Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhông có “Philippines thứ hai”

Không có “Philippines thứ hai”

Cùng với những bình luận khác, một trong những điều khiến dư luận quan tâm là: Việt Nam liệu có thành một “Philippines thứ hai” ở Đông Nam Á, sau chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bước ra khỏi chuyên cơ Không lực 1 (Air Force One) tại sân bay Nội Bài chiều 10-9

Sau các chuyến đi con thoi giữa hai bên để làm công việc chuẩn bị, cuối cùng, một sự kiện được quan tâm, mong đợi cũng diễn ra với việc tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp nhà nước Việt Nam trong hai ngày 10 -11/9.

Như nhận định của giới chính trị và truyền thông toàn cầu, dù không nói trắng phớ, nhưng sự hiện diện của “người đàn ông quyền lực nhất thế giới” thời điểm này, tại Hà Nội, có ý nghĩa đặc biệt. Những bỉnh bút các tờ báo lớn trong khu vực và quốc tế đã phân tích nhiều tính chất đặc biệt này. Như việc ông Biden thăm Việt Nam theo lời mời của người đứng đầu Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng chẳng hạn – đặc biệt quá đi. Rồi nữa, một khi ông chủ Nhà Trắng không dự, mà “sai” cấp phó của mình là bà Kamala Harris tới Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 – một sự kiện cũng rất quan trọng, tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Jakarta, Indonesia, chẳng đã thể hiện ông Biden coi cái nào “nhỉnh hơn” giữa thăm Việt Nam và dự Hội nghị kia hay sao? Thêm nữa, tiếp theo 4 đời tổng thống trước, chuyến thăm lần này là chuyến thăm thứ năm của nguyên thủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tới một quốc gia từng là cựu thù…

Nước Việt Nam bé con con, xa cách nghìn trùng, lại nghèo nữa, sao khiến các đơi tổng thống siêu cường như Mỹ vốn đầy ngạo mạn, trịch thượng, phải cấp tập tới lui với tần suất như vậy.

Giải câu hỏi này, với các chuyên gia quốc tế chẳng khó. Ngoài việc là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của nhau: Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với con số hơn 100 tỷ USD; Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 trên thế giới của Mỹ; tiềm năng, dư địa còn nhiều…, điều đáng kể hơn, còn là tầm quan trọng của đất nước hình chữ S trong “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ.

Nói một cách trần trụi hơn, Việt Nam đặc biệt có ý nghĩa với Washington trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của một đối thủ là Trung Quốc, đang lăm le lật đổ Mỹ để chiếm vị trí siêu cường số 1. Hà Nội, dù ngoài mặt luôn dùng những ngôn từ thể hiện sự hoan hỷ về những thành tựu người “đồng chí” phương Bắc đạt được, nhưng thâm tâm, họ thừa hiểu một nước tham lam như Trung Quốc trỗi dậy thì là mối nguy hiểm như thế nào? Nguy cho thế giới; đặc biệt nguy cho các bên liên quan chủ quyền Biển Đông.

Mỹ quá hiểu lịch sử bang giao Việt Nam và Trung Quốc từng có biết bao thăng trầm. Mỹ cùng biết, trong dằng dặc lịch sử đau thương đó, Việt Nam bao giờ cũng quật cường, khí phách. Nhà ngoại giao xuất chúng của nước Mỹ – Henry Kissinger, trong đận thăm Việt Nam năm 1973 sau khi Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam được ký kết, chẳng đã đọc vanh vách câu “Nam quốc sơn hà nam đế cư…” để rồi sám hối là lẽ ra, người Mỹ phải biết tới nó trước, thì biết đâu, đã tránh được một cuộc chiến phi nghĩa với Việt Nam đó sao? Chính thế, một khi có thêm một Việt Nam gan góc đồng hành trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Washington coi đó là một thành công. Thậm chí, có người còn cho rằng, Washington đang muốn biến Việt Nam thành một “Philippines thứ hai” trong khu vực – nghĩa là thành đồng minh với Mỹ.

Tuy nhiên, trong con mắt dư luận, nhận định trên tỏ ra không thực tế. Không thực tế ngay cả khi không coi câu chuyện thể chế (Việt Nam khác Philippines) là quan trọng. Đến ông Biden mà còn có thể nhận lời mời của ông Nguyễn Phú Trọng để vượt nghìn trùng thăm Việt Nam, thì sự khác biệt thể chế có là cái gì mà không thể xử lý? Vấn đề là Việt Nam, cả trong lý thuyết (lý luận) và thực tế, cho tới nay luôn tỏ ra kiên trì, nhất quán về đối ngoại – điều đó khiến mục tiêu của Washington khó thành.

Quan điểm, chủ trương đối ngoại của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa, gắn với phương châm “ngoại giao cây tre”. Với quan điểm, phương châm đó, Việt Nam không che giấu ý đồ tranh thủ mọi điều kiện để giữ được môi trường hòa bình, nhưng tham gia một hiệp ước quân sự là điều Việt Nam kiên quyết lắc đầu. Điều đó thể hiện rõ trong “Sách trắng quốc phòng 2019”, với chính sách “4 không”: không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước khác, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Xét về truyền thống và đạo lý, hầu hết người Việt Nam đều đồng tình với chính sách “4 không” đó, bởi đất nước này từng là nạn nhân của Mỹ cùng các đồng minh như Austraylia, Thái Lan, Hàn Quốc, trong cuộc chiến khốc liệt trước năm 1975. Vì thân phận đồng minh mà phải thực hiện nghĩa vụ đem quân tấn công một quốc gia không thù oán – một dân tộc giàu lương tri, yêu hòa bình như Việt Nam sao có thể nhắm mắt để làm.

Thêm một điều quan trọng, là quốc gia kề cạnh Trung Quốc, từng bị Trung Quốc nhiều lần xâm lược, gây hấn, một mặt kiên quyết chống lại, nhưng mặt khác, Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn mối quan hệ hữu nghị với nước láng giếng khổng lồ này. Và họ cũng đồng thời luôn nỗ lực thực hiện điều đó ở mức cao nhất trong suốt chiều dài lịch sử. Vậy nên, dù quan hệ Việt Mỹ có được nâng cấp, thậm chí tới mức cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Biden, thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Việt Nam đang làm cuộc “thoát Trung” theo nghĩa thô thiển, để “quấn” lấy Mỹ cũng như trông cậy vào Mỹ trong mọi việc.

Trong thực tế, nếu nâng cấp quan hệ Việt Mỹ diễn ra nay mai, thì điều đó chỉ có ý nghĩa như một bằng chứng cho thấy, Hà Nội nhất quán, kiên trì và thành công với phương châm “ngoại giao cây tre” mà thôi.

Và nó cũng cho thấy, dù Mỹ muốn, nhưng còn lâu Việt Nam mới thành một “Philippines thứ hai” đồng minh của Mỹ trong khu vực.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới