Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội'Nổi sóng' tỷ giá USD: Chuyện gì đang xảy ra?

‘Nổi sóng’ tỷ giá USD: Chuyện gì đang xảy ra?

Tỷ giá USD đang tăng giảm liên tục, có thời điểm tỷ giá trung tâm tăng vọt lên trên 24.000 đồng/USD sau đó giảm ngay rồi lại tăng tiến sát mốc này. Các chuyên gia dự báo, dù tỷ giá đang “nổi sóng” nhưng sẽ dần ổn định vào cuối năm.

Tính từ giữa tháng 6 đến nay, tỷ giá trung tâm USD lại biến động mạnh nhất 2 ngày vừa qua. Thậm chí, tỷ giá trung tâm còn lên trên mốc 24.000 đồng/USD – mức cao nhất lịch sử. Tỷ giá liên tục tăng giảm trái chiều.

Vào lúc 7h30 sáng nay (13/9), tỷ giá USD bất ngờ giảm 24 đồng/USD so với cùng thời điểm hôm qua. Thế nhưng sau 9h, tỷ giá lại tăng lên mức 23.995 đồng/USD. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.400 – 25.144 đồng/USD (mua – bán), đi ngang chiều mua và tăng 14 đồng chiều bán so với đầu giờ sáng.

Vietcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.900 – 24.270 đồng/USD, tăng mạnh 30 đồng/USD chiều mua và chiều bán so với hôm qua.

BIDV niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.945 – 24.245 đồng/USD, tăng mạnh 30 đồng/USD cả chiều.

Techcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.934 – 24.285 đồng/USD, tăng 28 đồng/USD.

Eximbank niêm yết giá mua – bán USD giao dịch ở mức 23.870 – 24.260 đồng/USD, tăng mạnh 20 đồng/USD.

Trong khi đó, tỷ giá USD trên thị trường tự do giảm về ở quanh mức 24.137 – 24.194 đồng/USD.

Tỷ giá các ngoại tệ khác trong giỏ thanh toán quốc tế, tại Vietcombank hôm nay diễn biến trái chiều nhau.

Cụ thể, tỷ giá đồng EUR, giảm 33 đồng/EUR chiều mua vào, nhưng tăng 59 đồng/EUR chiều bán ra so với phiên trước, giao dịch mua – bán tại Vietcombank quanh mức 25.161 – 26.674 đồng/EUR.

Đồng bảng Anh, tăng 11 đồng/GBP chiều mua vào và giảm 1 đồng/GBP chiều bán so với phiên trước, tại Vietcombank giao dịch mua – bán quanh mốc 29.340 – 30.590 đồng/GBP.

Đồng đô la Canada, tăng 65 đồng/CAD chiều mua vào và tăng 60 đồng/CAD chiều bán ra, giao dịch mua – bán tại Vietcombank ở quanh mức 17.333 – 18.071 đồng/CAD.

Tỷ giá đô la Úc, tăng 19 đồng/AUD chiều mua vào và tăng 13 đồng/AUD chiều bán ra, tại Vietcombank giao dịch mua – bán ở quanh mức 15.082 – 15.724 đồng/AUD.

Tỷ giá yên Nhật, giảm 1 đồng chiều mua và đi ngang chiều bán so với phiên trước, giao dịch mua – bán quanh mốc 159 – 169 đồng/JPY..

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lưu ý cẩn trọng vì bối cảnh năm nay khá giống với năm ngoái. Ông Ánh cho biết, tỷ giá tăng cao như hiện nay khá giống với giai đoạn tháng 8-9 năm ngoái, khi đó Ngân hàng Nhà nước đã phải sử dụng khoảng 25 tỷ USD/100 tỷ USD để duy trì tỷ giá. Tỷ giá đột ngột tăng cao cũng là lý do cơ bản khiến NHNN phải điều chỉnh tăng lãi suất hai lần liên tiếp mỗi lần 1% vào tháng 9 và tháng 10 năm 2022 để ổn định mặt bằng tỷ giá.

Để đảm bảo dòng vốn vào Việt Nam không bị ảnh hưởng, kể cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, chỉ có một trong hai lựa chọn là ổn định lãi suất hoặc ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước không thể cùng một lúc thực hiện cả hai nhiệm vụ. Đây đang là lựa chọn khó khăn nhất của chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đà tăng mạnh của đồng USD gần đây chỉ là ngắn hạn do yếu tố tâm lý, mùa vụ, sẽ không kéo dài đến cuối năm. Giới chuyên gia nhận định, vấn đề tỷ giá bật tăng trong vài ngày gần đây không đáng lo ngại nhưng cần theo dõi kỹ từ nay đến cuối năm. Khi không đủ dư địa về dự trữ ngoại hối có thể phải dùng đến công cụ lãi suất để kiểm soát tỷ giá, nguy cơ tăng lãi suất có thể xảy ra.

Đánh giá tỷ giá không quá quan ngại nên chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa vẫn giữ quan điểm rằng không có lý do gì để Việt Nam đảo chiều chính sách tiền tệ trong lúc này.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp, điều hành tỷ giá linh hoạt. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối (trên 6 tỷ USD). Đồng thời, hủy thực hiện bán ngoại tệ theo các giao dịch kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng với tổng giá trị lên đến 2,24 tỷ USD.

Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất; tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, thực hiện can thiệp thị trường linh hoạt nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới