Monday, June 17, 2024
Trang chủQuân sựTàu pháo và tàu tên lửa của hải quân Việt Nam có...

Tàu pháo và tàu tên lửa của hải quân Việt Nam có gì đặc biệt?

Lữ đoàn 167 (Vùng 2 Hải quân) được mệnh danh là Lữ đoàn “Tia chớp” khi sở hữu các tàu pháo TT400TP và tàu tên lửa lớp 12418 với hỏa lực mạnh, tốc độ cao. Đây là đơn vị chiến thuật có thể độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến với các lực lượng để tiến công tiêu diệt các tàu mặt nước của địch trong tác chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vậy khả năng thật sự của những tàu chiến này mạnh cỡ nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong tổng hợp ngay sau đây.

TT400TP là một lớp tàu pháo do Công ty đóng tàu Hồng Hà – Việt Nam tự sản xuất dựa trên bản thiết kế sơ bộ mua từ nước ngoài. TT là viết tắt của từ “tuần tra”, còn TP là viết tắt của từ “tàu pháo”. TT400TP là các tàu pháo có vũ khí điều khiển tự động, hoạt động trên biển với 4 nhiệm vụ:

Tiêu diệt tất cả tàu chiến, đổ bộ và tàu hộ tống của địch. Bảo vệ căn cứ, các đội tàu đổ bộ và đội tàu hộ tống ở vùng hoạt động của các lực lượng. Tàu phục vụ các lực lượng rà quét mìn, bảo vệ tàu dân sự trên biển và trinh sát chiến thuật cảnh giới mặt nước.

Hiện tại, 6 chiếc đã được đóng mới và trong biên chế của hải quân Nhân dân Việt Nam. Tàu có trọng tải choán nước từ 413 tấn khi không tải, 446 tấn khi tải trung bình và 480 tấn khi toàn tải, chiều dài 54.16 mét, chiều rộng 9.16 mét, mớn nước 2.7 mét, tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tầm hoạt động 2.500 hải lý khi tàu chạy ở tốc độ kinh tế 14 hải lý/h. Tàu có thể hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện sóng cấp 5 và chạy trong điều kiện gió cấp 9 – 10 và sóng cấp 8.

Tàu được thiết kế và chế tạo theo kiểu độc lập trong mỗi mô-đun độc lập, trong mỗi mô đun được thiết kế và bố trí lắp đặt các thiết bị gần như hoàn chỉnh theo từng khối. Sau đó chỉ cần cẩu, đấu, lắp tổng thành các đoạn mô-đun lại.

Trang bị vũ khí trên tàu TT400TP có một pháo hạm AK-176M. Pháo hạm AK-176M trên tàu TT400TP được điều khiển bởi radar kiểm soát hỏa lực MR123-02 đặt ở vị trí gần tháp radar của tàu. Pháo hạm AK-176M cỡ nòng 76.2 mm có tốc độ bắn tối đa 120 lần/phút, sơ tốc đầu nòng 980 m/s, tầm bắn hiệu quả 10km, tầm bắn tối đa 15.5 km, dự trữ đạn 152 viên. Nhờ được điều khiển bằng radar kiểm soát hỏa lực MR123-02 kết hợp với thiết bị ngắm quang tuyến LEP MỀM, giúp pháo hạm AK-176M bắn chính xác các mục tiêu trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau.

Ngoài tiêu diệt các mục tiêu trên mặt biển, AK-176M còn có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay, kể cả tên lửa hành trình chống hạm. Trong một thử nghiệm trước đây, pháo hạm AK-176M đã tiêu diệt thành công tên lửa AT-2 SWATTER mô phỏng tên lửa hành trình chống hạm Harpoon với trung bình cứ 25lần thì bắn hạ thành công, trong khi tốc độ bắn tối đa lên đến 120 lần/phút.

Ngoài pháo hạm AK-176M, trên tàu TT400TP còn trang bị một pháo bắn nhanh AK-630M. Tương tự như pháo hạm AK-176M, pháo AK-630M được điều khiển bởi radar kiểm soát hỏa lực MR123-02. Pháo AK-630M cỡ nòng 30mm có tốc độ bắn tối đa 5.000 phát/phút, sơ tốc đầu nòng 900 m/s, tầm bắn hiệu quả 5 km.

Pháo AK-630M có khả năng tiêu diệt các mục tiêu cả trên biển và trên không, kể cả tên lửa hành trình với tốc độ chính xác rất cao. Nhờ tốc độ bắn cao và điều khiển bằng radar kết hợp hệ thống quang tuyến, AK-630M có thể tạo ra một lưới lửa phòng không bảo vệ tàu trước cuộc tấn công của tên lửa chống hạm.

Ngoài hai loại pháo trên, tàu TT400TP còn được trang bị hai bị bệ gá tên lửa phòng không vác vai Strela hoặc IGLA. Tên lửa phòng không phát vai trên tàu TT400TP có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu là trực thăng hoặc máy bay chiến đấu bay thấp của đối phương.

Việc đóng mới thành công các tàu pháo TT400TP đóng vai trò quan trọng đối với công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung và công nghiệp đóng tàu chiến của Việt Nam nói riêng. Với việc tự đóng mới tàu TT400TP dựa trên thiết kế sơ bộ của nước ngoài, chi phí đóng tàu đã giảm hơn 90% so với mua mới của nước ngoài. Nếu tính riêng việc mua thiết kế toàn bộ và chuyển giao công nghệ của nước ngoài đã mất hơn 10 triệu đô la Mỹ. Đây cũng là tiền đề cho việc chúng ta sẽ tự đóng các tàu chiến thế hệ tiếp theo dựa trên thiết kế ở trong nước.

Tàu tên lửa Molniya của hải quân Việt Nam có khả năng tấn công rất nhanh, sức chiến đấu cao và được trang bị vũ khí hiện đại. Năm 2009, Tổng công ty Ba Son ký hợp đồng đóng mới tàu tên lửa Molniya cho Quân chủng hải quân trên cơ sở hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Từ năm 2014 đến năm 2017, lần lượt các tàu tên lửa tấn công nhanh thuộc Project 12.418 lớp Molniya được Tổng công ty Ba Son bàn giao hai tàu tên lửa cho Lữ đoàn 167 Vùng 2 Hải quân. Như vậy là sau 8 năm Việt Nam đã hoàn tất việc biên chế biên đội 8 tàu tên lửa Molniya, nâng cao đáng kể sức chiến đấu của Binh chủng hải quân, góp phần thực hiện sứ mệnh bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hai tàu tên lửa đầu tiên phiên hiệu HQ-377 và HQ-378 do Việt Nam đóng được Tổng công ty Ba Son bàn giao cho Quân chủng hải quân vào ngày 27/6 /2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 17/7/2014, lễ thượng cờ bàn giao tàu cho Vùng 2 hải quân được tổ chức tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Hai tàu tên lửa HQ-377 và HQ-378 thuộc Project 12.418 do Viện Alma Liên bang Nga thiết kế có lượng giãn nước lớn nhất là 563 tấn, chiều dài 56,9 m, mớn nước mũi 2,4 m, vận tốc kinh tế 12 đến 14 hải lý, lớn nhất 42 hải lý/h, thủy thủ đoàn 44 người, tầm hoạt động trên biển 10 ngày tương đương 1.700 hải lý, dự trữ đầy nhiên liệu được 2.400 hải lý, chịu được sóng cấp 6 cấp 7.

Được coi là loại tàu chiến hiện đại, nhỏ gọn, cơ động, mang tính đột phá về công nghệ, HQ377 và HQ378 là hai tàu tên lửa mang theo nhiều vũ khí điều khiển tự động gồm tên lửa và các loại pháo. Hai tàu tên lửa được tích hợp nhiều hệ thống thiết bị công nghệ cao, kết hợp tốt nhất giữa khả năng tấn công và phòng thủ, như các hệ thống vũ khí, khí tài, động lực, thiết bị điều khiển, bảo vệ và kết cấu đảm bảo sức sống tính năng đi biển, hoạt động độc lập. Tàu được trang bị một pháo tự động AK-176M cỡ nòng 76.2 mm, tầm bắn 15km, tốc độ 130 phát/phút; hai pháo phòng không cao tốc AK-630M với tốc độ bắn 5.000 phát/phút. Đáng chú ý nhất là hệ thống tên lửa Kh-35 UranE với 16 quả đạn được bố trí ở 4 bệ phóng ở hai bên sườn tàu, có khả năng đánh chìm chiến hạm lượng giãn nước cỡ 5.000 tấn với tầm bắn lên đến 130 km.

Đến ngày 24/9/2015, cặp tàu tên lửa thứ hai số hiệu HQ 379 và HQ 380 cũng chính thức được đưa vào hoạt động. Cặp tàu này được đóng vào tháng 10/2011, nghiệm thu kỹ thuật bắn đạn thật trên biển ở cấp Quân chủng hải quân và Bộ Quốc phòng hồi tháng 4/2015. Trên mỗi tàu được trang bị 4 giàn phóng tên lửa UranE với tổng số 16 quả, cự ly bắn 130 km. Ngoài giàn tên lửa, tàu HQ 379 cũng được trang bị nhiều vũ khí tối tân hiện đại phục vụ huấn luyện và chiến đấu.

Cặp tên lửa cuối cùng trong gói hợp đồng đóng mới 6 tàu Molniya giữa Tổng công ty Bason và Quân chủng hải quân được bàn giao vào ngày 9/10/2017. Hai tàu tên lửa được đóng tại Nga cũng được bàn giao cho Lữ đoàn 167 Vùng 2 hải quân vào ngày này. Như vậy hải quân Nhân dân Việt Nam đã chính thức sở hữu biên đội 8 tàu tên lửa tấn công nhanh thuộc lớp Molniya.

Tàu tên lửa Molniya vốn được mệnh danh là “tia chớp” vì sự lanh lẹ và sức chiến đấu cao. Chúng được thiết kế để tiêu diệt nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các phương tiện mặt nước khác một cách độc lập hoặc theo biên đội. Ngoài ra, Molniya có thể bảo vệ tàu ngầm, tàu đổ bộ hoặc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, giám sát hàng hải.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới