Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThổ Nhĩ Kỳ giành thị trường xuất khẩu vũ khí ở châu...

Thổ Nhĩ Kỳ giành thị trường xuất khẩu vũ khí ở châu Á

Cuộc đua vũ trang ở châu Á hiện đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi các vũ khí giá rẻ Thổ Nhĩ Kỳ tham vọng bắt kịp hàng chất lượng của Hàn Quốc và giành thị phần ở châu Á.

Sau khi nhận được đơn đặt hàng vũ khí lớn nhất từ trước đến nay từ các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập trong năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tìm cách mở rộng thị trường ra ngoài Trung Đông và cạnh tranh với Hàn Quốc để bán vũ khí đạt tiêu chuẩn NATO cho châu Á.

Các nhà sản xuất quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ thu hút các quốc gia châu Á, vốn quan tâm đến việc giảm sự phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu bằng cách đề nghị hợp tác phát triển vũ khí cho các thiết bị quân sự như máy bay chiến đấu Kaan thế hệ thứ 5, xe tăng chiến đấu chủ lực Altay và tàu sân bay hạng nhẹ L400 – tàu chiến đầu tiên trên thế giới được thiết kế dành cho mang máy bay không người lái (UAV) chứ không phải máy bay chiến đấu.

Là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ mang đến cho khách hàng tiềm năng khả năng tiếp cận các công nghệ quốc phòng tiên tiến mà không phải đáp ứng những điều kiện tiên quyết khó khăn như các nhà xuất khẩu Mỹ và châu Âu đặt ra.

Điều này cho phép người mua tránh được lựa chọn thay thế nhạy cảm về mặt chính trị, vốn có nguy cơ dẫn đến việc phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.

“Thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ thường nổi bật về mặt chi phí, đáng tin cậy và trong một số trường hợp, vượt trội so với các thiết bị thay thế khác”, SCMP dẫn lời chuyên gia Ali Bakir, thành viên cấp cao tại Sáng kiến an ninh Trung Đông Scowcroft trụ sở tại Washington, cho biết:

Chuyên gia này nói thêm, gần đây, nhiều quốc gia ở Trung Đông đã mua UAV chiến đấu giá rẻ của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi “có trải nghiệm không mấy hiệu quả đối với các UAV đắt đỏ hơn của Trung Quốc như Wing Loong-1 và 2”.

Năm ngoái, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đặt đơn hàng 120 UAV TB2 tầm trung Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ ước tính trị giá 2 tỷ USD sau khi vũ khí này chứng tỏ tính hiệu quả lớn đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga.

Vào tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhận được đơn đặt hàng quốc phòng lớn nhất từ Ả Rập Xê Út, với hợp đồng giá trị 3,1 tỷ USD cho UAV chiến đấu Akinci vốn có độ bền cao hơn. Hợp đồng liên quan đến điều kiện chuyển giao công nghệ để cho phép Ả Rập Xê Út tự sản xuất UAV của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lợi thế của Hàn Quốc

Trong khi đó, Hàn Quốc có nhiều lợi thế về chính trị hơn Thổ Nhĩ Kỳ khi là đồng minh quân sự thân cận của Mỹ ở châu Á và cũng là nhà sản xuất quốc phòng chất lượng cao hàng đầu thế giới. Những điều này mang lại cho Seoul lợi thế rõ ràng hơn Ankara trên thị trường vũ khí châu Á-Thái Bình Dương.

“Nhìn chung, hiện tại xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đang được ưa chuộng hơn Thổ Nhĩ Kỳ”, giáo sư Dave DesRoches, làm việc tại Trung tâm Cận Đông Nam Á của Đại học Quốc phòng Mỹ ở Washington, cho biết.

Theo ông, Hàn Quốc nổi tiếng là nhà sản xuất thiết bị dân dụng chất lượng, bao gồm cả thiết bị công nghệ cao, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ chưa đạt được. Vị giáo sư này cũng cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “tiếp tục đối mặt với tình trạng ít được biết đến trong một thời gian, cho đến khi nước này đạt được vị thế là nhà sản xuất quốc phòng công nghệ cao”.

Là một nhân vật mới nổi, ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn luôn gặp khó khăn trong việc giành được các đơn đặt hàng lớn từ các nước ở châu Á-Thái Bình Dương.

Ankara đã mất hợp đồng trị giá 920 triệu USD cung cấp cho Malaysia 15 máy bay chiến đấu hạng nhẹ vào đầu năm nay và hợp đồng trị giá 574 triệu USD với Philippines về 6 tàu tuần tra ngoài khơi vào tay đối thủ Hàn Quốc. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp mức giá cạnh tranh, công nghệ tiên tiến và hiệu quả đã được chứng minh, nhưng đây vẫn là một nước mới” so với Hàn Quốc, Trung Quốc, Italy và những quốc gia tương tự.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ được lợi thế đáng kể về chi phí so với hầu hết các quốc gia xuất khẩu vũ khí phát triển.

?Với sự cởi mở của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hợp tác, bao gồm liên doanh và chuyển giao công nghệ, nhiều người tin rằng việc các nhà sản xuất quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ giành được thị phần lớn hơn trên thị trường châu Á chỉ là vấn đề thời gian”, ông Bakir nhận định.

Tiềm năng của Thổ Nhĩ Kỳ

Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực để thiết lập vị thế dẫn đầu trong khu vực vào những năm gần đây.
Vào tháng 3/2022, nhà sản xuất FNSS có trụ sở tại Ankara đã cung cấp 10 khung xe tăng chiến đấu hạng trung Kaplan đầu tiên cho liên doanh Pindad của Indonesia. Cùng tháng đó, Công ty Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ và đối tác Italy Leonardo cũng bắt đầu giao 6 máy bay trực thăng T-129 Atak cho Philippines theo hợp đồng trị giá 270 triệu USD.

Tuy nhiên, những nỗ lực tiếp cận thị trường Đông Nam Á với vũ khí sản xuất trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ ít hiệu quả hơn.

Các UAV chiến đấu nổi tiếng của nước này, mặc dù đã được chứng minh tính hiệu quả trên chiến trường Ukraine, nhưng phần lớn đã không tạo được làn sóng trong khu vực cho đến tháng 5 vừa qua, khi Malaysia ký hợp đồng trị giá 92 triệu USD với Công ty Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ để mua 3 UAV tầm trung Anka.

Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải dựa vào việc bán hàng trăm loại xe bọc thép khác nhau cho Indonesia, Malaysia và Philippines để đặt nền móng cho việc có được thị phần lớn hơn tại thị trường châu Á.

Là một người mới, ban đầu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ thu hút được những người mua đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt hoặc lệnh cấm buôn bán quốc phòng từ các nhà cung cấp lớn của châu Âu và Mỹ như Indonesia và Pakistan.

Pakistan hiện là khách hàng hàng đầu về khí tài quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ khi đã nhận 3 trong số 4 tàu hộ tống hải quân Milgem theo hợp đồng năm 2018. Năm ngoái, Pakistan cũng bắt đầu đưa vào sử dụng một số lượng UAV chiến đấu TB2 và Akinci do Lực lượng Phòng vệ Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.

Tuy nhiên, vẫn có những cơ hội khác dành cho các nhà sản xuất vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ ở những nơi như Malaysia và Thái Lan.

Bản thân các nước châu Á này muốn tự mình bước lên nấc thang công nghiệp quốc phòng, không chỉ đơn giản là nhập khẩu thiết bị quốc phòng mà còn bắt đầu sản xuất thiết bị quốc phòng của riêng mình và cuối cùng trở thành nhà xuất khẩu.

Chuyên gia DesRoches cho rằng, máy bay chiến đấu tàng hình Kaan của Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng có thể vẫn là mặt hàng hấp dẫn đối với các quốc gia châu Á vốn “khó có thể được chấp thuận tham gia” vào chương trình máy bay chiến đấu tấn công chung F-35 do Mỹ dẫn đầu.

Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh phát triển máy bay chiến đấu tàng hình Kaan sau khi bị Mỹ loại khỏi chương trình F-35 vào năm 2019 vì từ chối hủy việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới