày 23/06 để khởi động “hợp tác mạng lưới cung cấp đất hiếm”, phù hợp với “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước.

Mối quan hệ của Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển đáng kể. Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Đáng chú ý, năm trước, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thặng dư thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, với các tập đoàn nổi tiếng của Hàn Quốc như Samsung ngày càng tăng cường sự hiện diện tại đây.

Riêng Samsung sản xuất gần một nửa số điện thoại thông minh và máy tính bảng tại các nhà máy ở Việt Nam và sản phẩm của Samsung chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc

Mặc dù có chung đường biên giới và có mối quan hệ kinh tế, Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua những tranh chấp lãnh thổ đáng kể ở Biển Đông trong những năm gần đây. Những căng thẳng này đã leo thang tạo ra sự bế tắc trên biển vào tháng 5 năm nay.

Vào tháng 7, Việt Nam thậm chí còn cấm bộ phim “Barbie” của Mỹ vì nó có bản đồ thể hiện “đường chín đoạn” – được Trung Quốc sử dụng để đánh dấu chủ quyền của mình đối với hầu hết Biển Đông.

Một cuộc khảo sát của Pew Research từ tháng 8 năm 2017 cho thấy người Việt Nam có quan điểm không thiện cảm với ĐCSTQ, với tính phê phán đứng hàng đầu trong số các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đứng đầu danh sách các quốc gia coi “sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc” là điều tiêu cực.

Việt Nam xích lại gần Mỹ

Bất chấp những xung đột lịch sử, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vẫn không ngừng được cải thiện. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và các tàu sân bay của nước này đã có nhiều lần dừng chân tại Việt Nam.

Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và cựu giáo sư lịch sử tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, nói với The Epoch Times vào ngày 22/08 rằng việc Việt Nam tham gia vào liên minh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ là mấu chốt để hạn chế ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Ông Lý lưu ý rằng, Việt Nam và Trung Quốc có mâu thuẫn với nhau. Việt Nam phản đối Trung Quốc về phát triển kinh tế và vấn đề lãnh thổ. Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam dựa vào Mỹ để có được nguồn lực quân sự, vũ khí và công nghệ tiên tiến.

Ông Lý dự đoán Việt Nam sẽ thận trọng điều hướng mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, đồng thời vẫn thận trọng trước xu hướng lợi dụng mối quan hệ của ĐCSTQ. Ông cho rằng, Việt Nam sẽ có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, đồng thời dần thoát khỏi ảnh hưởng của ĐCSTQ.

RELATED ARTICLES

Tin mới