Thursday, January 23, 2025
Trang chủQuân sựXe tăng Challenger 2 "bất khả chiến bại" bị phá hủy ở...

Xe tăng Challenger 2 “bất khả chiến bại” bị phá hủy ở Ukraine thế nào?

Chiến trường Ukraine trong vài ngày qua một lần nữa chứng kiến huyền thoại về “vũ khí bất bại” của phương Tây là xe tăng Challenger 2 bị phá hủy ở ngoại vi làng Robotine, vùng Zaporizhia.

Xe tăng Challenger 2 Ukraine đầu tiên bị phá hủy.

Thông tin những chiếc xe tăng Challenger 2 đầu tiên của Ukraine bị hạ gục đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới chuyên gia quân sự Nga.

Hãy cùng đi tìm lời giải cho những câu hỏi về loại vũ khí nào đã phá hủy cỗ xe tăng hạng nặng này, huyền thoại về lớp giáp Chobham “tan chảy” thế nào và tại sao nó lại được chuyên gia quân sự và tình báo Nga đặc biệt quan tâm?

“Lối đi riêng” của người Anh

Bài viết mới nhất trên báo Vzglyas (Góc nhìn) của Nga đã giúp lý giải tại sao xe tăng Challenger 2 lại nhận được sự quan tâm nhiều không chỉ từ truyền thông, mà cả từ giới chuyên gia quân sự Nga.

Đầu tiên chính là danh tiếng “bất khả chiến bại” từ khi xuất hiện tới nay. Thậm chí, trên website của Bộ Quốc phòng Anh vẫn in đậm lời quảng cáo: “Chưa một chiếc xe tăng nào bị phá hủy trong chiến đấu”.

Tuy nhiên, điều đó khá dễ hiểu vì từ trước tới nay, các trận chiến Challenger 2 tham gia chỉ là đối phó với các đối thủ dưới tầm, thậm chí không có khả năng phản kháng.

Anh tuyên bố viện trợ cho Ukraiune 14 xe tăng Challenger 2 trong tháng 1 và con số này sẽ được tăng lên 28 xe, tương ứng 2 đại đội xe tăng theo chuẩn NATO.

Khi tiếp nhận lô xe tăng Anh đầu tiên vào tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thời điểm đó, ông Oleksiy Reznikov đã đánh giá cao chiến xa của Anh và coi nó sẽ là một trong những hạt nhân của cuộc phản công mùa hè Kiev thực hiện sau đó vài tháng.

“Thật vui khi thấy những chiếc Challenger 2 đầu tiên của Ukraine… Những phương tiện tuyệt vời này sẽ sớm ra trận và bắt đầu nhiệm vụ của chúng”, ông Oleksiy Reznikov phát biểu.

Toàn bộ số xe tăng hiện đại này viện trợ được chuyển giao cho Lữ đoàn dù tinh nhuệ số 82 của Ukraine. Chúng được kỳ vọng là những đơn vị vũ khí chủ lực tham gia phản công giành lại Melitopol trong kế hoạch cực kỳ tham vọng của Ukraine và sẽ chỉ tham chiến khi tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga bị phá vỡ.

Tuy nhiên, tới tháng 8, dù Ukraine vẫn chưa xuyên thủng phòng tuyến đầu tiên, nhà báo David Axe của Forbes cho biết: “Ukraine cuối cùng đã triển khai đơn vị mạnh nhất của họ ra mặt trận là Lữ đoàn 82 với khoảng 2.000 binh sĩ và trang bị đi kèm”.

Cuộc phản công của Ukraine vẫn đang ở vùng xám, phía Nam làng Robotine và chưa chạm tới tuyến phòng thủ chính đầu tiên của Nga. Đây cũng là địa điểm ghi nhận thiệt hại đầu tiên của chiến tăng Anh.

Chuyên gia quân sự Nga, Igor Korochenko, Tổng biên tập Tạp chí Sức mạnh Tổ quốc đánh giá, nhiều nhà phân tích quân sự từng nhận định triết lý phát triển xe tăng của Anh là bảo thủ và thiếu logic. Thực tế này tồn tại từ Thế chiến 2, xe tăng Anh thường chậm chạp và thiếu hiệu quả do tư duy chế tạo khá đặc biệt.

Đi ngược lại với xu thế chung của xe tăng thế giới là cơ động cao, hỏa lực mạnh và là phương tiện diệt tăng chủ lực, Anh lại chọn hướng phát triển xe tăng cần có khả năng bảo vệ mạnh mẽ và tư duy đặc biệt “xe tăng không phải dành cho đấu tăng”, mà đó là nhiệm vụ của pháo binh.

Mục tiêu của người Anh là tạo ra phương tiện có khả năng sống sót cao, hỏa lực mạnh để tiêu diệt chủ yếu các phương tiện bọc thép của đối phương ở khoảng cách xa nhất có thể.

Đạn nổ mạnh đầu đạn dẻo (HESH) đã chứng minh điều đó với khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tới 8km. Trong Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 tại Iraq, xe tăng Challenger 2 đã phá hủy một xe tăng T-55 bằng đạn HESH ở cự ly 4,7km.

Ưu tiên khả năng bảo vệ

“Đặc điểm được thể hiện rõ ràng trong thiết kế của xe tăng Chieftain và Challenger của Anh là tối đa hóa khả năng bảo vệ”, chuyên gia Igor Korochenko đánh giá.

Ngay từ thế hệ xe tăng Chieftain – dòng xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên của Quân đội Anh, khối lượng giáp bảo vệ trên tổng trọng lượng xe đạt tới 53%, trong khi đó con số này trung bình trên các xe tăng hiện đại chỉ là hơn 40%.

Xu hướng phát triển lớp bảo vệ xe tăng của Anh còn được nâng lên tầm cao mới với công nghệ giáp phức hợp Chobham sau những bài học cay đắng của xe tăng Chieftain trước phiên bản xe tăng T-72 sử dụng pháo 125mm do Iraq tự phát triển trong cuộc chiến Iran – Iraq thập kỷ 1980.

Chobham được cho là đối phó hiệu quả với đạn chống tăng nhờ việc triệt tiêu luồng xuyên phản lực thông qua kết cấu tổ ong của lớp lót gốm và giảm hiệu quả của đạn xuyên động năng khi các lớp vật liệu sẽ hấp thụ lực xuyên và khiến thanh xuyên dưới cỡ bị biến dạng và gẫy.

Trang tin quân sự Topwar đánh giá, công nghệ giáp Chobham rất có giá trị về mặt học thuật trong phát triển và chế tạo xe tăng hiện đại. Công nghệ này đang được ứng dụng trên nhiều dòng xe tăng hiện đại như M1 Abrams, Leclerc, K2 Black Panther.

Theo nhận định của Topwar, chiếc Challenger 2 đầu tiên bị phá hủy tại Ukraine căn cứ vào hình ảnh hiện trường có khả năng đã trúng đạn pháo dẫn đường chính xác cao như Kranopol hay Kitolov khi đang ở vị trí tập kết chuẩn bị chiến đấu.

Ngoài ra, xe tăng Anh cũng có thể trúng tên lửa chống tăng Kornet của Nga. Vụ nổ phá hủy xe tăng xảy ra từ phần nóc với lực xuyên phá dồn vào khoang động cơ và tháp pháo khiến cho xe nổ tung.

Thay đổi hay là bị tiêu diệt?

Cũng theo đánh giá của trang tin Vz của Nga, một điểm khác biệt đáng kể của phương tiện chiến đấu phương Tây và Nga được sử dụng tại chiến trường Ukraine là việc các phương tiện cơ giới của Nga được sửa đổi liên tục để phù hợp với điều kiện chiến trường.

Tùy vào từng mặt trận, phương tiện của Quân đội Nga được trang bị thêm “phụ kiện” cần thiết để nâng cao khả năng sống sót.

Không khó có thể nhận ra những thay đổi này ở phần mái che nóc phương tiện chống lại UAV tự sát, tên lửa chống tăng hay hệ thống vải Nakhitka hạn chế bộc lộ tín hiệu nhiệt, lồng chống đạn phóng lựu… trên các xe của Nga.

Còn phía Ukraine, ngoài những sửa đổi tự sáng tạo của đơn vị ngoài chiến trường, xe tăng và xe bọc thép của họ hầu hết vẫn giữ nguyên cấu hình cơ bản của nhà sản xuất.

Lý giải cho vấn đề này, trang tin Topwar đăng tải, bất kỳ thay đổi nào can thiệp vào thiết kế của phương tiện của phương Tây nếu không được sự đồng ý của hãng chế tạo đều bị phản đối và thậm chí từ chối thực hiện dịch vụ bảo trì, hậu cần.

Còn ở phía Nga, từ thời Liên Xô đã có truyền thống về việc các đơn vị kỹ thuật của các nhà máy chế tạo theo các đoàn quân ra chiến trường. Họ sẽ đánh giá các thiệt hại của phương tiện gây ra bởi vũ khí của đối phương để có phương án sửa đổi phù hợp. Liệu các chuyên gia Anh có ra tận mặt trận, dưới tầm hỏa lực dữ dội của Nga để nghiên cứu hay không?

Chính vì thế, các trang bị bổ sung để hạn chế hiệu quả vũ khí tấn công của đối phương trên mặt trận của Nga thường đã được các kỹ sư nhà máy đánh giá và chuẩn hóa sản xuất ngay tại tiền tuyến. Trong khi đó, đối với vũ khí phương Tây, đây là công việc chỉ thực hiện ở nhà máy và cần phải trả tiền trong các gói nâng cấp.

Với việc những chiếc Challenger 2 bị hạ tại mặt trận, các chuyên gia quân sự Nga có thể sớm được tiếp cận và nghiên cứu những công nghệ đặc biệt của dòng xe tăng Anh này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới