Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên phát triển công nghệ tên...

Nga sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên phát triển công nghệ tên lửa và vệ tinh

Tổng thống Nga Putin vừa gửi tín hiệu sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa và vệ tinh, một động thái mà Mỹ và phương Tây đặc biệt chú ý trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.


Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin thể hiện sự sẵn lòng giúp đỡ về công nghệ tên lửa và vệ tinh đó khi ông cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi dạo khu vực sân bay vũ trụ Vostochny rộng lớn của Nga trước cuộc hội đàm song phương.

Một phóng viên hỏi liệu Nga sẽ giúp Triều Tiên phóng vệ tinh và tên lửa của riêng họ, ông Putin liền đáp: “Đó chính là lý do chúng tôi tới đây”.

Lãnh đạo Nga nồng ấm đón tiếp lãnh đạo Triều Tiên, nhấn mạnh công nghệ vũ trụ
Tổng thống Putin phát biểu tiếp tại sân bay vũ trụ Vostochny (nằm ở vùng Viễn Đông Nga) vào ngày 13/9: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện sự quan tâm lớn về vũ trụ, tên lửa và họ đang cố gắng phát triển công nghệ vũ trụ. Chúng tôi sẽ giới thiệu những đồ mới của chúng tôi. Chúng tôi sẽ trao đổi về tất cả các vấn đề một cách chậm rãi”.

Bình luận của ông Putin hàm ý việc làm sâu đậm quan hệ của Nga với Triều Tiên trong bối cảnh giới chức Mỹ cảnh báo rằng Triều Tiên có thể cung cấp vũ khí cho Nga dùng trong xung đột với Ukraine để đổi lại việc Nga cung cấp công nghệ tên lửa đạn đạo cho Triều Tiên.

Video do điện Kremlin cung cấp hôm 13/9 cho thấy 2 nhà lãnh đạo bắt tay nhau trước khi đi thăm khu hàng không vũ trụ và đi gần khu phức hợp tên lửa, nơi lắp rắp và thử nghiệm phương tiện phóng, theo truyền thông nhà nước Nga.

Triều Tiên đã đưa công nghệ vũ trụ trở thành một ưu tiên, nhưng gặp một số trở ngại về kỹ thuật khi phóng vệ tinh lên quỹ đạo.

Hồi tháng 4, truyền thông nhà nước Triều Tiên dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh vai trò của vệ tinh quân sự trong bảo vệ an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Ông Kim đã nói về giá trị chiến lược của vệ tinh này khi cần đánh phủ đầu.

Nga có kế hoạch phóng tàu vũ trụ thế hệ tiếp theo của mình từ khu phức hợp này.

Hãng thông tấn TASS của Nga cho hay, các cơ sở tại đây được xây dựng nhằm tiếp nhận các phương tiện phóng, tiến hành hoạt động chuẩn bị trước lúc phóng, thực hiện phóng và các hoạt động hậu phóng.

Giới phân tích cho rằng địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Triều Tiên tại trung tâm vũ trụ là rất đáng chú ý.

Nga đang cần nguồn cung đạn dược, đặc biệt là đạn pháo sau hơn 18 tháng chiến sự ở Ukraine, trong khi Triều Tiên đã có nhiều năm chịu lệnh trừng phạt do chương trình vũ khí hạt nhân và do vậy thiếu mọi thứ từ ngoại tệ đến lương thực và công nghệ tên lửa.

Ông Kim đến Nga vào hôm 12/9 bằng tàu hỏa riêng cùng với các quan chức của đảng Lao động Triều Tiên, trong đó có quan chức hàng đầu về quân sự phụ trách chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, theo các bức ảnh được truyền thông nhà nước Triều Tiên chia sẻ.

Tại điểm dừng chân ở thị trấn biên giới Khasan vào ngày 12/9, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói rằng chuyến thăm Nga của ông là “biểu hiện rõ ràng” của việc Triều Tiên “ưu tiên tầm quan trọng chiến lược” của quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng.

Cũng hôm 12/9, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cảnh báo, cuộc gặp giữa ông Putin và ông Kim “mang ý nghĩa lớn” và “vượt ra bên ngoài một thỏa thuận vũ khí tiềm tàng”.

Ông Bolton nói với CNN: “Từ góc độ Triều Tiên, điều này giúp họ lần đầu tiên thực sự liên lạc với Nga tính từ khi Liên Xô tan rã”.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo
Vài tiếng đồng hồ trước cuộc gặp thượng đỉnh, Triều Tiên phóng 2 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khi vực Sunan (trong khoảng từ 11h43 đến 11h53 giờ địa phương) vào vùng biển ngoài khơi phía Đông của bán đảo Triều Tiên, theo Hội đồng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc.

Hội đồng này cho hay, 2 quả tên lửa đạn đạo nói trên lao với tốc độ khoảng 650km/h trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Giới chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích thêm các chi tiết của vụ phóng này, vẫn theo quân đội Hàn Quốc. Hội đồng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc gọi đây là hành động “đe dọa hòa bình và ổn định” của bán đảo Triều Tiên cũng như cộng đồng quốc tế.

Giới phân tích nhận xét việc phóng này là bất thường trong bối cảnh ông Kim đang ở nước ngoài.

Giáo sư Easley nhận định, Triều Tiên có thể muốn “chứng tỏ rằng quân đội nước này vẫn duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu, với sự chỉ huy không bị ngắt quãng”.

Giáo sư Easley bổ sung: “Đáng lưu ý là Triều Tiên phóng tên lửa trong lúc ông Kim đang ở Nga để gặp lãnh đạo của một quốc gia là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Ankit Panda, nghiên cứu viên cao cấp trong Chương trình Chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, cho rằng vụ phóng là “một bước phát triển đáng lưu ý”.

Theo Panda, từ năm 2019, nhà lãnh đạo Kim Jong Un bắt đầu cho tiến hành nhiều cuộc thử và diễn tập tên lửa mà không cần sự hiện diện của ông nữa, và Triều Tiên có lẽ đã có những động thái phân quyền trong cơ cấu chỉ huy lực lượng hạt nhân.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới