Sự phụ thuộc của Mỹ vào các linh kiện của Trung Quốc đồng nghĩa ngành công nghiệp quốc phòng và cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này có thể sớm rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Mỹ không có nhà máy hoặc lao động lành nghề để thay thế nhiều loại hàng nhập khẩu của Trung Quốc dùng hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng và cơ sở hạ tầng cơ bản, theo nhiều quan chức chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.
Báo Asia Times phân tích chính vì lý do trên, ít có khả năng các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden xem xét lời kêu gọi cắt đứt hoàn toàn lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc khỏi công nghệ Mỹ.
Mỹ sốt ruột nhưng đồng minh vẫn “ỡm ờ”
Ngày 14-9 vừa qua, một nhóm gồm 10 thành viên nổi bật của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã viết thư cho Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu ngừng xuất khẩu công nghệ chip của Mỹ sang Trung Quốc. Họ cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu áp đặt hồi tháng 10-2022 không hiệu quả mà phải cấm xuất khẩu hoàn toàn.
Bức thư cho rằng Huawei Technologies Co. (Huawei) đã phát triển một điện thoại thông minh chứa chip 7 nanomet (nm), có khả năng hỗ trợ 5G, do Tập đoàn Sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc sản xuất.
Semianalysis.com, một trang web quan trọng trong ngành công nghiệp chip, tuyên bố chip 7 nanomet của Huawei là “đáng kinh ngạc về mặt kỹ thuật” và là “một con chip được thiết kế tốt hơn sự tưởng tượng của phương Tây”. Do đó Semianalysis.com cho rằng các lệnh cấm đã thất bại.
Không rõ liệu Mỹ có thể lôi kéo được các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan ủng hộ lệnh cấm hay không. Nhưng trước mắt Mỹ đã phải nhượng bộ yêu cầu của Hàn Quốc nhằm duy trì các nhà máy sản xuất chip hiện có của họ ở Trung Quốc.
ASML của Hà Lan – nhà sản xuất máy quang khắc chế tạo chip hàng đầu – sẽ không bán thiết bị tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc. Tuy nhiên, họ tiếp tục bán các thiết bị quang khắc siêu cực tím (DUV) mà SMIC đã sử dụng để sản xuất chip Huawei mới.
Nếu Mỹ triển khai một cuộc chiến sâu rộng liên quan tới con chip và các linh kiện của Trung Quốc, sẽ khó đo lường hậu quả có thể xảy ra. Nhưng hậu quả trước mắt sẽ là làm tê liệt ngay tức khắc các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ nếu Trung Quốc trả đũa.
Công nghiệp quốc phòng Mỹ phụ thuộc linh kiện Trung Quốc
Điểm yếu của Mỹ bộc lộ rõ: Hàng nghìn linh kiện cốt yếu do Trung Quốc sản xuất đang được sử dụng trong cơ sở hạ tầng quan trọng và ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ đã nhập khẩu 33 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc để sản xuất và phân phối điện vào năm 2022. Đây là những mặt hàng không còn được sản xuất ở Mỹ.
Các quan chức công nghiệp cho rằng việc sản xuất các mặt hàng này trong nước tốn nhiều thời gian và chi phí đắt đỏ. Tiến hành chiến tranh thương mại toàn diện có thể làm tê liệt cơ sở hạ tầng cơ bản của Mỹ.
“Mỹ và các đồng minh từ lâu đã tự cho phép mình trở thành con tin của các tập đoàn Trung Quốc kiểm soát việc sản xuất linh kiện điện tử, nam châm công suất cao, bảng mạch in, máy tính, máy bay không người lái, kim loại đất hiếm, tua bin gió, pin mặt trời, điện thoại di động và pin lithium…
Trên thực tế, gần như mọi yếu tố của lưới điện thông minh kỹ thuật số dựa trên công nghệ đều phụ thuộc vào các linh kiện do Trung Quốc sản xuất” – ông Brien Sheahan, cựu quan chức quản lý năng lượng hàng đầu của Mỹ, viết vào tháng 4.
Các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 19- 6 với tờ Financial Times, giám đốc điều hành Tập đoàn Raytheon, Greg Hayes, xác nhận công ty của ông có “vài nghìn nhà cung cấp ở Trung Quốc và việc cắt đứt là không thể”. Ông nói thêm đây là trường hợp không hề cá biệt trong ngành sản xuất của Mỹ.
Ông Hayes than thở hơn 95% vật liệu hoặc kim loại đất hiếm có nguồn gốc hoặc được chế biến tại Trung Quốc. “Nếu chúng tôi phải rút khỏi Trung Quốc, sẽ phải mất rất nhiều năm để thiết lập lại chuỗi sản xuất trong nước hoặc ở các nước bạn bè khác” – ông nói.
Được biết, Raytheon sản xuất tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa không đối đất Maverick, tên lửa chống tăng Javelin và các trụ cột khác của kho vũ khí Mỹ.