Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam tăng trưởng kinh tế số ấn tượng

Việt Nam tăng trưởng kinh tế số ấn tượng

Tiến sĩ Oliver Massmann – Tổng Giám đốc của Công ty luật Duane Morris Vietnam LLC – nhận định, kinh tế số Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Trong bài viết trên trang Mondaq, Tiến sĩ Oliver Massmann thông tin về nền kinh tế số Việt Nam, những tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị Big C Thăng Long.

Tiến sĩ Oliver Massmann chỉ ra, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số ở Việt Nam rất ấn tượng. Theo báo cáo của Google, nền kinh tế số của Việt Nam ước tính đạt giá trị 14 tỉ USD vào năm 2020, tăng 450% kể từ năm 2015.

Mức tăng trưởng kinh tế số được dự báo là khoảng 30% trong giai đoạn 2020 – 2025 do Việt Nam đang tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong chương trình này, Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử và đảm bảo nền kinh tế số chiếm 30% GDP cả nước vào năm 2030.

Tuy nhiên, ông Oliver Massmann cho rằng, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần giải quyết kịp thời những vấn đề mà các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin gặp phải. Những vấn đề mà ông chỉ ra là: Gánh nặng hành chính với các sản phẩm công nghệ thông tin; những nội dung mang tính trở ngại cần được điều chỉnh trong các chính sách, bao gồm Nghị định số 71/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Giao dịch Điện tử sửa đổi, dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi.

Ví dụ về gánh nặng hành chính với các sản phẩm công nghệ thông tin, Tổng Giám đốc Duane Morris Vietnam LLC lưu ý, các sản phẩm công nghệ thông tin ở Việt Nam phải tuân theo các thủ tục cấp phép và đăng ký khác nhau. Dù các sản phẩm công nghệ thông tin này có thể được chứng minh là tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế đã được thiết lập nhưng chúng không được phép thông quan tại biên giới Việt Nam nếu không được kiểm tra cụ thể theo từng quốc gia.

Trong bài viết, ông Oliver Massmann cũng đề cập tác động của EVFTA, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và Hiệp định CPTPP. Ông chỉ ra, các luật liên quan tới viễn thông của Việt Nam nhìn chung tương đối tương thích với các cam kết trong EVFTA và CPTPP.

Ở nội dung này, ông Oliver Massmann đề cập tới thủ tục đưa tranh chấp liên quan tới đầu tư giữa nhà đầu tư của một bên với chính phủ của một bên khác ra Toà án Đầu tư giải quyết. Trong trường hợp một trong hai bên tranh chấp không đồng ý với quyết định của tòa án, có thể kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Việc này tương tự như cơ chế giải quyết tranh chấp 2 cấp trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo ông, cơ chế này có thể tiết kiệm thời gian và chi phí cho toàn bộ quá trình tố tụng. Phán quyết trọng tài cuối cùng có tính ràng buộc và có hiệu lực thi hành mà không cần tòa án địa phương xem xét. Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm thực hiện đầy đủ cam kết này trong vòng 5 năm kể từ khi EVIPA có hiệu lực.

Tính đến tháng 2.2023, có 11 trong số 27 thành viên EU phê chuẩn EVIPA. Điều đó có nghĩa là cần 16 thành viên EU còn lại phê chuẩn thì hiệp định mới có hiệu lực. CPTPP cũng có cơ chế cho phép nhà đầu tư của một bên kiện chính phủ bên kia nhưng không bao gồm thời gian chuyển tiếp 5 năm như EVIPA.

Tiến sĩ Oliver Massmann chỉ ra, Chính phủ Việt Nam dự kiến sớm sửa đổi các quy định trọng tài hiện hành trong nước để đảm bảo cam kết theo EVIPA. Sau đó, các nhà đầu tư theo CPTPP có thể tận dụng được những cải thiện chính sách này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới